Thi đua yêu nước theo lời Bác dặn ở Thành phố Hồ Chí Minh

 

Thi đua yêu nước là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang tính cách mạng, tính nhân văn sâu sắc và có giá trị thực tiễn to lớn, lâu dài, bởi mục đích của thi đua yêu nước là “dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[1], “để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội”[2].

“Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”

Nội dung thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một cách đầy đủ, sâu sắc, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ra đời cách đây tròn 70 năm (11/6/1948 - 11/6/2018). Cùng với thời gian, thi đua yêu nước vẫn mang giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trở thành động lực của phong trào cách mạng cả nước, là một trong những thắng lợi to lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc cổ vũ, phát huy sức mạnh của phong trào quần chúng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”, “Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[3], nên mỗi người dân Việt Nam “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua… bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”[4].

Là Người khởi xướng và phát động phong trào thi đua yêu nước, không chỉ nêu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc thi đua, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước tham gia phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đồng thời chỉ rõ những nguyên tắc, biện pháp để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao. Đó là: thi đua phải có sự lãnh đạo đúng; thi đua phải toàn diện về cả nội dung và phương thức; thi đua phải có khen thưởng nghiêm minh; thi đua phải lâu dài và rộng khắp, v.v.. Cũng theo lời Người: Các cấp, các ngành, từ Trung ương xuống đến địa phương dưới sự lãnh đạo của Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương phải cố gắng thực hiện, đồng thời, chỉ có thực hiện được như vậy thì kháng chiến mới "nhất định thắng lợi", kiến quốc mới "nhất định thành công".

Để phong trào thi đua phát triển liên tục, thường xuyên và hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cấp, các ngành, các đơn vị phải có kế hoạch tỉ mỉ đến từng đơn vị nhỏ, đến từng gia đình, từng cá nhân để mọi người, mọi nơi “hiểu biết thấu, vui vẻ làm” khi tham gia phong trào. Theo đó, kế hoạch thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mức; chương trình thi đua phải chặt chẽ, có sự phối hợp của các ban ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo của Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Các cấp, các ngành phải tổng kết đánh giá sau mỗi đợt thi đua và phải có thưởng, phạt nghiêm khắc, kịp thời... Để lôi cuốn mọi người hăng hái tham gia phong trào thi đua, thì cán bộ, đảng viên: một mặt, phải làm và làm tốt trước, gương mẫu đi đầu cho dân noi theo trong các phong trào thi đua; mặt khác, phải chú trọng công tác tuyên truyền - phải giải thích kỹ càng cho dân hiểu về sự “ích nước lợi nhà” của việc nỗ lực tham gia phong trào thi đua, để nhân dân tự nguyện và nhiệt tình tham gia.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, phong trào thi đua yêu nước 70 năm qua đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

Nở rộ các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn Thành phố

Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Chính nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành mà phong trào thi đua đã được triển khai  sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, huy động được đông đảo người dân, các cơ quan, ban, ngành của Thành phố tham gia. Từ nhận thức sâu sắc rằng: Thi đua yêu nước và khen thưởng là công cụ để phát huy hiệu quả việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình, đưa ra các giải pháp thích hợp để đẩy mạnh các phong trào thi đua; động viên cán bộ, đảng viên, cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp và nhân dân Thành phố ra sức thi đua, phấn đấu khắc phục khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Trên tinh thần “mỗi một người phải lấy việc xung phong trong phong trào thi đua ái quốc làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình”[5] như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, các bộ ngành, đoàn thể, địa phương đã luôn xác định rõ mục tiêu của các phong trào thi đua, hướng tới và lồng ghép nội dung các phong trào thi đua sát với tình hình kinh tế - xã hội thực tế tại các bộ ngành, địa phương, đơn vị trong năm và trong từng giai đoạn cụ thể. Nội dung các phong trào thi đua luôn được đổi mới, đa dạng, phong phú, thiết thực; ngoài các phong trào thi đua thường xuyên, theo đợt, đột xuất, lồng ghép… đã có các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo lĩnh vực, góp phần tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

Các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của

Thành phố Hồ Chí Minh tham gia giao lưu lại Hội nghị (Ảnh: Hồng Phúc).

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nhiều phong trào thi đua mang tính đột phá ở các cấp, các ngành, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố được phát động để huy động mọi nguồn lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thiết thực làm theo Bác, Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng cả nước chung sức và tiếp tục đồng loạt triển khai thực hiện phong trào thi đua phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức, người dân đã nâng cao ý thức tiết kiệm trong công tác, trong sinh hoạt và tiêu dùng, như tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho người lao động,...

Nói về phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua khen thưởng năm 2017, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Công Hùng khẳng định: Kết quả nổi bật nhất trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố năm 2017 là tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn đạt hơn một triệu tỷ đồng, tăng 8,25% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách năm 2017 hơn 348.000 tỷ đồng, đạt 100,09% dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ. Thành phố luôn đi đầu trong các phong trào thi đua do Trung ương phát động, như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, Thành phố đã có 54 trong số 56 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 trong số 5 huyện đạt huyện nông thôn mới, là địa phương dẫn đầu cả nước giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng. Đến nay, tổng số hộ nghèo của Thành phố còn 25.461 hộ (chiếm tỷ lệ 1,28%), hộ cận nghèo còn 38.116 (chiếm tỷ lệ 1,91%). Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Thi đua cải cách hành chính”; “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”… cũng đạt được thành tựu quan trọng, dẫn đầu cả nước. Được triển khai có hiệu quả trong địa bàn Thành phố, phong trào thi đua “Xóa đói giảm nghèo” đã huy động sức dân để chăm lo cho dân, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá đến mức có thể. Phong trào hiến đất mở đường, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở ở các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đạt hiệu quả thiết thực; trong đó, có gia đình đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất và vận động người thân gia đình, anh em họ hàng và bà con hàng xóm láng giềng cùng hiến đất, tạo điều kiện cho chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh tiến độ và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều phong trào thi đua khởi nguồn từ Thành phố mang tên Bác đã lan tỏa rộng lớn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, “Thanh niên tình nguyện”… góp phần làm cho thi đua yêu nước theo lời Bác dặn ngày càng nở rộ, nhiều hương sắc.

Để tạo động lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Thành phố đã và đang tiếp tục tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; phong trào “Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”;  phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh, trấn áp tội phạm”… Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, việc gắn kết giữa phong trào thi đua quyết thắng, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” với phong trào thi đua yêu nước của từng địa phương đã góp phần chủ động đấu tranh và ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá của các thế lực phản động, cơ hội và tội phạm. Qua phong trào thi đua, nhiều cơ quan đơn vị đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo duy trì ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội cho người dân Thành phố; đặc biệt là bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị diễn ra trong năm, các ngày lễ hội, ngày Tết của dân tộc… Các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp đã góp phần thực hiện có hiệu quả 7 giải pháp đột phá trong cải cách hành chính, kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm tình trạng ngập nước, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu,…trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Chủ tịch nước trao tặng

Huân chương Độc lập cho các cá nhân. (Ảnh: Hồng Phúc).

Thi đua theo cụm, khối cũng là điểm nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, việc thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, đưa ra tiêu chí thi đua, nội dung sinh hoạt chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, đề ra các giải pháp, bài học kinh nghiệm quý giá, thiết thực, hiệu quả để cùng nhau học tập, áp dụng và nhân rộng trong cụm, khối thi đua tiếp tục được triển khai sâu rộng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt giao ước thi đua năm 2018, với khẩu hiệu “Đổi mới - Sáng tạo để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, hiện đại” gắn với thực hiện 7 chương trình đột phá.

Trong thi đua theo cụm, khối, vai trò điều hành hoạt động của cụm trưởng, khối trưởng luôn được phát huy với tinh thần trách nhiệm cao; hiệu quả mang lại thông qua sinh hoạt cụm, khối thi đua ngày càng thiết thực và được sự đồng thuận cao của các đơn vị thuộc các cụm, khối thi đua. Việc bình xét, suy tôn đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ở từng cụm, khối thi đua đã từng bước khắc phục bệnh hình thức, đi vào thực chất, đánh giá đúng kết quả tham gia hoạt động của từng đơn vị. Đồng thời, qua hoạt động và sinh hoạt chuyên đề ở các cụm, khối thi đua, góp phần giới thiệu, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến để nhân rộng và phát huy những mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị, được áp dụng trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều sở, ban, ngành, quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, nhận xét và chấm điểm thi đua; thi đua trong ngành dọc được thực hiện một cách trung thực, chính xác và cụ thể…

Việc tổ chức thi đua theo cụm, khối là một sáng tạo của Thành phố mang tên Bác, góp phần tạo nên phương thức thi đua đa dạng, phong phú và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua yêu nước từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để lãnh đạo các cấp, các ngành và địa bàn cơ sở nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; trong huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân tham gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của từng địa phương trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ nhất,  các cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành chức năng của Thành phố cần tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đa dạng, phong phú các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; với đề án “Thành phố thông minh”, với 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai,  chú trọng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; quan tâm công tác phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng và kịp thời tuyên truyền các mô hình, sáng kiến, các nhân tố mới, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sự lan toả rộng lớn trong các cấp, các ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội trên địa bàn Thành phố; tạo sự lan tỏa các tấm gương bình dị mà cao cả, các cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Thứ ba,  tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân tham gia đấu tranh, trấn áp tội phạm” và các hình thức thi đua theo cụm, khối trên địa bàn Thành phố… Theo đó, căn cứ tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để phát động phong trào thi đua theo đợt, đột xuất, tạo đòn bẩy thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của, đơn vị, địa phương nhằm tập trung nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 và dài hạn của Thành phố.

Thứ tư,  tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng; trong đó, khen thưởng phải bám sát phong trào thi đua và trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, đối tượng; đảm bảo việc tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân được chính xác, nhanh chóng, kịp thời, có tác dụng nêu gương trong giáo dục, học tập và làm theo. Đẩy mạnh công tác truyền thông về thi đua yêu nước, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tạo động lực và tinh thần thi đua rộng khắp trong các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố./.

----------------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.444.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.469.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.473.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.444.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.441-442.

 

TS. Nguyễn Đình Quốc Cường

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Theo http://www.tuyengiao.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website