|
Hội nghị chuyển giao Ðảng bộ Vietcombank - Chi nhánh Cần Thơ, Chi bộ Vietcombank - Chi nhánh Tây Cần Thơ trực thuộc Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố về Ðảng bộ Vietcombank trực thuộc Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã mở ra một nhiệm kỳ mới với những vận hội mới, thời cơ mới của Đảng, của đất nước. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, các cấp ủy trong Đảng bộ Ngân hàng Vietcombank đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu, gắn kết chặt chẽ giữa việc học tập, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết với liên hệ thực tiễn, lồng ghép nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. 100% tổ chức cơ sở đảng triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng bộ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Vietcombank, Đảng bộ Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ đã chỉ đạo sát sao các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc làm tốt công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện công tác chuyên môn tại các phòng ban… Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, từng đồng chí đảng viên đều có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, đoàn kết, nhiệt tình trong công việc. Các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ đều là các đồng chí lãnh đạo, quản lý cấp phòng nên việc triển khai hoạt động luôn kịp thời, bám sát vào sự chỉ đạo của Đảng bộ, luôn sát với tình hình thực tiễn của Ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Đảng ủy Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ và các chi bộ trực thuộc đã đẩy mạnh triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các buổi sinh hoạt chi bộ. Một trong những chuyên đề quán triệt học tập tại Chi bộ 2 được các đảng viên trong Chi bộ rất tâm đắc, đó là “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ, luôn đặt công tác cán bộ lên vị trí hàng đầu. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn bởi trong đó đã kết tinh tinh hoa của triết học chính trị phương Đông và phương Tây, của triết học chính trị Mác - Lênin, đặc biệt là sự đúc kết từ chính quá trình Người phát hiện, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ trong cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh xác định “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Như vậy, cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là người truyền đạt và tổ chức nhân dân thực thi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nắm bắt và phản hồi thông tin từ nhân dân để Đảng và Nhà nước có căn cứ hoạch định, điều chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách. Vai trò của đội ngũ cán bộ vô cùng quan trọng trong toàn bộ sự vận hành của một xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Để làm tốt vai trò này, có hai yêu cầu đối với cán bộ là: thông hiểu đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và biết lắng nghe ý kiến của Dân. Đó cũng chính là hai tố chất không thể thiếu, cán bộ phải rèn luyện mới có.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính: Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ nhưng thói tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khăn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự.
Quan điểm của Bác về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là “chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính”. “Cần” là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong lao động. “Cần” còn có nghĩa là làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ. “Cần” trong giai đoạn hiện nay còn phải là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc mình đảm nhiệm. Tính hiệu quả là yêu cầu không thể thiếu trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là đối với cán bộ ngân hàng trong giai đoạn đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hội nhập quốc tế. “Cần” cũng là khả năng thích nghi, biết học tập và tiếp thu cái mới để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong giai đoạn mới.
“Kiệm” là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tránh xa hoa, lãng phí của cải vật chất và tinh thần của nhân dân, gia đình và xã hội. Những điều đó vẫn giữ nguyên giá trị và vai trò trong điều chỉnh hành vi của cán bộ ngân hàng từ trước đến nay. Tuy nhiên, cũng phải có sự đổi mới nhận thức, không nên hiểu chữ “kiệm” với nghĩa hạn hẹp, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải “thắt lưng, buộc bụng”, “nắm cơm với quả cà” để xây dựng chủ nghĩa xã hội, cán bộ không được mua sắm và sử dụng những phương tiện hiện đại… Cái chúng ta cần giáo dục đối với cán bộ ngân hàng là đấu tranh với lối sống gấp, sự xa xỉ, lãng phí chạy theo thị hiếu không lành mạnh về văn hóa và đạo đức nghề nghiệp.
“Liêm” là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị. Cán bộ ngân hàng lại càng cần lưu ý, rèn giũa phẩm chất này, vì cán bộ ngân hàng quản lý tiền của, nếu không nghiêm minh, liêm khiết, lại tham lam của cải, vật chất, vi phạm các thói xấu như tham ô, móc ngoặc, hối lộ, tư lợi bất minh… thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự và mang lại hậu quả khó lường trong việc thực thi nhiệm vụ và không mang lại được niềm tim cho nhân dân, làm suy yếu xã hội.
“Chính” là thẳng thắn, trung thực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, lên án những cái xấu, cái sai trái. “Chính” cũng được hiểu là việc phải, việc đúng thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh. Đức tính này đòi hỏi cán bộ phải làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không lợi dụng chức quyền làm việc bất minh. Đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người, không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc. “Chính” là một trong những phẩm chất, tư cách cần có của người cán bộ ngân hàng.
Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, cán bộ ngân hàng càng cần phải được giáo dục, rèn luyện phẩm chất đó. Cán bộ ngân hàng không vì lợi nhuận mà chấp nhận làm những việc không đúng quy định, mà dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực, nghiêm túc. “Chí công” là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạn, vui sau thiên hạ”. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Có chí công, vô tư thì mới không vị kỷ, không vì lợi ích cá nhân, đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, không tham tiền tài, địa vị, danh vọng. Lúc đó, mọi việc làm mới công tâm, khách quan.
“Cần, kiệm, liêm, chính” có quan hệ chặt chẽ với nhau và với “chí công vô tư”. “Cần, kiệm, liêm, chính” sẽ dẫn đến “chí công vô tư”, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được “cần, kiệm, liêm, chính”. Đó là các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng. Nó thể hiện thông qua hững hành vi cụ thể trong hoạt động kinh doanh. Hành vi đạo đức của cán bộ ngân hàng chỉ có thể được hình thành và phát hiện trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày phục vụ nhân dân. Không có thứ đạo đức chung chung, trừu tượng, bên ngoài cuộc sống, càng không có thứ đạo đức suông. Cán bộ ngân hàng phải gương mẫu về đạo đức. Sự gương mẫu về đạo đức là một trong những chuẩn mực đặc trưng của nền công vụ. Người có quyền lực càng lớn, địa vị càng cao thì càng phải thường xuyên tu dưỡng và làm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp.
Từ những đức tính, phẩm chất đạo đức mà Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngân hàng, thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng cần cụ thể hóa thành những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, để nêu cao phẩm chất đạo đức trong việc triển khai, xử lý và thực thi công việc.
Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức ngân hàng càng được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực. Nhằm hướng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng rèn luyện đạo đức, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, Đảng ủy, Ban Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ luôn đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người đối với cán bộ ngân hàng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Thực tế hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đã được quan tâm, chăm lo xây dựng ngày càng vững mạnh, đã có những chế định tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức phát huy tối đa năng lực, sở trường công tác. Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành, trong đó có nhiều quy định mới về công tác cán bộ nói chung, về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Tuy nhiên, để sự nghiệp đổi mới đất nước thành công, cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Cần chú ý thực hiện đồng bộ những nội dung như sau:
Một là, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người nhấn mạnh: Đảng ta tổ chức trường học cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng, giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình. Theo tư tưởng của Người, cán bộ, công chức phải không ngừng học tập cả về lý luận và thực tiễn. Đảng chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bởi vì nhiệm vụ cách mạng rất khó khăn và phức tạp, mỗi thời kỳ lại có những khó khăn, phức tạp riêng, chính vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng là công tác thường xuyên và lâu dài.
Đề cao vai trò, trách nhiệm và yêu cầu đối với người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Hồ Chí Minh chỉ ra yêu cầu tiêu chuẩn của người thầy: Người huấn luyện của đoàn thể phải làm biểu mẫu về mọi mặt, đó là: tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc. Như vậy, tiêu chuẩn yêu cầu trước hết phải là người được đào tạo và có khả năng truyền đạt về chuyên môn mà mình huấn luyện, giảng dạy; người thầy gương mẫu cả về tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc và người thầy phải là người thường xuyên học tập, nghiên cứu.
Hai là, lựa chọn, đánh giá, sử dụng và có chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đây là nội dung rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Quan tâm đến công tác lựa chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”, “phải khéo dùng cán bộ”. Người nhận định: thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người, thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng, nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn và sử dụng cán bộ, đó là yêu cầu đầu tiên tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ. Nếu không đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ thì không thể đề ra chính sách cán bộ một cách đúng đắn được. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ phải có những yêu cầu riêng. Đồng thời, phải có những chuẩn mực phù hợp với từng thời kỳ, từng địa phương, từng lĩnh vực, đánh giá một cách hoàn toàn công minh, khách quan. Cán bộ, công chức và đảng viên cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu rộng và thiết thực.
Học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ đã và đang nỗ lực rèn luyện và cống hiến, phấn đấu để trở thành những cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” theo lời dạy của Người, góp phần xây dựng Đảng bộ Ngân hàng Vietcombank vững mạnh, xây dựng đất nước phồn vinh.