Năm 2013, kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, trên trang workers.org, N. Cohen - nữ học giả người Mỹ và là thành viên Đảng Lao động thế giới (WWP), công bố bài Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam (Ho Chi Minh and the Vietnamese Struggle for Liberation), trong đó tác giả khẳng định vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng, và các dân tộc bị áp bức trên thế giới nói chung. Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi lược dịch một số nội dung bài viết này giới thiệu với bạn đọc.
Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam quá đồ sộ và phong phú đến nỗi việc trình bày trong một bài viết tưởng như sẽ là bất khả. Nhiều khía cạnh của cuộc đấu tranh, trong đó có phong trào phản chiến mà WWP từng tham gia, cũng chưa thể mô tả đầy đủ. Do đó, tôi tập trung chứng minh kinh nghiệm quý báu của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, vai trò của hệ tư tưởng trong cuộc chiến tranh nhân dân kéo dài suốt mấy thập kỷ. Vì phải nói rằng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam là một nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh của nhân dân trên khắp thế giới, từ châu Á đến châu Phi, từ Trung Đông đến Mỹ Latin, ngay trong lòng các đế quốc ở châu Âu, Bắc Mỹ, và là bằng chứng khẳng định thắng lợi của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới còn được bảo lưu đến các thế hệ mai sau. Những người cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác, các phân tích của Lê-nin về chủ nghĩa tư bản và vấn đề dân tộc, rồi vận dụng nhằm phân tích tình hình Việt Nam để tìm ra quyết sách đúng đắn... Trong đó vai trò của Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho công cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, tương tự như Fidel Castro (Phi-đen Ca-xtơ-rô) với cách mạng Cu-ba, là không thể bàn cãi.
Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 tại một ngôi làng nhỏ thuộc miền trung Việt Nam. Ngay từ thời trẻ, Người đã muốn đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của người Pháp trên quê hương mình. Năm 1911, Người làm việc trên một con tàu để đến nước Pháp. Như một thủy thủ, Người đã đi thăm và thấu hiểu tình hình của các thuộc địa Pháp tại Trung Đông và châu Phi. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng của Người. Năm 1912 - 1913, Người đến Hoa Kỳ và đã sống tại Harlem, rồi Hoboken. Người làm nghề rửa bát và nhiều việc khác nữa để trang trải đời sống. Người đã chứng kiến tình trạng phân biệt chủng tộc và phong trào Klu Klux Klan. Sau này Người viết một tiểu luận nổi tiếng phơi bày nỗi kinh hoàng ấy, trong đó có đoạn: "Ai cũng biết sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và việc tìm ra Tân thế giới đã mang lại hậu quả trực tiếp là làm sống lại chế độ nô lệ, một chế độ, trải qua nhiều thế kỷ, đã là một tai họa thật sự đối với người da đen và là một bất hạnh đẫm máu đối với nhân loại. Điều mà mọi người có lẽ không biết là người da đen châu Mỹ, tiếng rằng đã được giải phóng 65 năm nay rồi, nhưng vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi thống khổ ghê gớm về tinh thần và vật chất, mà tàn ác nhất và ghê tởm nhất là tục hành hình kiểu Linsơ". Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất sắp đến hồi kết, Người tới Anh và quan tâm cuộc đấu tranh thoát khỏi ách thuộc địa của người Ire Land (Ai-xơ-len) với chính quốc. Tại London (Luân-đôn), Người tham gia tổ chức "Người lao động nước ngoài" của công nhân châu Á. Năm 1917, Người sang Pháp cùng những người Việt Nam yêu nước khác đấu tranh vì độc lập của đất nước mình. Người tham gia Đảng Xã hội Pháp và lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Người ra tờ báo Người cùng khổ để ủng hộ các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, tại Hội nghị hòa bình Versailles (Véc-xây), các đế quốc thắng trận tiến hành phân chia thuộc địa. Hồ Chí Minh tới đó để kêu gọi W. Wilson và các đế quốc trao quyền tự quyết cho Việt Nam. Nhưng Người đã bị từ chối một cách thô bạo. Khi các đế quốc còn mải phân chia thuộc địa, cuộc cách mạng của những người Bolshevik (Bôn-sê-vích) ở nước Nga đã phơi bày bộ mặt thật của những kẻ thực dân, và đưa ra các luận điểm của Lê-nin về quyền tự quyết của các quốc gia bị áp bức. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ tới Hồ Chí Minh, từ một người yêu nước thành một người cộng sản, như sau này Người đã viết Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lê-nin . Sau đó, Người gia nhập Đệ tam Quốc tế do những người Bolshevik tổ chức. Người kể: "Hồi ấy, trong các chi bộ của Đảng Xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lê-nin?... Điều mà tôi muốn biết hơn cả - là: vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo. Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Hồ Chí Minh trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và dành cả đời mình để xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc thuộc địa với giai cấp công nhân Pháp. Trong suốt những năm 20 của thế kỷ trước, Người hoạt động ở Liên Xô và Trung Quốc. Đầu năm 1930, Người và những nhà cách mạng Việt Nam cùng tư tưởng Mác-xít đã sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Người viết Luận cương gồm các điểm chính: đánh đổ đế quốc Pháp và chế độ phong kiến ở Việt Nam; làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập; tịch thu toàn bộ sản nghiệp lớn của đế quốc giao cho chính quyền công - nông - binh quản lý; tịch thu các đồn điền và tài sản của đế quốc và tư bản tay sai để phân phối lại cho người nghèo; thực hiện chính sách lao động tám tiếng một ngày, thực thi giáo dục phổ thông và quyền bình đẳng với nữ giới...
Đây là một cương lĩnh mang tính cách mạng làm thay đổi căn bản quan hệ sở hữu trong xã hội, giúp nâng cao bản lĩnh chính trị của nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo tập trung, sáng suốt của Đảng, họ đã cầm súng chống lại thực dân Pháp và bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ khi Đảng được thành lập, sự nghiệp đấu tranh giải phóng Việt Nam lên đến cao trào. Trong những năm 1930, Hồ Chí Minh không thể về Việt Nam vì bị cảnh sát Pháp săn đuổi. Song Người vẫn lãnh đạo tài tình phong trào đấu tranh cả trong và ngoài nước. Trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã bị bắt giam một vài lần, trong đó có thể kể đến việc chính quyền Tưởng Giới Thạch cầm tù Người hai năm. Năm 1941, Người về Việt Nam và thiết lập căn cứ mật tại Pác Bó. Người cùng với các đồng chí của mình, trong đó có Võ Nguyên Giáp, thành lập Việt Minh và tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay Pháp, rồi Nhật Bản. Tên gọi Việt Minh ngày một phổ biến trong phong trào chống thực dân Pháp, nhất là sau thất bại của Nhật. Và ngày 2-9-1945 trở thành ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu...
Vài tuần sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập được công bố, đế quốc Pháp với sự ủng hộ tài chính của Mỹ bắt đầu tái chiếm Việt Nam, mở ra một cuộc chiến đẫm máu trong chín năm. Tuy nhiên, các lãnh đạo Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng với một cuộc chiến tranh du kích chống quân xâm lược. Tháng 2-1951, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những quyết định mang tính cách mạng từ Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam năm 1951. Trong đó, đề cao mục tiêu giành độc lập, thống nhất đất nước, xóa bỏ chế độ thực dân, xóa bỏ tàn tích phong kiến, chia đất cho dân cày và phát triển dân chủ làm cơ sở cho CNXH. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Võ Nguyên Giáp đã nổi lên như nhà quân sự xuất sắc. Tư tưởng quân sự của ông nay đã trở thành phương châm về chiến tranh du kích, đó là "chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân". Trong đó, ông miêu tả cách khiến quân Pháp phải phân tán lực lượng, tạo cơ hội cho du kích Việt Nam mở rộng vùng giải phóng. Sau khi giải phóng, họ lấy đất của người Pháp và địa chủ để chia cho nhân dân, thiết lập chính quyền nhân dân. Tướng Giáp viết rằng, không có định nghĩa rõ ràng về cách đánh này mà dựa vào tình hình của địch, tất cả mọi nơi đều có thể là chiến trường. Trong thời kỳ đầu, bộ đội Việt Nam gần như không có vũ khí. Một vũ khí mà họ sử dụng đó là các lực lượng tuyên truyền. Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng trước tiên phải giúp nhân dân xác định kẻ thù, mục đích chiến đấu. Việc đề cao giáo dục chính trị là đặc trưng của chiến tranh Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Rút cục, người Pháp cũng bị đánh bại ở một trong những trận chiến vĩ đại nhất của lịch sử chống ách cai trị của thực dân trên toàn thế giới. Hàng chục nghìn người tình nguyện đã xây dựng hàng trăm dặm đường, đào hàng trăm dặm chiến hào, chở pháo, đạn dược, thực phẩm,... để đánh quân Pháp. Ngày 7-5-1954, quân đội Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc 11.000 lính Pháp đầu hàng. Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử các dân tộc bị áp bức chống lại quân đội chuyên nghiệp của một nước thực dân. Hiệu ứng của chiến thắng lan rộng khắp thế giới. Nó truyền cảm hứng cho phong trào giải phóng dân tộc ở Algeria (An-giê-ri) - một nước cũng đang lầm than dưới sự cai trị của Pháp. Sau đó lan rộng ra toàn châu Phi. Ngày 26-7-1956, lan tới trại lính Moncada (Môn-ca-đa) ở Cu-ba và mở ra cuộc chiến tranh du kích trên hòn đảo này những năm sau đó.
(Còn nữa)
Theo Báo Nhân Dân