Động lực giúp người Dao vươn lên

 

Gia đình ông Triệu Chằn Phúc, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc treo ảnh Bác Hồ đón Quốc khánh 2/9
Gia đình ông Triệu Chằn Phúc, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc treo ảnh Bác Hồ đón Quốc khánh 2/9

Nét đẹp của người Dao

Lạng Sơn có gần 200.000 hộ dân thì có gần 5.000 hộ dân tộc Dao, sinh sống tại 7 huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định, Hữu Lũng. Treo và thờ ảnh Bác Hồ là nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.  Ảnh Bác được treo tại 90% số hộ.

Ông Triệu Sáng Suẩn, Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Chẳng biết có tự bao giờ nhưng những thế hệ người Dao lớn lên đã thấy gia đình mình treo và thờ ảnh Bác Hồ. Xã Công Sơn có 100% đồng bào dân tộc Dao, 271 hộ với gần 1.400 nhân khẩu. Trong mỗi gia đình, ảnh Bác Hồ được để ở ngay cạnh bàn thờ tổ tiên, đối diện với cửa chính.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Triệu Chằn Phúc, thôn Nhọn Nặm, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc là lúc bố con ông Phúc mặc trang phục dân tộc đang trang trí ảnh Bác đón ngày Quốc khánh. Vừa làm, bố con ông vừa ngắm nhìn Bác với lòng kính yêu vô hạn. Tại nhà ông Triệu Sình Lẩy, thôn Trà Ký, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cũng vậy, ảnh Bác Hồ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất. Ông Lẩy cho biết: “Tôi thường ngắm ảnh và kể cho con, cháu nghe chuyện Bác ra đi tìm đường cứu nước, làm ruộng với nông dân, Bác với đồng bào dân tộc, chiến sĩ và trẻ em... Qua đây, các thế hệ con cháu sẽ hiểu và thêm kính yêu biết ơn Bác”.

Để phát huy nét đẹp văn hóa trên, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền một số xã, huyện trong tỉnh đã trích kinh phí mua ảnh Bác cấp cho đồng bào dân tộc Dao. Nhiều gia đình người Dao thường xuyên mua ảnh Bác về thay thế những ảnh đã cũ vào dịp sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh hoặc tết Nguyên đán...

Động lực để học và làm tốt hơn

Người Dao ở Lạng Sơn thường sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, đời sống chủ yếu làm nông nghiệp. Mặc dù chưa bao giờ được gặp Bác nhưng qua những câu chuyện kể và hình ảnh Bác được treo trong nhà, mỗi người Dao đã cố gắng học và làm theo gương Bác. Ông Triệu Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình phấn khởi: Học Bác, người Dao ngày càng biết sống đoàn kết, yêu thương nhau hơn và đưa giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật mới vào sản xuất nâng cao đời sống. Năm 2000, Ái Quốc có tới gần 90% hộ nghèo thì nay chỉ còn 76%. Trong xã ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến phát triển kinh tế như hộ ông Triệu Sinh An. Với mô hình kết hợp giữa chăn nuôi, trồng rừng, đến nay, gia đình ông có 4 ha rừng thông đang cho thu nhựa. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, ông An thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Dương Trùng Học, Trưởng thôn Lộc Bó, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc chia sẻ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ là “làm cán bộ thì phải là công bộc của dân, giúp dân có cuộc sống khá hơn”, vì thế, tôi luôn cố gắng vận động nhân dân đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất giảm nghèo bền vững”. Theo đó, người dân ở đây đã không còn du canh du cư như trước mà định canh định cư phát triển sản xuất, trồng cây thông, cây hồi và chăn nuôi gia súc. Hiện thôn chỉ còn 32 hộ nghèo, giảm 10 hộ so với năm 2010. Các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang từng bước được người dân xóa bỏ; 100% trẻ em trong thôn đến tuổi đều được đến trường.

Ông Lăng Văn Hiền, Trưởng Phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Dao phát triển sản xuất như: Chương trình 120, 135; hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón và thức ăn chăn nuôi... Đồng bào Dao đã tích cực lao động sản xuất. Năm 2013, tỷ lệ hộ dân tộc Dao nghèo là 71%, đến nay giảm xuống còn trên 60%./.

 

Minh Đức

Theo http://baolangson.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website