Lào Cai: Làm những điều tốt đẹp nhất cho các em

Tôi gặp thầy giáo Ma Văn Sấu một ngày đầu tháng 10 khi các em nhỏ ríu rít như bầy chim non ngồi vây quanh, miệng bi bô hát. Tôi lặng ngồi quan sát từng cử chỉ, ánh mắt của thầy giáo mầm non với tất cả sự tỉ mỉ, nhẫn lại uốn từng động tác múa cho đàn em thân yêu. Dẫu rằng những động tác múa của thầy Sấu không mềm mại như đôi tay của các cô, nhưng lòng say nghề và tình yêu con trẻ thì chẳng hề kém cạnh.

 

 Thầy giáo mầm non Ma Văn Sấu luôn nhiệt tình, tận tâm vì đàn em thân yêu.

Thầy giáo Ma Văn Sấu, người con đồng bào Mông sinh ra và lớn lên ở xã Tân Dương (huyện Bảo Yên). “Ngay từ khi còn là học sinh THPT, một số lần đi qua trường mầm non, thấy cảnh các cô giáo dạy trẻ con bi bô múa hát, nhìn trẻ con rất ngộ nghĩnh và đáng yêu, em bắt đầu có suy nghĩ sau này mình sẽ làm thầy giáo trông trẻ. Mặt khác, em nhận thấy nhiều cháu nhỏ ở vùng cao không được đến trường nầm non do nhận thức của phụ huynh vì cho rằng không cần thiết, càng thôi thúc sự lựa chọn đến với nghề của em”, thầy Sấu bộc bạch về cái duyên đến với nghề thầy giáo.

Thế rồi, anh Sấu đăng ký thi tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, hệ Trung cấp mầm non, đến năm 2013, tốt nghiệp và được điều động về công tác tại Trường Mầm non xã Tân Tiến. Ở đây, thầy Sấu được phân công cắm bản trên những phân hiệu xa nhất như Cán Chải, Nậm Bắt… Đường giao thông đi lại khó khăn, cuối tuần về với gia đình, tranh thủ mua sắm thực phẩm đủ ăn cho cả tuần, đến sáng thứ 2, thầy Sấu cùng chiếc ba lô trĩu vai lại lặn lội về bản xa, nơi có những ánh mắt con trẻ ngây thơ đang chờ.

Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào Mông, điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhất là các bậc phụ huynh chưa nhận thức đúng việc học của con, nên việc duy trì tỷ lệ chuyên cần những năm học trước luôn là vấn đề được các thầy cô giáo đặc biệt quan tâm. Là người Mông, hiểu văn hóa, tiếng nói, thầy Sấu đã cùng trưởng bản, người có uy tín đến vận động cho trẻ đến lớp. Bằng sự nhiệt tình tuyên truyền, vận động và nhiệt huyết, sự tận tâm bám bản, bám trường, thầy Sấu từng bước làm thay đổi nhận thức của nhiều bậc phụ huynh, tạo điều kiện cho con em mình đến trường thường xuyên hơn. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần của lớp học thầy phụ trách luôn duy trì trên 98%.

Nhớ lại quãng thời gian gắn bó với trẻ ở các bản xa của xã Tân Tiến, thầy Sấu tự hào: Thấy các em khó khăn, áo không đủ ấm, tôi đã kết nối với một số tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm kêu gọi ủng hộ các em quần áo và đồ dùng học tập với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng, trong đó đã cùng Ban Giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương vận động kinh phí xây dựng bếp ăn buổi chiều tại điểm trường Nậm Bắt hơn 80 triệu đồng.

Năm học 2020 - 2021, thầy Sấu được chuyển công tác về Trường Mầm non số 2 xã Xuân Hòa và trực tiếp đứng lớp tại điểm trường Mo. Chính từ thực tế dạy học ở điểm trường có 100% con em đồng bào dân tộc Mông, thầy Sấu đã trăn trở, viết lên sáng kiến “Nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số”. Điểm mới do sáng kiến mang lại là góp phần đưa song ngữ (tiếng Mông, tiếng Việt) vào dạy trẻ ở cấp học mầm non; tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh về nhà dạy con em nói tiếng phổ thông; quan trọng hơn, tạo ra môi trường để tăng khả năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Nói về thầy Sấu, cô giáo Phạm Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Thầy Sấu là người có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến, không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, với một thầy giáo dạy mầm non gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thầy Sấu đã nỗ lực vượt qua và ngày càng khẳng định mình. Thầy Sấu đã tham gia học tập và hoàn thiện trình độ đào tạo chuyên môn đại học mầm non; tháng 6/2021 được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với những nỗ lực cống hiến của mình, ngày 2/9/2021, thầy Sấu vinh dự được kết nạp Đảng. “Đây không chỉ là vinh dự, mà còn là động lực to lớn giúp tôi thấy rõ hơn trách nhiệm của một người thầy, một đảng viên để tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp trồng người còn nhiều gian nan ở Xuân Hòa”, Ma Văn Sấu trải lòng.

Liên tiếp trong các năm công tác, thầy Sấu luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thầy Sấu luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Bác “làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì chúng ta mới thành công”. “Hạnh phúc với tôi đến từ những điều bình dị, tôi chẳng quản ngại những khó khăn nhọc nhằn, luôn trăn trở thao thức để làm những điều tốt đẹp nhất cho các em. Dạy học không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải dạy bằng cả tấm lòng”, những lời tâm sự từ “gan ruột” của thầy Sấu đã nói lên tất cả!

8 năm gắn bó với trẻ vùng cao, vùng khó khăn, đôi chân thầy đã từng cuốc bộ 3 - 4 tiếng đồng hồ để vượt qua những con dốc cao nhất của xã Tân Tiến. Chia sẻ với những khó khăn của học sinh và sự  nhiệt tình, tìm niềm vui trong nghề đã vun đắp thêm tình yêu thương, trách nhiệm với đàn em thân yêu trong thầy giáo trẻ Ma Văn Sấu. Hành trang bằng lòng yêu thương được tiếp sức và thôi thúc bởi chính những ánh mắt trong veo của trẻ em sẽ còn được thấy Sấu viết tiếp trong hành trang cuộc đời mình.

Thành Phú

Theo https://baolaocai.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website