Tỉnh Đồng Nai: Học tập và làm theo Bác thực chất, tự giác và hiệu quả

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, tháng 10-2020. Ảnh: TTXVN

Nghiêm túc quán triệt, triển khai nghị quyết về học tập và làm theo Bác

Ngay sau khi Chỉ thị số 05 được ban hành, Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị, cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, như Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 25-7-2016, của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 05 trong toàn Đảng bộ. Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức triển khai việc học tập chuyên đề toàn khóa và hằng năm, công tác sơ kết được thực hiện nghiêm túc; ban hành các đề án, kế hoạch, quyết định, quy định về công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Trong nhiều nghị quyết hằng năm và chương trình công tác tháng, quý của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều có nội dung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ động chỉ đạo việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị, các chuyên đề cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như mời báo cáo viên Trung ương về giới thiệu chuyên đề, tổ chức truyền hình trực tiếp hoặc hội nghị trực tuyến; ghi hình và in DVD cung cấp cho cấp ủy cơ sở; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, hội thi tuyên truyền, cuộc thi viết về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy chỉ đạo 100% tổ chức cơ sở đảng triển khai học tập chuyên đề toàn khóa và hằng năm cho cán bộ, đảng viên (đạt tỷ lệ 99,3%), có trên 1,25 triệu lượt đoàn viên, hội viên và quần chúng tham gia học tập.

Triển khai công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí trong tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục phản ánh những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện Chỉ thị số 05. Các ban, ngành, địa phương tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu, đề cương tuyên truyền; tổ chức hoạt động cổ động trực quan, văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; treo băng-rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích trên các tuyến đường, trước cổng cơ quan, nơi công cộng, khu dân cư; đăng tải các bài viết trên các trang thông tin điện tử, bản tin của ngành, cơ quan, đơn vị. Hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã thực hiện được 380.226 tin, bài viết, mẩu chuyện, phóng sự, ghi nhanh phát hằng ngày, tuần trong các chương trình thời sự và chuyên đề; tiếp âm tuyên truyền trong nhân dân được 493.013 phút. Mỗi tin, bài được phát sóng 3 lần/ngày. Thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan thông qua 2.163 tấm và 19.906m băng rôn, 7.622m2 pa-nô, phát thanh lưu động 12.625 phút; phát hành 10.654 tấm tranh, 614.877 ảnh tuyên truyền, cổ động đến các xã, phường, thị trấn; in ấn tài liệu tuyên truyền là 9.711 bản. Nhiều đơn vị như thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Vĩnh Cửu, huyện Xuân Lộc… thực hiện được nhiều tin, bài, mẩu chuyện, phóng sự, ghi nhanh về học tập và làm theo Bác, gương “người tốt, việc tốt” tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng và xã hội.

Để việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thực chất, hiệu quả trong toàn Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn chặt việc thực hiện Chỉ thị số 05 với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Tỉnh ủy lãnh đạo các cấp ủy trực thuộc đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 05 vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy gắn với việc thực hiện một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Thực hiện Chỉ thị số 05 được Tỉnh ủy xác định là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng đối với tất cả các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ.

Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đưa vào sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, sinh hoạt chuyên đề của các cơ quan, đơn vị, địa phương; được các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị ngày càng quan tâm, đi vào thực chất. Tài liệu sinh hoạt chi bộ và chuyên đề luôn có nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm do Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, như tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Dân vận khéo”, “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Căn cứ vào chuyên đề hằng năm thực hiện Chỉ thị số 05, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các chi bộ, đảng bộ cơ sở chuẩn bị nội dung và tổ chức sinh hoạt chuyên đề sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mình.

Thực hiện Kết luận số 34-KL/TU, ngày 7-7-2016, của Tỉnh ủy về Đề án “Nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong Đảng bộ tỉnh”, việc học tập và làm theo Bác trở thành tiêu chí thi đua quan trọng. Theo kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp năm 2020, có 75.105/75.801 đảng viên đã được đánh giá, xếp loại (đạt tỷ lệ 99,08%), trong đó số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên là 71.258/75.105 đảng viên (94,88%), có 11.125/71.258 đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (15,61%); số đảng viên “Hoàn thành nhiệm vụ” là 3.388/75.105 đảng viên (4,51%). Qua xếp loại hằng năm cho thấy, chất lượng nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành ngày càng được nâng lên.

Nét nổi bật của Đồng Nai là đã gắn việc học, làm theo Bác với việc thực hiện các nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh..., tập trung vào việc ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình cấp nước sạch phục vụ dân sinh và các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các ngành nghề chủ lực, mũi nhọn của tỉnh; triển khai thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt hiệu quả rất cao, vượt xa chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Năm 2019, Đồng Nai là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (133/133 xã, 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 31/133 (23,3%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 51/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 42,1% (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X là 15%), 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 3,3%).

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế tỉnh Đồng Nai tăng trưởng khá cao, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân mỗi năm tăng 8,14%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (từ 8-9%), nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Quy mô GRDP tính theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt gần 400 nghìn tỷ đồng (tương đương 17,2 tỷ USD). GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5.300 USD/người/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

 

 Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu của Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: TTXVN

Xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác cần được nhân rộng

Về phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Nai có 470 mô hình học tập và làm theo Bác, tiêu biểu như mô hình “Câu lạc bộ năng suất cao”, “Câu lạc bộ làm giàu”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Giúp nhau giảm nghèo bền vững”; mô hình thâm canh bưởi da xanh (huyện Tân Phú); mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao, trồng thanh long ruột đỏ, chuối sấy (huyện Trảng Bom); mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trang trại Việt, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp trồng chuối cấy mô xen canh quýt đường (huyện Xuân Lộc)...

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, tỉnh huy động sức mạnh, quyết tâm của hệ thống chính trị và của toàn xã hội cùng tham gia  “Quỹ vì người nghèo”, ủng hộ được hơn 120,5 tỷ đồng; mô hình vận động mua, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn; mô hình “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ; các mô hình “Chung tay chia sẻ vì cộng đồng”, “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, “Xây dựng tổ tiết kiệm”, “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học”; “Mỗi cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu 1-2 hộ nghèo vượt nghèo bền vững” của các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh...

Về quốc phòng, an ninh, tiêu biểu có mô hình “Quỹ doanh nhân với an ninh, trật tự” của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay đã huy động 21,9 tỷ đồng giúp cho 679 đối tượng mãn hạn tù, hoàn lương làm vốn sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng...

Tỉnh Đoàn có các phong trào “Tuổi trẻ thực hành tiết kiệm”, “Tôi yêu Tổ quốc của tôi”, “Thanh niên khởi nghiệp”, “Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Theo bước chân những người anh hùng”... Hội Nông dân tỉnh có các phong trào xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì trẻ em”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”... Hội Cựu chiến binh tỉnh có các mô hình như “Tiếp sức học sinh đến trường”, “Gần cơ sở, sát hội viên”, “Giáo dục thế hệ trẻ trong các trường học”... Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” trong các cấp hội, trong đó “5 không” là: Gia đình không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không sinh con thứ 3 trở lên; “3 sạch” là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ…

Huyện Long Thành thực hiện hiệu quả công tác “Dân vận khéo” trong tham gia giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giải tỏa đền bù và tái định cư thực hiện dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành”; huyện Vĩnh Cửu đã hoàn thành việc sắp xếp, ổn định cho 50 hộ dân khu vực giải tỏa đến khu tái định cư tại khu phố 1, thị trấn Vĩnh An... Đồng thời, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo” đã tích cực vận động chức sắc, tu sĩ, tín đồ tham gia thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 13 bằng khen, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân. Đồng thời, cấp ủy các cấp đã biểu dương, khen thưởng cho 12.997 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05, vẫn còn một số hạn chế:

Một số cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05 còn chưa quyết liệt, nhất là chưa gắn việc thực hiện Chỉ thị với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); công tác tuyên truyền còn thiếu chủ động, sáng tạo. Việc tổ chức tuyên truyền, triển khai học tập gắn với chuyên đề hằng năm ở một số chi bộ, đảng bộ cơ sở còn chậm, chưa sâu rộng, thiếu chủ động, chưa phù hợp với từng đối tượng, nhất là trong khối các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, làm việc theo ca.

Việc lựa chọn nội dung đột phá, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, đôi lúc chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Nội dung cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu làm theo Bác của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hình thức, chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; kết quả “làm theo” Bác chưa thật sự trở thành hành động tự giác của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Việc thể hiện trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc, còn vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có nơi thiếu quan tâm việc phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình, nên chưa thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Một số cấp ủy thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05, còn “khoán” cho cơ quan thường trực thực hiện.

Bộ Công an tổ chức lễ trao bằng khen đột xuất của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an cho 3 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đồng Nai, vì đã có thành tích đột xuất trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Phát huy những bài học kinh nghiệm quý, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác

Sau 5 năm thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai đúc rút một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, vai trò của cấp ủy các cấp, của đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị có tính quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05. Việc tổ chức thực hiện phải quyết tâm và kiên trì, mặt khác, tự mình phải gương mẫu, đi đầu, tự giác nêu gương làm theo Bác trong từng công việc cụ thể và trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ hai, để việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân, cần tập trung lựa chọn khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả cụ thể, thực chất, thiết thực.

Thứ ba, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Kết hợp chặt chẽ  giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” để “chống”. Cùng với giáo dục, tuyên truyền vận động, phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để có tác dụng răn đe, phòng, chống có hiệu quả sự suy thoái, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ tư, coi trọng công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để việc học tập và làm theo Bác trong thời gian tới đạt kết quả tốt và gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và ý thức trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong việc học tập và làm theo Bác, gắn với việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương. Tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng để có những sản phẩm báo chí, các tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, hấp dẫn, sâu sắc.

Hai là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng việc thực hiện Chỉ thị số 05; ý nghĩa, vai trò của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, tiếp tục lựa chọn những vấn đề quan trọng, những việc nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên, người dân đặc biệt quan tâm để tập trung tổ chức xử lý, giải quyết có kết quả thực chất, tạo chuyển biến rõ nét, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống trong thời gian tới.

Bốn là, các cấp ủy trực thuộc tỉnh chủ động trong lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-2-2018, của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; các quy định của Tỉnh ủy có liên quan.

Năm là, các cấp ủy tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu từ tỉnh tới cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Chú trọng hình thức biểu dương, khen thưởng đột xuất với phương châm “lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 05. Nghiên cứu, phát hiện những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả để triển khai thực hiện trên diện rộng; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, thiếu quan tâm, triển khai còn hình thức. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nói và làm trái với quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

DƯƠNG HUY ĐỨC

 Theo Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website