Đêm 13/5/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trang trọng Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2020-2025. Đây là niềm động viên to lớn, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, của nhân dân đối với những cống hiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo, những người làm công tác văn hóa, thông tin, truyền thông, và các tầng lớp nhân dân hơn 12 năm qua đã đóng góp, làm nên thành công của Giải thưởng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Tô Lâm trao giải A cho các tác giả, tác phẩm. Ảnh: HH
Để Giải thưởng tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt hơn như mong muốn của Đảng, của xã hội, các cơ quan tham mưu cho cấp ủy về Giải thưởng cần quan tâm một số điểm sau:
Thứ nhất, về Quy chế Giải thưởng: Vụ chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương sớm xin ý kiến của Lãnh đạo Ban, tiếp thu ý kiến của cơ quan, đơn vị, địa phương, những điểm bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai Giải thưởng, trên cơ sở đó, rà soát toàn bộ Quy chế đã áp dụng trong giai đoạn 2015-2020 để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh Quy chế mới (Quy chế chung) áp dụng cho giai đoạn 2020-2025.
Thứ hai, sau khi Quy chế Giải thưởng được ban hành, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn chi tiết đối với chuyên ngành, lĩnh vực của mình gửi ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các Liên hiệp hội, hội, chi hội của tỉnh, thành phố. Đây là văn bản hướng dẫn rất quan trọng để giúp cơ sở áp dụng trong quá trình tổ chức xét chọn tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài những vấn đề liên quan đến yêu cầu về thể thức, hình thức, quy mô, kích cỡ, chất liệu, thời gian, số lượng…, nhất thiết trong hướng dẫn phải có địa chỉ, điện thoại cơ quan nhận tác phẩm, hồ sơ, người liên hệ khi cần.
Thứ ba, cơ quan tuyên giáo các cấp cần làm tốt và thường xuyên công tác phổ biến, tuyên truyền về Quy chế Giải thưởng, nhất là chủ đề Giải thưởng, quy định về thời gian, số lượng gửi tác phẩm, hồ sơ tham gia Giải thưởng. Thực tế quá trình triển khai cho thấy, vẫn còn không ít cán bộ tham mưu cho cấp ủy về hoạt động này chưa nắm chắc Quy chế Giải thưởng, thậm chí chưa phân biệt được “sáng tác”, “quảng bá” là hai hoạt động tách biệt. Do vậy, nhiều nơi hoạt động quảng bá không được hướng dẫn cụ thể. Hoạt động rất hiệu quả nhưng không biết làm hồ sơ báo cáo thành tích ra sao, gửi tham gia Giải thưởng như thế nào…
Phối hợp chặt chẽ với Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, thành trong quá trình triển khai hoạt động sáng tác, quảng bá nói chung, Giải thưởng nói riêng. Sự phối hợp này rất cần thiết và bổ ích đối với văn nghệ sỹ, phóng viên, những người có nhu cầu tham gia sáng tác, quảng bá, nhất là việc cung cấp thông tin, tìm hiểu thực tế, giao lưu, tọa đàm chuyên đề để tiếp cận tư liệu sáng tác, quảng bá.
Thứ tư, ban tuyên giáo tỉnh, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương cần nắm chắc thực lực khả năng của đội ngũ văn nghệ sỹ, phóng viên, trên cơ sở đó, định hướng cho anh chị em tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh, những nội dung, chương trình nổi bật của địa phương, cơ quan, đơn vị để tiếp cận, sáng tác, quảng bá. Chủ động giới thiệu, tuyên truyền tại cơ sở để lắng nghe ý kiến, tiếp thu, nâng cấp chất lượng tác phẩm. Tránh bị động, gần đến hạn gửi tác phẩm, hồ sơ tham gia Giải thưởng ở Trung ương mới nhắc nhở, tìm kiếm tác phẩm.
Thứ năm, mỗi đợt tổng kết, trao giải thưởng, cùng với các hoạt động được tổ chức ở Trung ương, ban tuyên giáo các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, tổ chức việc đánh giá, biểu dương, khen thưởng tại địa phương, cơ quan, đơn vị; tuyên truyền về kết quả Giải thưởng. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác này, và có tác dụng cộng hưởng sự lan tỏa về thành công của Giải thưởng, về đóng góp của văn nghệ sỹ, nhà báo, khích lệ hoạt động sáng tác, quảng bá. Tránh để Giải thưởng thành hoạt động mang tính thời vụ, sau tổng kết, trao giải thưởng là “xong việc”, hoặc tham gia chỉ để có tên.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là công việc suốt đời đối với mỗi người. Hàng năm, mỗi tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị đều xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và theo Bác trên các lĩnh vực đời sống xã hội, ở các vùng miền, mọi lứa tuổi, những kết quả “học” và “làm theo” đó ngày càng nhiều, ngày càng phong phú. Do vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá về những kết quả đó càng phải được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời để cổ vũ việc học tập và làm theo Bác. Quá trình đó không thể không có sự tham gia của những chiến sỹ trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí, thông tin, truyền thông- một lực lượng hùng hậu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Một giai đoạn mới của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã bắt đầu, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và chờ đón những thành công mới, đó là những sáng tạo mới, những giá trị tinh thần mới sâu sắc hơn, chất lượng hơn, của văn nghệ sỹ, báo giới và các tầng lớp nhân dân sáng tạo nên, trực tiếp làm phong phú đời sống tinh thần của toàn xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam./.
Vũ Việt Hùng