Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV. Nguồn: vpctn.gov.vn

Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là sự kế thừa, kết hợp, phát triển tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam với những kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý nhà nước của các quốc gia phương Đông và phương Tây; sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước kiểu mới vào thực tiễn nước ta. Thông qua những quan điểm về dân chủ, nhà nước, pháp luật, quyền con người… có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền qua những luận điểm sau:

Thứ nhất, quyền con người vừa là điểm xuất phát, vừa là mục tiêu tối thượng của nhà nước pháp quyền. Giải phóng con người, giải phóng dân tộc là động lực thôi thúc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, Người đã “tiếp cận quyền con người từ quan điểm thực tiễn, quan điểm toàn diện của chủ nghĩa Mác, nhưng trước hết và chủ yếu là từ địa vị người nô lệ mất nước đang tìm đường giải phóng, đang đấu tranh giành lại các quyền cơ bản của toàn dân tộc và của mỗi con người”(1). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền con người và quyền dân tộc là hai phạm trù thiêng liêng, có quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời: Quyền con người chính là biểu hiện cụ thể của quyền dân tộc, là thước đo đánh giá bản chất, năng lực của nhà nước trong việc thực hiện quyền dân tộc; ngược lại, quyền dân tộc chính là điều kiện, cơ sở, công cụ bảo vệ giúp nhà nước đáp ứng quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận quyền con người “trong tính chỉnh thể, toàn diện không thể chia cắt: giữa quyền tự do của cá nhân với tự do của toàn dân tộc, giữa quyền tư hữu thiêng liêng của cá nhân,… của cả cộng đồng. Do đó, ở Việt Nam hay các dân tộc thuộc địa, vấn đề nhân quyền không thể đứng ngoài, đứng trên chủ quyền dân tộc”(2).

Thứ hai, hiến pháp là kim chỉ nam để xây dựng nhà nước pháp quyền. Theo Người, hợp hiến, hợp pháp vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để xây dựng nhà nước pháp quyền. Ngay từ năm 1919, trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc-xay (Versailles), Người đã yêu cầu thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý Đông Dương, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật. Bản Yêu sách đã được Người chuyển thành “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó đặt vấn đề phải có hiến pháp ban hành, nêu cao vai trò quản lý nhà nước bằng luật pháp theo tinh thần “trăm đều phải có thần linh pháp quyền”, phản ánh tư tưởng cốt lõi của Người về nhà nước dân chủ mới - nhà nước tôn trọng pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật. Vì vậy, ngày 3-9-1945, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, cần nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng hiến pháp nhằm xác lập nền dân chủ và tổ chức một nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp. Trong 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, với hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo hiến pháp, ban hành 16 đạo luật và 613 sắc lệnh, trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững chắc trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đóng góp to lớn trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp của nước ta.

Thứ ba, nhân dân là chủ thể quyền lực của nhà nước và trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm việc thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Ngay trong Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(3). Để thực hiện mục tiêu này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất yếu phải thực hành dân chủ. Bởi vì, dân chủ chính là hiện thực hóa quyền con người của cá nhân, cộng đồng ở mức cao nhất; nghĩa là, con người đã vượt lên trên cái quyền tồn tại đơn thuần, chủ động, sáng tạo thực hiện quyền làm chủ của mình. Dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ triệt để, phát huy dân chủ cao độ là tiền đề tạo nên sức mạnh cho nhà nước. Nền dân chủ thực chất sẽ đề cao nhân dân, nhân dân là chủ thể. Theo Người, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(4), “nước ta phải đi đến dân chủ thực sự”(5và “chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự”(6). Đến năm 1959, trong Hiến pháp, Người tiếp tục khẳng định: “Tất cả quyền lực… đều thuộc về nhân dân… Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân”(7). Về quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, Hồ Chí Minh xác định: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”(8). Trong mối quan hệ này, Nhà nước phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo đảm việc thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”(9), “các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân”(10).

Thứ tư, thượng tôn pháp luật và sự kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội. Pháp luật không đơn thuần là công cụ quản lý xã hội của nhà nước, mà còn là đại lượng bảo đảm công bằng, dân chủ, tiến bộ của xã hội; là tấm gương phản ánh bản chất tiến bộ, đồng thời là công cụ kìm hãm sự lạm quyền của nhà nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật mà luôn đề cao sự kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội. Theo Người, đạo đức và pháp luật không phải được ghép với nhau một cách cơ học mà là hai lĩnh vực, hai phương thức quản lý xã hội khăng khít, hòa quyện vào nhau, “giữa pháp luật và đạo đức có mối quan hệ biện chứng như mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, nội dung là đạo đức, pháp luật là hình thức”(11). Hai lĩnh vực này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ đó thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Bởi vì, để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân thì tất yếu phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với mục đích thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước, cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Trong đó, những giá trị, chuẩn mực đạo đức nền tảng cần phải được pháp luật ghi nhận, bảo đảm cho các chuẩn mực đó được thực thi hiệu quả. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, pháp luật là công cụ hữu ích để đưa chuẩn mực đạo đức thành thói quen, nếp sống. Chuẩn mực càng khó, càng rộng, thậm chí trừu tượng, không để định lượng thì vai trò của pháp luật càng được thể hiện rõ.

Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về đánh bắt hải sản cho ngư dân trên địa bàn thành phố. Nguồn: cadn.com.vn

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời gian qua

Mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng, hoàn thiện qua nhiều thời kỳ với đặc điểm, tính chất đặc thù Việt Nam, từng bước tiếp cận chuẩn mực, tinh hoa nhân loại. Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(12).

Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bảo đảm yêu cầu quản lý, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong hơn 35 năm đổi mới, số lượng luật và pháp lệnh được ban hành tăng nhanh, giai đoạn 1986 - 2005, Quốc hội thông qua 7 bộ luật, 133 luật và 15 pháp lệnh; giai đoạn 2006 - 2021, Quốc hội thông qua được 329 luật, pháp lệnh(13). Tư duy về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước không ngừng được đổi mới. Tính chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm giải trình, phân cấp, phân quyền khoa học, hiệu lực, hiệu quả hơn. Đội ngũ cán bộ, công chức được xây dựng theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên(14). Công cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước được triển khai tích cực bằng nhiều biện pháp(15). Cải cách hành chính, tư pháp có bước đột phá; chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận việc “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”(16). Trong đó, hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa thống nhất, chưa theo kịp đời sống thực tiễn. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có lúc, có nơi, còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân còn có những mặt hạn chế. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng; hiệu lực, hiệu quả chưa cao…

Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ định hướng giai đoạn 2021 - 2030 là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(17). Để thực hiện tốt định hướng đã đề ra; trên cơ sở vận dụng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, kiên định lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ về xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới. Việc học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu và phát triển một cách sáng tạo những tinh hoa, giá trị tiến bộ về nhà nước pháp quyền của nhân loại là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết. Tuy nhiên, không được dập khuôn, máy móc, cần phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần khẳng định, phát triển và làm sâu sắc hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Hai là, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên cả 3 mặt: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa giữ vững kỷ cương, pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là cơ sở, tiền đề của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, muốn tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, bảo đảm tất cả hoạt động của Nhà nước và các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều có pháp luật làm cơ sở; pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để và thống nhất. Cần gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Muốn vậy, nhất thiết phải tăng cường pháp chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”(18).

Ba là, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong thực tiễn, việc xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta hiện nay có mặt còn lúng túng, chưa rõ ràng, chặt chẽ; đồng thời “cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được phát huy mạnh mẽ”(19). Do đó, cần tiếp tục phân định rõ ràng hơn, tránh chồng chéo, bỏ sót, để việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan quyền lực nhà nước ngày càng hiệu quả./.

 -----------------

(1) Phạm Ngọc Anh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và sự vận dụng nó ở nước ta trong điều kiện hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hà Nội, 2003, tr. 24
(2) Phạm Ngọc Anh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và sự vận dụng nó ở nước ta trong điều kiện hiện nay, Tlđd, tr. 26
(3) Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ (Các bản hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 8
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 232
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 44
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 3
(7) Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ (Các bản hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Sđd, tr. 27 - 28
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 56
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 90
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64 - 65
(11) Thành Duy: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, đạo đức và lợi ích công dân”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3, 1995, tr. 4
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 71
(13) Xem: Phạm Văn Linh: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Trang Thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-xay-dung-va-hoan-thien--nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam.html, ngày 5-1-2022
(14) Trong giai đoạn 2011 - 2020, số cán bộ, công chức hiện có ở bộ, ngành và địa phương từ cấp huyện trở lên là 295.536 người, trong đó ở các bộ, ngành Trung ương là 125.144 người. Về chuyên môn, đào tạo: tiến sĩ là 2.347 người, chiếm 0,8%; thạc sĩ là 19.136 người, chiếm 6,5%; đại học là 210.592 ngườ, chiếm 71,3%; cao đẳng là 12.885 người, chiếm 4,4%
(15) Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2021, ngành tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.938 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%. Đã xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo, áp dụng hình phạt nghiêm minh, đúng pháp luật
(16), (17), (18), (19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 89, 118, 118, 89

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website