|
Bác Hồ với các em học sinh (Ảnh tư liệu) |
Đối với các thế hệ nhà giáo và học sinh Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, ít ai không biết đến hai lá thư của Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục nước nhà. Đó là lá thư Bác gửi cho các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lá thư cuối cùng của Bác gửi cho thầy và trò cả nước ngày 15/10/1968 "Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên bắt đầu năm học mới "(1).
54 năm đi qua, kể từ ngày 15/10/1968, Bác Hồ gửi thư cho các trường học; trong kí ức của thầy và trò của ngày ấy và đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc tự hào, tươi đẹp và thiêng liêng. Trong lúc đón thư không ai biết được rằng đây là lá thư mà Bác viết trong những ngày sức khỏe của Bác không được tốt và cũng sẽ là bức thư cuối cùng của Bác gửi cho ngành giáo dục nước nhà.
Trong phần đầu của "Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới", Bác chỉ rõ: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết" và như vậy, đế quốc Mỹ "không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự mà ta đã thắng chúng trên cả mặt trận giáo dục đào tạo cán bộ".
Tình cảm sâu nặng, chân tình của Bác đối với thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của thầy, cô giáo, công nhân viên và khơi dậy ý thức học tập tốt của học sinh, sinh viên trong những năm kháng chiến ác liệt ấy. Bác nói rõ giáo dục và đào tạo là một mặt trận cũng tức là mỗi thầy, mỗi trò là một chiến sĩ đã chiến thắng trên mặt trận ấy làm cho trong lòng mỗi thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên thời đó trào dâng niềm tự hào cùng với những tình cảm kính yêu hướng về Bác.
Trong thư, Bác căn dặn các thầy cô giáo học sinh sinh viên, phải nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để xứng đáng với miền Nam anh hùng; "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt". Dạy tốt - học tốt theo những điều Bác viết trong thư là "Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật".
Dạy tốt - học tốt còn là "Phải cùng nhau tổ chức và quản lí đời sống vật chất và tinh thần ở trong trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn". Để dạy tốt học tốt Bác còn căn dặn "Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa và trường và nhân dân...".
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm sâu sắc và đánh giá đúng mức với những thành tựu của ngành giáo dục - đào tạo. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô. Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang tích cực triển khai; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Chi đầu tư cho giáo dục và xã hội hoá giáo dục được tăng cường. Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và đào tạo từng bước đổi mới. Cơ chế tự chủ, cơ chế cung ứng dịch vụ công trong giáo dục và đào tạo được thể chế hoá và đạt kết quả bước đầu. Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng”(2). Những đánh giá này đã làm nức lòng, tăng thêm lòng yêu nghề của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên toàn quốc.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có một số người phủ nhận sự đóng góp to lớn của ngành Giáo dục trong sự nghiệp phát triển đất nước. Tất nhiên trong những năm đổi mới, ngành Giáo dục cũng có nhiều khuyết điểm như: Bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, chương trình, phương pháp giảng dạy còn lạc hậu... nhưng chúng ta cần phải có sự đánh giá khách quan, công bằng, có tình, có lý đối với sự phát triển của giáo dục nước nhà.
54 năm trôi qua, những điều Bác viết trong thư vẫn mãi là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên Việt Nam, thúc đẩy thầy, trò quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách để “dạy tốt - học tốt". Thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, thầy giáo, cô giáo phải nghiêm túc tự đánh giá những ưu, khuyết điểm của mình để thêm yêu nghề, có trách nhiệm với nghề, xứng đáng với sự tôn vinh của toàn xã hội đối với thầy, cô giáo.
Ôn lại sự kiện ngày 15/10/1968, Bác Hồ gửi thư cho ngành Giáo dục, suy nghĩ và thấm nhuần sâu sắc, thực hiện đúng và sáng tạo những điều Bác viết trong thư là một việc làm có ý nghĩa thiết thực và có tính thời sự cấp bách góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.
-------------------------------------
(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12 trang 402 - 403
(2): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng