Theo nhà văn Hàn Quốc Bang Hyeon-seok, trên thế giới dường như không thể tìm được tấm gương một lãnh tụ suốt đời cống hiến, hy sinh vì đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà văn Bang Hyeon-seok. (Nguồn: TTXVN)
Tác giả Bang Hyeon-seok là nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng với các đề tài về Việt Nam. Vừa là nhà văn, vừa là giáo sư khoa Sáng tác văn học thuộc trường đại học ChungAng, ông Bang Hyeon-seok đồng thời là hội trưởng Hội các tác giả muốn tìm hiểu Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc đã có cuộc trò chuyện với nhà văn liên quan đến các nghiên cứu về Bác Hồ.
Nhà văn Bang Hyeon-seok cho biết trong quá trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam, ông nhận ra rằng để nghiên cứu lịch sử Việt Nam mà không hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì rất khó có thể hiểu chính xác bối cảnh xã hội và con người Việt Nam.
Chính vì thế, khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ trước, ông bắt đầu tập hợp tài liệu và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình tìm hiểu, ông đã sang Việt Nam gần 100 lần, tìm gặp, phỏng vấn nhiều người bản địa, trong đó có những nhân vật từng có thời gian làm việc với Bác Hồ.
Cũng thời gian này, Hội các nhà văn trẻ Hàn Quốc muốn tìm hiểu về Việt Nam đã cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu và chia sẻ các tài liệu trong các kỳ hội thảo tại Hàn Quốc.
Theo nhà văn Bang Hyeon-seok, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực sự nhất quán trong lời nói và hành động. Người có thể sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì dân tộc, vì đồng bào. Trên thế giới dường như không thể tìm được tấm gương một lãnh tụ suốt đời cống hiến, hy sinh vì đất nước như vậy.
Chia sẻ ấn tượng về tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo sư Bang Hyeon-seok - người đã giảng dạy hơn 20 năm tại Đại học Chungang - cho biết trong quá trình nghiên cứu ông nhận thấy rõ tư tưởng hòa bình tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn tìm kiếm nền hòa bình chính nghĩa cho người dân toàn thế giới và luôn cố gắng hết sức để tránh chiến tranh.
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân biệt rất rõ nhà cầm quyền chủ chiến và nhân dân Mỹ, không coi người dân Mỹ là kẻ thù. Đây là tư tưởng rất nhân văn tiến bộ của một lãnh tụ. Khi thấu hiểu tư tưởng trên, ông Bang Hyeon-seok đã viết nhiều để giới thiệu nội dung này đến người dân Hàn Quốc.
Tư tưởng lớn thứ hai của Bác Hồ là tầm nhìn đón trước lịch sử để chuẩn bị lực lượng hậu bối của dân tộc. Trong lúc đất nước còn rất khó khăn do chiến tranh, Bác Hồ đã nghĩ đến việc cử lớp thanh niên đi du học ở nước ngoài. Song song với đó, ở trong nước, Người động viên nhân dân học tập, người biết nhiều dạy cho người biết ít. Giáo sư Bang Hyeon-seok cho biết: “Nhìn vào những tư tưởng như vậy, tôi luôn tin tưởng rằng dù còn nhiều khó khăn nhưng nhất định Việt Nam sẽ bứt phá và phát triển mạnh mẽ.”
Phân tích triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ngữ nghĩa dùng sự tĩnh tại của bản thân để ứng phó với biến động của vạn vật, của thế giới xung quanh, nhà văn Bang Hyeon-seok cho rằng đây là một triết lý luôn có giá trị ở mọi thời đại, đặc biệt trong giai đoạn thế giới nhiều biến động như hiện nay, qua đó, ông khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là lãnh tụ của thời đại.
Trong buổi chiều bận rộn, trước khi chia tay chúng tôi để kịp vào giờ giảng, Giáo sư Bang cho biết ông đã có nhiều bài viết, nhiều cuộc thảo luận về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vẫn mong muốn viết một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo sư cho biết ông đã thai nghén cuốn sách từ rất lâu và đang nỗ lực để có thể ra mắt cuốn sách vào khoảng cuối năm 2023. Sau khi xuất bản, ông mong muốn được giới thiệu cuốn sách sang Việt Nam, nơi một số tiểu thuyết của ông đã được chuyển ngữ. Theo tác giả, trong năm nay, Hội các tác giả Hàn Quốc sẽ có cuộc hội thảo về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà văn Bang Hyeon-seok đã xuất bản 2 tác phẩm “Hình thức của sự tồn tại” và “Thời gian ăn tôm hùm” với bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm "Thời gian ăn tôm hùm" đã được bình chọn là tiểu thuyết hay nhất năm 2003 ở Hàn Quốc và đã được phát hành tại Việt Nam.
Tiểu thuyết “Hình thức của sự tồn tại’ đã mang lại giải thưởng Văn học Hwang Sun Won cho nhà văn Bang Hyeon-seok. Thông qua các tác phẩm và tài liệu đã được xuất bản, tác giả Bang Hyeon-seok đã tạo cơ hội cho người Hàn Quốc tìm hiểu về con người Việt Nam cũng như suy ngẫm về lịch sử của chính đất nước Hàn Quốc.
Với vai trò chủ tịch “Nhóm nhà văn trẻ muốn tìm hiểu về Việt Nam” và là đồng Chủ tịch của “Asia Culture Network,” Giáo sư Bang Hyeon-seok trong nhiều năm qua không ngừng nỗ lực kết nối giao lưu và trao đổi văn học với Việt Nam nói riêng và mở rộng thêm giao lưu văn hóa với các nước châu Á nói chung./.
Khánh Vân-Đức Hưng (TTXVN/Vietnam+)