Cựu chiến binh “biến” vùng đất trũng thành trang trại tiền tỷ

 Cựu chiến binh Nguyễn Đình Tiếp với mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Hiếu

Năm 1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Nguyễn Đình Tiếp xung phong lên đường nhập ngũ, tại đơn vị Đoàn 775, Quân khu 7, đóng quân tại Biên Hòa (Đồng Nai). Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và bị thương 4 lần trên các chiến trường. Năm 1983, ông xuất ngũ với tỷ lệ thương binh 41% và bệnh binh 61%. Trở về với cuộc sống đời thường, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không vì thế mà CCB Nguyễn Đình Tiếp nản lòng. Từ việc trực tiếp học hỏi kinh nghiệm ở nhiều mô hình khác nhau, ông tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với vùng đất này để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Tiếp chia sẻ: “Khi về sinh sống tại địa phương, tôi đã cải tạo vùng đất trũng để trồng cây, đào ao thả cá, trước mắt là phục vụ cuộc sống của gia đình. Đến năm 2015, khi xã có chủ trương khuyến khích Nhân dân dồn điền đổi thửa để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, gia đình tôi đã vay mượn ngân hàng, người thân, mạnh dạn xin thầu hết diện tích các hộ đã bỏ hoang để đầu tư, cải tạo, quy hoạch lại để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp cá - lúa, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả”.

Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm, cùng với dịch bệnh, khiến cho công việc làm ăn của gia đình ông gặp nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như mất tất cả. Tuy nhiên, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, CCB Nguyễn Đình Tiếp tiếp tục nghiên cứu thông tin trên mạng, học hỏi tại nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả ở nhiều nơi để áp dụng vào điều kiện thực tế tại gia đình. Sau đó ông thuê máy ủi, máy múc để tạo thành các khu riêng biệt. Đối với khu đất để xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt, ông đã đầu tư lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi, gồm: hệ thống điều hòa làm mát, hệ thống hầm biogas, bể xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông cũng dành khu đất để đào ao thả cá các loại, như: cá trôi, cá mè, cá chép, cá chuối, cá rô phi đơn tính và cá trắm cỏ. Đồng thời tận dụng quỹ đất trên bờ ao, ông trồng hàng nghìn cây dừa xiêm, chuối và các loại cây ăn quả khác vừa để tăng thêm thu nhập, vừa tạo bóng mát cho ao.

Với sự nỗ lực vươn lên, sau nhiều năm kiên trì, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế, đến nay mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình ông mang hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trang trại của gia đình ông có trung bình 100 - 120 con lợn nái, 700 con lợn thịt, 300 lợn con, 500 con ba ba, đồng thời còn nuôi dê, gà. Đặc biệt, để hạn chế tối đa dịch bệnh, ông còn thuê 1 cán bộ thú y để định kỳ theo dõi chăm sóc đàn vật nuôi của trang trại theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo tính toán của ông, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng. Trang trại của gia đình ông thường xuyên tạo việc làm cho 6 lao động, thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng, trong đó chủ yếu là con, em của CCB trên địa bàn xã và huyện.

Song song với phát triển kinh tế, ông Tiếp còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Ông luôn tận tình, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ nhiều người có nhu cầu học hỏi trong và ngoài xã. Từ học tập mô hình của gia đình ông Tiếp, trên địa bàn xã Tân Phúc đã xuất hiện thêm nhiều mô hình trang trại, bước đầu mang lại hiệu quả. Với sự tận tâm, trách nhiệm, dễ gần, ông Tiếp được bà con trong xã tin tưởng, quý mến, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao. Ông Tiếp là tấm gương sáng để mọi người học và làm theo, qua đó cùng góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website