Cần phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Với ý nghĩa đó, Người không chỉ đặc biệt quan tâm đào tạo lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và đào tạo cán bộ lý luận chính trị, mà còn đồng thời khẳng định đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng Mácxít - Lêninnít.

Đồ họa: Trung Duy (Nguồn: tapchicongsan.org.vn)   

1. "Chỉ Đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong"[1]

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, và không dừng ở đó, Người còn là một lãnh tụ mácxít. Thấm nhuần quan điểm của V.I. Lênin: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” và “chỉ Đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”, Người không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, mà còn làm phong phú, đóng góp vào kho tàng lý luận Mác - Lênin. Một trong những thành công của Người là đưa chủ nghĩa Mác - Lênin/một học thuyết cách mạng, khoa học, hiện đại đến với những người Việt Nam yêu nước, để soi đường, dẫn lối nhằm “hành động đúng” thông qua những bài giảng tại lớp Huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu, Trung Quốc (sau được Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản thành Đường Kách mệnh năm 1927); thông qua những bài viết của Người đăng trên tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên về những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, về Đảng Cộng sản, Quốc tế Cộng sản, các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ; về phương pháp vận động quần chúng,v.v...

Ánh sáng lý luận của học thuyết cách mạng “chân chính nhất, chắc chắn nhất và khoa học nhất”/chủ nghĩa Mác - Lênin cùng phong trào “vô sản hóa” đã góp phần làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới; đưa phong trào công nhân phát triển từ tự phát lên tự giác, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Thành công của quá trình truyền bá, sự thâm nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930 đã khẳng định sự cần thiết phải trang bị lý luận Mác - Lênin cho những người Việt Nam yêu nước. Và như thế, với việc giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ trang bị cho những “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam lý luận cách mạng tiên tiến của thời đại, để họ có lý luận dẫn đường, mà còn đồng thời đào tạo lớp “cán bộ lý luận chính trị” đầu tiên, cốt cán của Đảng.

Trong những năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc vai trò của lý luận, sự cần thiết phải có lý luận soi đường và từ thực tế phong trào cách mạng trong nước “vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí ấy phải mò mẫm từng bước, luôn luôn vấp váp vì thiếu thốn”, Người đã đề nghị việc khắc phục những khó khăn đó bằng cách “tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có[2]. Đồng thời, Người cũng đề nghị xuất bản những cuốn sách nhỏ, đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu viết về Tuyên ngôn cộng sản, Đảng Cộng sản và các tổ chức của Đảng, Lịch sử Quốc tế Cộng sản, các tổ chức Thanh niên, Công hội, về Mác, Ăngghen, Lênin,v.v.. để làm tài liệu huấn luyện lý luận chính trị, giúp những người cộng sản Việt Nam nâng cao trình độ lý luận, để “có sức mạnh định hướng, sự sáng suốt dự kiến tương lai, kiên định trong công tác và lòng tin ở thắng lợi của sự nghiệp của chúng ta”[3] như Xtalin từng nói.

Có thể khẳng định rằng, với một Đảng Mácxít - Lêninnít thì việc học tập lý luận chính trị nói chung, lý luận Mác - Lênin nói riêng là công việc “cần kíp của Đảng”. Bởi đó không chỉ là vũ khí tinh thần quan trọng, rất cần thiết của những người cách mạng, mà còn giúp những họ có thế giới quan khoa học, phương pháp làm việc biện chứng, có đạo đức cách mạng sáng ngời để quy tụ, lãnh đạo quần chúng, xứng đáng với vai trò tiền phong. Và cũng vì thế, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, lý luận Mác - Lênin cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cấc cấp chính là nhằm nâng cao sự giác ngộ lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin chân lý để mỗi người và đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác lý luận của Đảng bản lĩnh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cơ sở khoa học của học thuyết Mác - Lênin.

2. Đảng phải “không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên”[4]

Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, để kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, thường xuyên học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để không chỉ “hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp” mà còn phải vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của đất nước để hoàn thành được trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Đặc biệt, trong học tập lý luận chính trị nói chung, chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng, mỗi cán bộ, đảng viên phải chú trọng học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình “để làm việc, làm người, làm cán bộ” đúng, nghiêm, tốt như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, chứ không phải là học “thuộc làu làu” , để “khoe mẽ”...

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm công tác lý luận/cán bộ lý luận không chỉ lấy lý luận Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình, không chỉ phải kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn phải nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ của mình. Đó là, luôn “phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình… Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”[5] để không ngừng tích lũy, làm giàu tri thức, trình độ lý luận của mình bằng “những điều hiểu biết quý báu các đời trước để lại”; đồng thời học tập một cách sáng tạo, linh hoạt kinh nghiệm của các nước anh em để làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình và nhất là phải tu dưỡng đạo đức cách mạng để vừa hồng, vừa chuyên.

Cùng với đó, quán triệt sâu sắc nguyên tắc không thể để những người làm công tác lý luận, cán bộ lý luận không theo kịp sự phát triển của tình hình và nhiệm vụ, nhất là “thiếu hụt về lý luận”, “chậm về lý luận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu Đảng phải có kế hoạch huấn luyện chặt chẽ, chu đáo, tổ chức và lãnh đạo sâu sát, tỉ mỉ công tác huấn luyện chính trị và “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”. Đồng thời, thấm nhuần những chỉ dẫn của V.I.Lênin: "Không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không làm công tác lý luận..., cũng như không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không hướng công tác đó theo những nhu cầu của sự nghiệp"[6] và nhất là “vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”[7], nhà trường được giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng này chính là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Cũng theo lời Người, “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”[8], cho nên việc cán bộ, đảng viên sao nhãng/lười/học chiếu lệ/học hình thức/học đối phó về lý luận chính trị cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Thực trạng những biểu hiện này sau đó đã được Đảng ta nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”…

Để có một đội ngũ cán bộ lý luận đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, ngoài việc đào tạo theo quy chuẩn ở hệ thống các trường chính trị, hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo trường lớp; hoặc vừa đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp vừa được rèn luyện trong thực tế, thì quá trình tự đào tạo của mỗi cán bộ, đảng viên cũng rất quan trọng. Nâng cao trình độ lý luận chính trị không chỉ là quá trình học tập ở mọi lúc, mọi nơi, theo kế hoạch, theo trường, lớp, theo bài bản, có hệ thống từ thấp đến cao mà còn là học từ những thành công và qua những lần thất bại trong công tác hằng ngày, gắn lý luận với thực tiễn, để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân mình, để qua đó tự bồi dưỡng và cập nhật tri thức lý luận cho bản thân mỗi người.

Với ý nghĩa đó, việc mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc rằng lý luận cách mạng không giáo điều, chủ nghĩa Mác - Lênin một học thuyết mở và thực tiễn cách mạng thì phong phú, sinh động, nên trong hoạt động thực tiễn vừa phải vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, vừa phải tự làm giàu tri thức, nâng cao trình độ lý luận của mình bằng việc thường xuyên bổ sung những lý luận mới rút ra từ thực tiễn là rất quan trọng. Chỉ có như vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên mới vừa có đủ bản lĩnh, trí tuệ để xứng đáng với vai trò lãnh đạo/cầm quyền của mình, vừa là những người “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”[9] để quy tụ, hấp dẫn quần chúng; đồng thời, tìm ra những vấn đề có tính quy luật của cách mạng, khắc phục được những sai lầm trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn.

3. “Kiên định vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn gắn lý luận với thực tiễn, dùng kinh nghiệm trong thực tiễn để bổ sung cho lý luận. Cuộc đời Người là một mẫu mực của nhà lý luận - thực hành, sâu sát thực tiễn. Người biểu đạt lý luận thông qua những bài nói, bài phát biểu, bài viết ngắn gọn của mình (với hơn 1.500 bài, với hơn 170 bút danh khác nhau) và Người đi thăm các địa phương, cơ sở khoảng 700 lần (trong vòng 10 năm, từ 1955-1965), để từ thực tiễn bổ sung, phát triển lý luận, đồng thời qua đó kiểm nghiệm lý luận. Và thực tế là, thế giới có thể luôn biến động, song “trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó”[10].

Từ di sản Người để lại, yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc cán bộ, đảng viên phải gắn lý luận với thực tiễn, phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc rằng ‘thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”;  “việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn”; “nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận” và “dùng lý luận đã học được để phân tích những thắng lợi và thất bại trong công tác”,v.v.. càng khẳng định tầm quan trọng của việc phải “học tập lý luận là một sự bức thiết đối với Đảng ta như thế nào”[11].

Đặc biệt, kể từ khi “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động” được khẳng định trong văn kiện từ Đại hội VII của Đảng đến nay; được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thì yêu cầu đào tạo lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; việc vận dụng sáng tạo, có hiệu quả lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cuộc sống cùng những thành tựu lý luận mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo những chỉ dẫn của Người càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Càng nhiều khó khăn, thử thách, những người cộng sản Việt Nam càng nhận thức rõ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là thế giới quan, phương pháp luận khoa học nền tảng để không chỉ nhận thức thức đúng mà còn hành động đúng nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đương đại đặt ra, góp phần vào những thành tựu đạt được của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập. Tri thức khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ cần phải được giảng dạy và học tập một cách khoa học, nghiêm túc trong hệ thống các học viện, trường chính trị các cấp; hệ thống các trường đại học, cao đẳng… để trở thành tri thức nền tảng vững chắc với mỗi cán bộ, đảng viên, sinh viên…, mà đó còn là đòi hỏi vừa khách quan, vừa chủ quan để kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trên tinh thần đó, để thực hiện đúng những chỉ dẫn của Người về vai trò của lý luận Mác - Lênin, về sự cần thiết phải đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng, phải tăng cường nghiên cứu thực tế để sớm nắm bắt được những vấn đề đang/dự báo sẽ xảy ra đòi hỏi lý luận phải hướng dẫn và nhất là phải “kiên định vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[12]… thì một trong những yêu cầu đặt ra là các cơ quan, ban, ngành chức năng phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét, “đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục sự trùng lắp, khép kín”[13]. Đồng thời, Đảng phải quan tâm hơn nữa đến một trong những nguồn/những nhân tố mới để bổ sung vào đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng một cách vừa cần thiết, vừa hiệu quả chính là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ cơ sở đến Trung ương. Đó là Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”; Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… để từ đó tìm ra những hạt giống, những cá nhân điển hình, những người có khả năng, đam mê nghiên cứu lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đủ bản lĩnh, trí tuệ và năng lực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.



[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Bản tiếng Việt, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1975, t.6, tr.30-32

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.112

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.113

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.233

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.356

[6] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 1, tr. 382

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.91

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.90

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.356

[10] Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.120

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.93

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.40-41

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 (Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 9/10/2014)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website