Kỷ luật nghiêm từ trên xuống dưới
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì kỷ luật của Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Người cho rằng, Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ XII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động nhất trí, nó do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng. Kỷ luật của Đảng dựa trên tình đồng chí, kỷ luật của những người cùng chung một lý tưởng, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Kỷ luật đó phải từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng; đồng thời, để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng.
PGS.TS Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khi trao đổi với chúng tôi đã khẳng định: “Giữ nghiêm kỷ luật Đảng là một trong các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới, được Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa từ Chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo ở Việt Nam. Người thường xuyên nhấn mạnh việc thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ, mà nhiều lần Người gọi là nguyên tắc “dân chủ tập trung”, thực hiện tự phê bình và phê bình (TPB&PB), Đảng phải có kỷ luật sắt, nghiêm minh. Mọi CB, ĐV của Đảng phải luôn đặt quyền lợi tập thể, nhiệm vụ, mệnh lệnh tập thể lên trên hết, trước hết. Vì có ý thức tổ chức và chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng mà trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhiều CB, ĐV, trong đó có những lãnh đạo cấp cao đã sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng, kể cả tính mạng để bảo vệ Đảng và giữ vững khí tiết người cộng sản”.
Kỷ luật của Đảng không chỉ đòi hỏi tính tự giác mà còn mang tính bắt buộc đối với cá nhân và những bộ phận chưa ý thức đầy đủ nhiệm vụ của người đảng viên. Bắt buộc là một nội dung tất yếu của mọi hình thức kỷ luật. Sự giác ngộ càng cao thì tính bắt buộc càng ít và càng mang tính tự giác cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật. Kỷ luật của Đảng là tự nguyện tự giác; đã tự nguyện tự giác là kỷ luật sắt, rất nghiêm, tất cả đảng viên già trẻ, trên dưới đều phải tuân theo. Nếu không giữ gìn nghiêm túc kỷ luật là giảm bớt lực lượng của Đảng, khó thực hiện được nhiệm vụ”.
Bác đòi hỏi mọi CB, ĐV phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”. Người yêu cầu đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn “phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”. Theo Hồ Chủ tịch, đối với mọi đảng viên cộng sản, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi quy định của tổ chức.
Người yêu cầu những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Người cho rằng, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa và cũng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật thích đáng.
Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng. Hai mặt dân chủ và kỷ luật phải luôn luôn đi đôi với nhau. Đảng viên làm việc gì cũng phải có tính tổ chức, tính kỷ luật, phải bàn với tổ chức, không được đặt mình ngoài tổ chức; phê bình cũng phải trong tổ chức, có kỷ luật. Đảng viên ở địa vị càng cao thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương thực hiện dân chủ trong Đảng.
Trong Di chúc, Bác dành những lời đầu tiên cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Theo Người, TPB&PB là phản ánh trung thực tinh thần dân chủ và sức chiến đấu của Đảng. Bởi vì: “... một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Siết chặt kỷ cương, xử lý quyết liệt, không vùng cấm
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm tới công tác kỷ luật Đảng. Nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng được đặc biệt coi trọng. Với tinh thần quyết liệt, “không có vùng cấm”, các vụ đại án, với nhiều cán bộ, kể cả tướng lĩnh, cán bộ cấp cao bị điều tra, xét xử.
Theo số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, trong gần 4 năm đầu nhiệm kỳ (từ 2016 đến 2019), cấp ủy và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã triển khai thực hiện, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tăng nhiều so với các năm trước đây. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập 36 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 110 tổ chức đảng. UBKT các cấp đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm 13.619 tổ chức, 16.214 cấp ủy viên các cấp và 24.727 đảng viên, gần bằng cả nhiệm kỳ của khóa XI.
Cấp ủy và UBKT các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên; UBKT Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên (có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý)…
Dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ quyết định của Đảng thể hiện tính nghiêm minh, nghiêm trị. Bên cạnh đó, có nhiều CB, ĐV cảm thấy đau xót khi đồng chí mình bị kỷ luật. Nhưng đó là việc làm cần thiết bảo đảm sự trong sạch của Đảng, giữ gìn kỷ luật Đảng, kỷ cương phép nước, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.
Thực tiễn cách mạng luôn vận động và phát triển. Đất nước ta, Đảng ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Chúng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Mỗi khi gặp tình hình mới, công tác mới..., tư tưởng của một số CB, ĐV không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí dao động, lệch lạc… Cho nên, thống nhất ý chí, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và quan trọng.
Vai trò của nhiệm vụ tăng cường kỷ luật Đảng hiện nay có thể nói là vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài. Kỷ luật nghiêm minh mới bảo đảm cho đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng được chấp hành triệt để, không bị chệch hướng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng mới được tăng cường, bảo đảm sự tồn tại, phát triển, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Giữ gìn kỷ luật Đảng theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi CB, ĐV phải tự giác chấp hành kỷ luật Đảng, gương mẫu và thực hiện cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, Điều lệ Đảng, quyết định, quy định của tổ chức, chính sách và luật pháp của Nhà nước; đồng thời, chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, nói và làm theo nghị quyết, đề phòng và chống lại những biểu hiện và hành động sai trái, phản động.
Nguyên tắc của Đảng là phải quản lý chặt chẽ CB, ĐV trong cả lời nói và việc làm. Mọi CB, ĐV dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của tổ chức, tham gia đầy đủ sinh hoạt đảng, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để một CB, ĐV nào được đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gây chia rẽ, bè phái trong Đảng đều phải bị xử lý nghiêm minh. Phải thường xuyên rà soát, phân loại, sàng lọc đội ngũ CB, ĐV để làm trong sạch, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng.
PGS.TS Trần Minh Trưởng cho rằng, giải pháp để tăng cường kỷ luật Đảng là phải huy động được nhân dân, công luận vào cuộc. Qua tai mắt của quần chúng và thông tin, dư luận xã hội để phát hiện những sai trái, vi phạm của CB, ĐV. “Bên cạnh đó, các tổ chức đảng phải duy trì nghiêm kỷ luật. Mọi CB, ĐV phải có nhận thức đúng, hành động vì tập thể, vì lợi ích chung. Kỷ luật Đảng phải coi trọng trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu. Vi phạm kỷ luật, cương vị càng cao, xử lý càng phải nghiêm minh để giáo dục, răn đe. Vì sự ảnh hưởng của những lãnh đạo cấp cao rất lớn. Như người xưa đã tổng kết: “Vua sáng ắt có tôi hiền”, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, PGS.TS Trần Minh Trưởng nhấn mạnh.
Từ quyết tâm “giết sâu”, “chặt cành để cứu cây” trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian tới, công tác kỷ luật Đảng cần được tiếp tục coi trọng và siết chặt hơn nữa. Trong đó, tập trung phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và công khai các vi phạm, không có vùng cấm. Đồng thời và quan trọng hơn là giáo dục ý thức rèn luyện, tự giác chấp hành kỷ luật Đảng từ nhu cầu tự thân và danh dự người đảng viên cộng sản, như yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi CB, ĐV".
Theo HOÀNG TIẾN/QDND