Người Chi hội trưởng điển hình học tập và làm theo Bác

 Chị Thị Dậy luôn biết sắp xếp thời gian hợp lý để vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Trong 13 năm là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ (5 năm là Chi hội trưởng Hội Nông dân) ấp Ngọc Bình, xã Ngọc Chúc, chị Thị Dậy đã xây dựng nhiều mô hình, triển khai thực hiện các cuộc vận động hiệu quả, giúp Chi hội Phụ nữ ấp Ngọc Bình trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào "Phụ nữ học tập và làm theo Bác" và xây dựng nông thôn mới.

Cách đây gần 5 năm, Chi hội Phụ nữ ấp Ngọc Bình ra mắt CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, chị Thị Dậy đảm trách Chủ nhiệm CLB. Trong đó, CLB sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần với các nội dung cụ thể: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; quản lý chi tiêu trong gia đình, kiến thức về nuôi con, cách phòng tránh bệnh ở trẻ em; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Từ 21 hội viên ban đầu, đến nay CLB đã phát triển lên gần 50 thành viên. Chị kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của chị em, từ đó đề xuất giúp hội viên nghèo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi...

Chị Thị Phượng, thành viên CLB cho biết: “CLB là nơi để hội viên chia sẻ tâm tư, tình cảm; kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống không có bạo lực gia đình, không có đói nghèo, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng nếp sống văn minh”.

Bên cạnh đó, chị Dậy phát động phụ nữ thực hành tiết kiệm góp vốn xoay vòng không tính lãi để mua bảo hiểm y tế (BHYT). Ban đầu thành lập mô hình góp vốn xoay vòng mua BHYT chỉ có 1 tổ với 6 thành viên, mỗi thành viên đóng 200.000 đồng/tháng. Đến nay, đã vận động mở rộng được 2 tổ với 24 thành viên, mức đóng góp 300.000 đồng/tháng, giúp các thành viên có hoàn cảnh khó khăn mua BHYT cho bản thân và gia đình.

Chị Thị Dậy cho hay: BHYT rất cần thiết cho người dân trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, một số hộ dân không đủ khả năng mua BHYT cho cả gia đình, do đó khi có bệnh, họ rất e ngại đi bệnh viện để khám, chữa bệnh mà chỉ mua thuốc uống, nhiều trường hợp bệnh chuyển nặng, điều trị khó khăn. “Thông qua mô hình góp vốn xoay vòng mua BHYT đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về quyền, trách nhiệm khi tham gia BHYT. Đồng thời, tạo điều kiện để hội viên và gia đình tham gia, hưởng quyền lợi từ BHYT, góp phần giảm nghèo, hình thành thói quen tiết kiệm, giúp chị em có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn”, chị Thị Dậy nói.

Chị Thị Dậy (bên trái) trao quà cho những gia đình khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Trong thời gian dịch Covid-19, cùng với người dân toàn tỉnh Sóc Trăng, ấp Ngọc Bình thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với vai trò đầu tàu Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, chị Dậy cùng các cán bộ ở địa phương tích cực đi vận động, tuyên truyền đến bà con trong ấp tuân thủ chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát người dân đi về từ vùng dịch, yêu cầu họ khai báo y tế, nghiêm túc cách ly, đồng thời trao những phần quà cho những gia đình khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Với những nỗ lực của chị trong công tác phụ nữ và nông dân, chị Thị Dậy nhận được sự ủng hộ và yêu mến của bà con trong ấp, được các cấp chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Chị Trần Thu Hận, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chúc đánh giá: “Chị Dậy là một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì công việc, thể hiện rõ vai trò, chức trách trên các lĩnh vực công tác. Chị luôn sắp xếp thời gian hợp lý, vừa làm kinh tế giỏi với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, vừa chăm sóc chu đáo gia đình”.

Phương Nghi

Theo https://baodantoc.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website