Đạo đức, phong cách và lối sống thanh tao, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành được sự kính trọng lớn của các chính khách, nhà nghiên cứu, báo giới và người dân “quốc gia vạn đảo.”
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri ký Tuyên bố về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Indonesia bước vào thế kỷ 21, hồi năm 2003. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tại Indonesia, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh - hay còn được gọi bằng cái tên thân mật “Paman Ho (Bác Hồ)” - thường được nhắc đến với tư cách là người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị gắn bó hơn 65 năm qua giữa hai dân tộc.
Không chỉ vậy, đạo đức, phong cách, lối sống thanh tao, giản dị của Người cũng giành được sự kính trọng lớn của các chính khách, nhà nghiên cứu, báo giới và người dân “quốc gia vạn đảo.”
Rất nhiều lần, kỷ niệm về “Đôi dép Bác Hồ” đã được bà Megawati Sukarnoputri - Chủ tịch đảng Dân chủ Đấu tranh (PDI-P), nguyên Tổng thống thứ năm của Indonesia và là con gái của nhà lãnh đạo lập quốc Sukarno - kể lại trong các lễ kỷ niệm quan hệ hai nước, công bố sách về Tổng thống Sukarno, cũng như trong các buổi tiếp thân tình tại tư gia dành cho các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách Việt Nam.
Trong một lần như vậy, câu chuyện “mắt thấy, tai nghe” hơn 60 năm trước trong chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia vào ngày 27/2/1959 đã được “con gái người đọc tuyên ngôn độc lập Indonesia” thuật lại một cách chi tiết và đầy xúc động trong buổi tiếp đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta.
Nói về kỷ niệm trong thời khắc lịch sử đó, bà Megawati (thường được gọi thân mật là Mega) cho biết cha bà - Tổng thống đầu tiên của Indonesia Bung Karno (tên thân mật của Tổng thống Sukarno) - thường kể cho các con nghe về các đoàn khách nước ngoài đến thăm Indonesia.
Trước cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Bung Karno kể rằng Người là một nhà đấu tranh và cha mời Người đến Indonesia. Lúc đó, bà và các anh chị em trong nhà được yêu cầu cùng cha đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cung điện Độc lập và được dặn trước rằng “Người ăn mặc giản dị lắm. Người thường đi dép.”
Bà Mega kể lại: “Chúng tôi được cha dạy rằng khi có đoàn khách cấp cao đến, chúng tôi phải ăn mặc gọn gàng, quần áo truyền thống dân tộc và dĩ nhiên luôn phải đi giày đẹp. Bởi vậy khi nghe nói có vị Chủ tịch đi dép tôi luôn miệng hỏi: Tại sao ngài ấy lại đi dép? Như thế là không lịch sự vì cần phải đi giày. Bố tôi nói: Tí nữa con hãy hỏi Bác Hồ. Và chúng tôi đã gọi Người là Bác Hồ.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, năm 1959. (Nguồn: vtc.vn)
Theo bà Mega, sau đó Bác Hồ đến và Người thật sự đã đi một đôi dép. Song bà ngay lập tức cảm thấy rất thiện cảm bởi vì cảm nhận được rất rõ rằng Bác Hồ rất yêu quý trẻ con.
“Tôi đã nhìn vào đôi chân của Người và thật sự là Người đã đi một đôi dép,” bà Mega kể và nhớ lại: “Sau khi mời Người ngồi vào phòng khách, cha tôi đã hỏi: ‘Con gái tôi hỏi tại sao Bác Hồ lại đi dép, tại sao không đi giày?’ Lúc đó, Người đã trả lời chúng tôi rằng ‘Sau này khi cuộc đấu tranh thắng lợi, Bác mới đi giày’.”
Theo bà Mega, “đó là một điều phi thường” và là “kỷ niệm đáng nhớ nhất” của bà trong cuộc gặp lịch sử vốn đã đặt nền tảng cho quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước láng giềng anh em.
Cho rằng cuộc gặp này là nơi Tổng thống Bung Karno và Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất lý tưởng đấu tranh cho vận mệnh dân tộc, nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia cũng cho rằng câu trả lời giản dị của Người thể hiện “niềm tin vào nền độc lập của Việt Nam.”
Sinh ngày 23/1/1947, bà Megawati chính thức tham gia các hoạt động chính trị vào năm 1987 với tư cách đại biểu Hội đồng Hiệp thương nhân dân (MPR, Hạ viện) - cơ quan quyền lực tối cao của Indonesia. Bà được bầu và liên tục giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Indonesia (PDI, được đổi tên thành PDI-P từ năm 1998).
Với uy tín chính trị cao của bà Megawati, PDI-P đã giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 8/1999. MPR đã bầu bà Megawati làm Phó Tổng thống vào ngày 21/10/1999 và Tổng thống vào ngày 23/7/2001.
Trong nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 20/10/2004, nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia đã có hai chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vào tháng 8/2001 và tháng 6/2003.
Mặc dù rất bận bịu, Chủ tịch của đảng PDI-P cầm quyền vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam và quan tâm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Indonesia-Việt Nam.
Nguyên Tổng thống Megawati Sukarnoputri thường xuyên tham gia và bảo trợ cho nhiều hoạt động kỷ niệm quan hệ hai nước, trong đó mới nhất là triển lãm ảnh kỷ niệm 60 năm chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia được tổ chức vào tháng 11/2019 và kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Indonesia-Việt Nam vào tháng 12/2020 tại nhiều thành phố lớn của Indonesia./.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri duyệt đội danh dự quân đội nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-27/6/2003. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)