“Tôi là một trong số những người có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần trong nhiệm kỳ ngoại giao của mình tại Hà Nội. Có hai sự kiện đã khắc sâu trong tâm trí tôi những dấu ấn sâu đậm.
Lần gặp đáng nhớ đầu tiên của tôi với Hồ Chí Minh là vào năm 1957 và lần thứ hai vào năm 1969.
Năm 1957, tôi là một cán bộ ngoại giao trẻ và bắt đầu nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Hungari ở Hà Nội.
Đó là một ngày giống như tất cả những ngày khác ở Đại sứ quán của chúng tôi, lúc trời xẩm tối chúng tôi thường ngắm nhìn những bông hoa thơm trong vườn, đột nhiên có một người đàn ông bất ngờ xuất hiện trong vườn của chúng tôi, ngay trước mặt tôi, trong trang phục kaki đơn giản và đi đôi dép cao su, theo sau là mấy chiến sĩ Việt Nam đang mỉm cười.
Tôi không thể thốt lên lời, nhưng cùng với sự bất ngờ lớn, tôi lập tức nhận ra ngay, đó chính là Người - Hồ Chí Minh. “Chào đồng chí” - Người nói với tôi và bắt tay tôi. Đầy xúc động tôi trả lời: “Chào đồng chí” và ngay lập tức tôi mời Người vào phòng khách VIP của Đại sứ quán.
Tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên của Đại sứ quán chúng tôi ngồi vây quanh chiếc bàn tròn, đầy vui mừng và xúc động. Chúng tôi mời Người trà và rượu vang Hungari. Lập tức Người cất lời nói “Tôi vừa đi qua phố Điện Biên Phủ và tôi nhìn thấy lá cờ ba màu của Đại sứ quán, tôi quyết định vào thăm các bạn Hungari của chúng tôi.”
Tiếp đó, Người tiếp tục câu chuyện bằng tiếng Pháp: “Ai trong số các bạn có thể nói được tiếng Pháp?” Với niềm vinh dự lớn, tôi trả lời: “Có cháu ạ.” “Vậy còn tiếng Nga?” - Người hỏi bằng tiếng Nga, rất nhiều người trong chúng tôi đã trả lời có. Và Hồ Chí Minh tiếp tục trò chuyện bằng tiếng Nga. Sau đó Người còn thân mật trò chuyện bằng cả tiếng Anh.
Kết thúc chuyến thăm một cách khéo léo, Người nói với chúng tôi bằng tiếng Việt thông qua thông dịch viên người Việt: “Tôi đến để nồng nhiệt chào đón các bạn với nhiệm vụ mới tại Việt Nam, cảm ơn tình đoàn kết của nhân dân Hungari với nhân dân Việt Nam anh em và với sự nghiệp chính nghĩa của chúng tôi.” Người yêu cầu chuyển thông điệp này tới người dân Hungari.
Người cũng quan tâm, hỏi thăm đến gia đình của chúng tôi, tới sức khỏe của chúng tôi, trong lúc thưởng thức rượu vang đỏ Hungari, và Người nhận xét rằng, thứ rượu vang này gần giống với rượu vang Bordeaux Pháp. Cuối cùng, Người còn chuyển lời chào thân ái của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Hungari anh em. Sau đó, với một sự đơn giản tự nhiên, Người bắt tay chúng tôi và nói: “Tạm biệt các bạn.”
Người rời khỏi Đại sứ quán khiêm tốn như khi Người tới. Chúng tôi thật sự cảm động về việc Hồ Chí Minh đã đích thân đến thăm Đại sứ quán chúng tôi và cách thức Người tiếp cận với người dân, cách Người chinh phục người dân, và cách Người chinh phục cả một dân tộc và dư luận quốc tế về sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Chính từ thời điểm đó, từ cuộc gặp gỡ đó và thậm chí mãi sau này tôi đã thật sự hiểu được tinh thần và sức mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân tộc Việt Nam, những chiến thắng lịch sử vĩ đại chống thực dân Pháp và sau này là cuộc đấu tranh thắng lợi chống đế quốc Mỹ. Cuộc chiến đấu lâu dài về chính trị, ngoại giao và quân sự này đã được thực hiện theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đoàn kết của toàn thể nhân dân Việt Nam, của giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và các dân tộc.
Tinh thần của Hồ Chí Minh đã theo suốt sự nghiệp của tôi, trong nhiệm kỳ ngoại giao của tôi tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Tinh thần Hồ Chí Minh giống như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi.
Lần gặp gỡ thứ hai của tôi, nhưng đầy nỗi buồn với Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào năm 1969, trong lễ tang đưa Người về với đấng tối cao. Tôi là thành viên của đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Hungari.
Hồ Chí Minh đang nằm, bao quanh ướp đầy hoa thơm, và vây quanh Người là các đại biểu của toàn dân tộc Việt Nam, người già, người trẻ, công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc thiểu số trong trang phục tang lễ, đầy đủ Ban Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam, tất cả đều đứng trong Đoàn của mình, nhưng ai cũng hiểu rằng Người không ra đi, và rằng trí tuệ của Người sẽ tỏa sáng mãi mãi. Những dòng nước mắt tưới đẫm lên hoa quanh Người.
Chúng tôi, những thành viên của đoàn đại biểu Hungari, xúc động tột cùng trước một con người với những giá trị phi thường, nó xuyên suốt cuộc đời, sự nghiệp của Người cùng với thái độ không khoan nhượng trước kẻ thù vì sứ mệnh lịch sử của quốc gia.
Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một con người đích thực, là tấm gương sáng cho không chỉ bản thân tôi, mà là một tấm gương lãnh đạo cho tất cả nhưng ai đang nắm giữ trọng trách lãnh đạo đất nước. Trong thế giới còn nhiều bất ổn hiện nay, rất nhiều nhà lãnh đạo và những chính trị gia đã học tập tấm gương của Người."/.
Alfred Almasi, Nguyên Đại sứ Hungari tại Việt Nam
Theo http://www.vietnamplus.vn/