Thái Bình: Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Cơ sở may gia công khăn xuất khẩu của cựu chiến binh Vũ Xuân Hiển, thôn Trung Thượng, xã Tiến Đức (Hưng Hà) tạo việc làm cho 12 lao động.

Xuất ngũ trở về địa phương năm 1985, CCB Trần Hữu Thuấn, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức (Hưng Hà) không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế mà còn luôn nhiệt tình tham gia giữ gìn ANTT, ATGT tại địa phương. CCB Trần Hữu Thuấn đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng chuồng trại nuôi bò, ao nuôi các loại cá truyền thống, trồng thêm cây ăn quả như bưởi, nhãn trên 1ha đất chuyển đổi.

Ông Thuấn cho biết: Thu nhập lớn nhất của gia đình là từ chăn nuôi hơn chục con bò thịt, bò sinh sản. Tôi đã thiết kế chuồng nuôi khép kín, xây dựng bể biogas để chứa chất thải từ bò, tái sử dụng nguồn chất thải đó để cải tạo đất giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 350 triệu đồng.

Cũng là một trong những hội viên CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế, CCB Vũ Xuân Hiển, thôn Trung Thượng, xã Tiến Đức (Hưng Hà) đầu tư xây dựng hơn 60m2 nhà xưởng, mua sắm máy may để gia công khăn xuất khẩu. Hiện nay, mô hình của CCB Vũ Xuân Hiển tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hiển chia sẻ: Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, còn sức khỏe là còn cống hiến cho Tổ quốc, quê hương, bản thân tôi luôn chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho người lao động. Cơ sở may của gia đình một tháng xuất đi trên 300.000 sản phẩm khăn các loại; trừ chi phí thu về hơn 150 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc để tăng thu nhập cho bản thân và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

CCB Nguyễn Văn Thập, thôn Đồng Nguyên, xã Thái Phúc (Thái Thụy) cũng là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi. Với 2,2ha đất cấy lúa kém hiệu quả, ông Thập đã mạnh dạn chuyển đổi sang làm mô hình VAC với trên 3.000m2 chuồng trại nuôi gà, hơn 2.000m2 ao nuôi các loại cá truyền thống, còn lại trồng cây ăn quả. CCB Nguyễn Văn Thập cho biết: Trang trại của gia đình chăn nuôi khép kín, dùng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi nên không  gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả chăn nuôi lại cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm trang trại của gia đình tôi thu về gần 400 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Những năm qua, nhiều hội viên CCB đã phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên tỏa sáng và khẳng định mình trên mặt trận phát triển kinh tế. Hiện nay, hội viên CCB trong tỉnh làm chủ 435 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân tạo việc làm cho 14.211 lao động trong tỉnh với thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hội CCB tỉnh đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho CCB vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 417,7 tỷ đồng. Bên cạnh tuyên truyền, vận động hội viên CCB tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, Hội CCB tỉnh còn tích cực chỉ đạo các cấp hội xây dựng các mô hình tự quản về ATGT, ANTT. Hiện nay, hội CCB các cấp đã thành lập 905 đội tự quản về ATGT với 5.192 hội viên tham gia, 510 câu lạc bộ phòng, chống ma túy với trên 19.700 hội viên tham gia. Nhiều mô hình duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm ATGT, ANTT trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Hội CCB tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; kịp thời động viên, khen thưởng những mô hình tổ tự quản về ATGT, ANTT hoạt động hiệu quả, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong hội viên CCB, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Tạ Tiến Khẩn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh

Sau khi giải ngân vốn vay tín chấp, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh phối hợp chặt chẽ với Hội CCB tỉnh kiểm tra, rà soát việc sử dụng vốn vay ở cơ sở. Chúng tôi kịp thời nắm bắt tình hình phát triển kinh tế của hội viên CCB, từ đó tham mưu với hội CCB các cấp, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn cho hội viên, giúp hội viên CCB yên tâm sản xuất, kinh doanh. Nhờ thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát nên nguồn vốn vay tín chấp được hội viên CCB sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Quốc Quỳnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳnh Phụ

Phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho hội viên CCB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt được Hội CCB huyện Quỳnh Phụ quan tâm chỉ đạo. Hội CCB trong huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp hơn 6,8 tỷ đồng giúp hơn 2.400 hộ gia đình hội viên vay phát triển sản xuất. Hội viên CCB được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Toàn hội hiện có 43 công ty, doanh nghiệp, 33 trang trại, 81 hợp tác xã, tổ sản xuất do hội viên CCB làm chủ, thu hút và tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Tỷ lệ hội viên nghèo giảm còn 0,8%.

Ông Ngô Biên Thùy, Chủ tịch Hội CCB xã Vũ Quý (Kiến Xương)

Nhiều năm qua, tổ tự quản về ATGT xã Vũ Quý do Hội CCB xã quản lý hoạt động hiệu quả, nền nếp được chính quyền và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Từ khi mô hình được triển khai và nhân rộng ra toàn quốc, hội viên CCB xã Vũ Quý luôn lấy đó là động lực để tiếp tục duy trì đều đặn hoạt động của mô hình. Mỗi cán bộ, hội viên CCB đều gương mẫu, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, là một tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông của người dân, hội viên góp phần giảm đáng kể số vụ tai nạn, va quệt giao thông trên địa bàn.

 

 

Tiến Đạt

Theo https://baothaibinh.com.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website