Câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Vladivostok
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 2/9/1969) là một trong những nhân vật lịch sử huyền thoại của thế kỷ 20. Ông đã trải qua một cuộc đời đầy khó khăn nhưng rực rỡ và vĩ đại.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập chống lại sự xâm lược và bảo vệ nền độc lập thống nhất của đất nước. Đó chính là lý do mà UNESCO gọi Hồ Chí Minh là người giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Nhà ái quốc cuồng nhiệt, người chiến sỹ vì tự do và chính nghĩa, một con người trong sáng và đức hạnh - đó là những gì người đương thời biết về ông.

Ngày nay, những người có may mắn được gặp Hồ Chí Minh cũng kể đúng như vậy. Đó là những công dân Viễn Đông như: Victor Mikhailovich Miskov và Vasile Fedrovich Bugrov - những thuyền trưởng, hiện đang là những cựu chiến binh đáng kính của Công ty Vận tải Hàng hải Viễn Đông.

Trong những năm 50 của thế kỷ trước, họ đã ở trên những con tàu FESCO đến cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam. Các cựu chiến binh này nhớ lại, sau khi biết tàu đến từ Vladivostok, Hồ Chí Minh đã ngay lập tức đến thăm các phái viên của Vladivostok, nơi mà ông đã đến nhiều lần vào những năm 20-30 của thế kỷ trước. Người đã yêu mến và gọi đây là thành phố đã từng cứu sống mình.

Trong thời gian dài, tư liệu về việc lãnh tụ Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam đã ở Vladivostok đã không được ghi rõ trong các tài liệu và đơn giản là “khá mơ hồ như trong không khí.” Điều này cũng dễ hiểu. Hồ Chí Minh theo nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản thực hiện nhiệm vụ bí mật đi sang Trung Quốc qua Vladivostok và quay trở về Moscow, cũng qua Vladivostok.

Báo chí bắt đầu nói về vấn đề này cởi mở hơn sau khi cuốn sách của tác giả Việt Nam Hồng Hà:   “Hồ Chí Minh ở Liên Xô”   được xuất bản. Bản tiếng Việt của cuốn sách được nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 1980 với tên gọi:   “Bác Hồ ở đất nước Lênin.”  Năm 1986, cuốn sách được E.P. Glazunova dịch và xuất bản với tên gọi   “Hồ Chí Minh ở Liên Xô.”

Từ thời điểm này, người ta bắt đầu nhắc đến Nguyễn Ái Quốc (bí danh, tên gọi và cũng là bút danh của Hồ Chí Minh) và cố gắng kể lại những nội dung chính trong những bài báo, các cuốn sách của các nhà nghiên cứu và nhà báo trong nước.

Trước hết là cuốn sách   “Hồ Chí Minh”   của E.V. Kobeleva trong loạt: “Cuộc đời của những người nổi tiếng”   được nhà xuất bản Cận Vệ Trẻ xuất bản tại Moscow năm 1979.

E.P. Glazunova cũng viết về lần Hồ Chí Minh đến Vladivostok trong bài báo   “Về Hồ Chí Minh”  được in trong cuốn “Vladivostok - Hải Phòng: nhịp cầu tình bạn” được nhà xuất bản Viễn Đông in năm 1981 (biên soạn: A. Sokolovsky, Yu. Kolganov). Cũng trong cuốn sách này có bài báo của nhà báo Valentina Voronovaya   “Ở đầu nguồn”   có một số trang viết về việc Hồ Chí Minh đã ở Vladivostok.

 

Ông Sokolovsky A.Y - tác giả bài viết. (Ảnh: NVCC)

Về chủ đề này cũng có một số tài liệu trên báo chí địa phương. Như trong phụ trương của báo “Concurent” (số 18, ngày 19 - 25/5/2009) có bài viết của nhà báo địa phương, nhà Đông phương học Yuria Uphimtseva  “Bác Hồ ở Vladivostok.”  Trước đó, trong số tháng 5 của tờ báo “Hồng kỳ” năm 1998 cũng có bài báo về chủ đề này.

Mối quan tâm đặc biệt đến chủ đề Hồ Chí Minh tại Vladivostok lại tiếp tục nổi lên vào thời điểm, khi theo sáng kiến của Hội hữu nghị với Việt Nam tại vùng Primorye, chính quyền thành phố Vladivostok quyết định dựng Bia tưởng niệm dành cho Hồ Chí Minh. Vấn đề cần giải quyết là nên đặt bia tưởng niệm ở toà nhà nào và cần ghi gì trên tấm bia ấy.

Nhưng tất cả điều hiểu rằng, cần có cơ sở nào đó để đặt bia tưởng niệm - một sự xác nhận chính thức từ phía Việt Nam về việc Hồ Chí Minh thực sự đã ở Vladivostok với thời gian cụ thể. Ban lãnh đạo Hội hữu nghị với Việt Nam của vùng Primorye đã đề nghị với Tổng Lãnh sự quán Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Vladivostok để đặt vấn đề chính thức với Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Yêu cầu này đã được thực hiện và ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được phản ứng chính thức của Bảo tàng với chữ ký của Giám đốc Chu Đức Tính.

                                                                                            Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam  

Bộ Văn hoá Thông tin

  Bảo tàng Hồ Chí Minh, số N164/BTHCM

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2007

Về tài liệu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Vladivostok

Gửi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok (Liên bang Nga)

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã nhận được fax của Tổng Lãnh sự quán vào ngày 4 tháng 4 năm 2007 với yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trong các năm 1924, 1927, 1934 tại thành phố Vladivostok vùng Viễn Đông Nga. Theo một số sách và tài liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh như sau:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Vladivostok ba lần.

Lần thứ nhất vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1924. Vào đầu tháng 10 năm 1924 Nguyễn Ái Quốc khởi hành từ ga Yaroslav Moscow đi tầu đến Vladivostok. Vào thời đó, mỗi tuần có một chuyến tàu chuyến Moscow-Vladivostok và hành trình mất khoảng ba tuần.

Thông thường thì hành trình không dưới 16 ngày nhưng cũng không quá một tháng. Khi đến Vladivostok, đại diện của Quốc tế cộng sản tại Vladivostok đã gặp Nguyễn Ái Quốc và tổ chức chuyến đi tới Trung Quốc. Hiện chưa rõ chính xác ngày Nguyễn Ái Quốc đến Vladivostok nhưng có thể giả định được vào tầm cuối tháng 10, đầu tháng 11/1924.

Bởi vì từ Vladivostok, Nguyễn Ái Quốc đi bằng đường biển trên 1 con tàu của Liên Xô đi qua Nhật Bản để đến Quảng Châu. Từ Vladivostok đến cảng Modzi của Nhật Bản phải mất 3 ngày đêm. Thông thường, tầu đi từ Nhật Bản đến Quảng châu phải mất bố ngày đêm. Trong thư gửi Quốc tế cộng sản ngày 12/11/1924, Nguyễn Ái Quốc viết rằng ông đến Quảng Châu vào ngày 11/12/1924.

Lần thứ hai Nguyễn Ái Quốc đến Vladivostok là vào cuối tháng 5/1927. Rõ ràng là vào đầu tháng 5/1927 Nguyễn Ái Quốc đi từ Hồng Công đến Thượng Hải, sau đó từ đó đến Vladivostok và cuối cùng đi tiếp đến Moscow. Ông đến Moscow vào ngày 15/6/1927.

Như vậy ngày chính xác Hồ Chí Minh đến Vladivostok cũng chưa rõ ràng. Nhưng theo những số liệu về thời gian hành trình và điều kiệu di chuyển theo đường sắt vào thời điểm đó, có thể thấy rằng Nguyễn Ái Quốc từ Thượng Hải đến Vladivostok vào cuối tháng 5/1927.

Lần thứ 3 Nguyễn Ái Quốc đến Vladivostok vào năm 1934, cũng vào tháng 5. Trên một con tàu buôn Liên Xô, ông đi từ Thượng Hải đến Liên Xô. Ngày tháng chính xác ông đến Vladivostok cũng không rõ. Tuy nhiên, từ Vladivostok, Nguyễn Ái Quốc đã đến được Moscow vào tháng 6/1934.

Cũng trong bức thư trên có đề cập đến thông tin về bài báo nổi tiếng của Hồ Chí Minh “Các vấn đề của châu Á”. Có giả thiết rằng tác giả đã viết bài báo này vào năm 1924 khi lần đầu tiên đến Vladivostok.

Bài báo được đăng trên số 19 của tạp chí “Inprekorr” năm 1925. Ngoài ra chúng tôi đã thu thập và tổng hợp một cách cẩn thận các thông tin về chuyến đi của Hồ Chí Minh tới Vladivostok từ các cá nhân, những người có uy tín (cả cư dân Vladivostok và Việt Nam).
 

Ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

 

Trong phần mở đầu của bài viết này, chúng tôi đã đề cập đến tên của Miskov V.M và Bugrov V.F, những người trong năm 1957 đã gặp Hồ Chí Minh trên tàu “Stephan Razin” và bất ngờ khi nghe từ chính Chủ tịch rằng ông đã từng ở Vladivostok, nơi ông đã nhiều lần dừng chân trong thời gian ngắn để tránh sự truy lùng của người Pháp và Tưởng Giới Thạch.

Một sự kiện thú vị là bên lề Đại hội lần thứ IV Hội hữu nghị Việt-Nga (Hà Nội, ngày 25/12/2011), cựu chiến binh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Nga Hồ Anh Dũng, người không chỉ xác nhận sự có mặt của Hồ Chí Minh tại Vladivostok mà còn cho biết rằng Chủ tịch rất thích bài hát của các du kích Viễn Đông “Trong thung lũng, trong đồi núi.” Theo lời ông Dũng, Người thậm chí vẫn thường hát.

Bia tưởng niệm Hồ Chí Minh cũng đã được đặt trên toà nhà của Ga đường sắt thành phố Vladivostok vào ngày 19/5/2009.

Sau khi thống nhất với phía Việt Nam, nội dung trên tấm bia là:  “Năm 1924, 1927 và 1934, Hồ Chí Minh - nhà hoạt động vì phong trào giải phóng đất nước và quốc tế đã được UNESCO công nhận, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng, người đặt nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị Nga-Việt - đã nhiều lần đến Vladivostok.”

Thực tế, những lần đến Vladivostok của Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử quan hệ Nga-Việt và đối với việc củng cố mối quan hệ này  trong tương lai. Hàng năm, vào tháng 5, tại Vladivostok diễn ra Ngày Việt Nam.

Theo truyền thống, vào ngày sinh nhật Hồ Chí Minh (19/5) thường tổ chức mít tinh kỷ niệm tại khách sạn Versailles, nơi Hồ Chí Minh từng sống trong những lần đến Vladivostok.

Các cựu chiến binh của Công ty hàng hải Viễn Đông, Hạm đội Thái Bình Dương, đại diện Hội hữu nghị với Việt Nam của vùng Primorye, sinh viên, học sinh tham dự buổi lễ và vinh danh Hồ Chí Minh. Họ đặt hoa dưới chân dung của Người, bức chân dung được bảo quản cẩn thận trong toà nhà lịch sử của khách sạn.

Trong khách sạn vang lên những bài thơ của Hồ Chí Minh bằng tiếng Nga và tiếng Việt qua giọng đọc của các sinh viên, học sinh Vladivostok đang học tiếng Việt./.

 

*Ông Sokolovsky A.Y  là tiến sỹ ngôn ngữ, Giám đốc trung tâm Văn hoá-Giáo dục Việt Nam (Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-vùng Primorye (Nga).

(*): Tiêu đề “Câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Vladivostok”  do báo điện tử Vietnamplus   đặt

 

Theo VietnamPlus.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website