75 năm trước, trên đường di chuyển từ thủ đô Hà Nội lên khu kháng chiến Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Sự kiện vinh dự, tự hào này đã trở thành động lực xuyên suốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc...
Gốc cây thị - nơi Bác tập thể dục mỗi ngày.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trên toàn quốc bùng nổ. Xác định Việt Bắc sẽ là chiến khu kháng chiến lâu dài, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng mở cuộc “trường chinh” từ Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc xây dựng căn cứ kháng chiến. Trên đường di chuyển, Bác đã dừng chân tại xóm Đồi, xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân) với bí danh là Xuân, ở tại nhà ông Hoàng Văn Nguyện trong thời gian 15 ngày (từ sáng ngày 4/3 đến chiều tối ngày 18/3/1947).
Trong thời gian này, Bác theo dõi tin tức chiến sự, đọc các tờ báo, gặp và làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh và trực tiếp nắm tình hình diễn biến chiến sự trên các mặt trận để chỉ đạo toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ những việc nhỏ như sơ tán tránh địch, đến những việc lớn như chuẩn bị các kế hoạch, đường lối, chủ trương cho cuộc kháng chiến lâu dài, hoạch định chiến lược, sách lược đối với mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với Chính phủ và nhân dân Pháp đều được Bác thực hiện trong thời gian ở tại xã Cổ Tiết. Để giữ tuyệt đối bí mật, Bác đều làm việc tại nhà, không có các cuộc tiếp xúc rộng rãi, khi cần đi đâu Bác đều cải trang kỹ càng. Tại đây, Bác đã soạn thảo và công bố nhiều văn kiện, sắc lệnh, thư, điện, tài liệu có ý nghĩa quan trọng đối với Cách mạng Việt Nam.
|
Nhiều văn kiện, sắc lệnh, thư, điện, tài liệu quan trọng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố hiện vẫn được lưu giữ tại Khu lưu niệm.
Vinh dự là gia đình được Bác chọn là nơi dừng chân để làm việc, kể từ năm 1947 đến nay, trải qua bao thế hệ, vợ chồng ông Hoàng Văn Vinh - cháu nội của ông Hoàng Văn Nguyện vẫn ngày ngày trông coi, hương nhang, bảo vệ Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Liêm- vợ ông Vinh chia sẻ: “Khi có Quyết định xây dựng Khu lưu niệm tại địa điểm ngôi nhà của ông cha tôi, vợ chồng tôi được lựa chọn nơi di dời, nhưng chúng tôi vẫn chọn ở cạnh ngôi nhà cũ vì nơi đây cũng từng có “hơi ấm” của Bác khi Người chọn là nơi sinh sống, làm việc trong suốt 15 ngày. Vợ chồng tôi tự hào vì điều đó và cũng muốn ở cạnh bên Khu lưu niệm để được trông nom, hương nhang, tri ân Người”. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng hơn bốn héc-ta, với các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm, hầm trú ẩn, sân vườn, đường đi... Trong khu di tích còn lưu giữ cây thị gần 80 năm tuổi ở góc vườn, đây là nơi Bác thường tập thể dục vào mỗi sáng. Nơi đây là điểm đến của các tầng lớp nhân dân để tưởng nhớ, tri ân, ghi nhớ công ơn của Bác Hồ, là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, văn hoá có ý nghĩa sâu sắc của Đảng bộ, nhân dân xã Vạn Xuân và huyện Tam Nông.
Từ nơi Bác dừng chân, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, nhân dân xã Vạn Xuân không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân với nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình qua nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường chỉnh đốn Đảng. Hàng năm, Đảng ủy xã đã tiến hành tổ chức học tập các nội dung chuyên đề như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Sau học tập, quán triệt, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, hội viên, đoàn viên thông qua các hội nghị của từng tổ chức và trong kỳ sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng...
|
Học và làm theo Bác, khu dân cư 23, xã Vạn Xuân được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, những tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở khu dân cư, không để xảy ra những bức xúc nổi cộm, đơn thư vượt cấp. Đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân; cán bộ đổi mới tác phong, lề lối làm việc, gần dân, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu quan trọng nhất, lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của nhân dân làm thước đo, tạo môi trường thuận lợi xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp gắn với kỷ cương, trách nhiệm.
Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Vạn Xuân cho biết: “Vinh dự, tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân, sinh sống, làm việc tại đây trong hành trình di chuyển lên Việt Bắc, suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn coi đó là động lực xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong thực hiện chuyên môn, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được ghi nhận, biểu dương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần tích cực xây dựng quê hương Vạn Xuân ngày càng vững mạnh, khởi sắc”.
Huyền Nga
Theo https://baophutho.vn