Các bí thư chi bộ tiêu biểu tỉnh Yên Bái được tuyên dương tại buổi lễ. (Ảnh: Hiền Hòa)
Gương mẫu thực hiện các phong trào
Đồng chí Vũ Trung Sẩu, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Quyết Tâm 2, Đảng bộ xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên đã để lại nhiều ấn tượng trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 – 25/9/2018) bởi những thành tích cá nhân gắn với tập thể chi bộ thôn trong việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Hơn 10 năm làm Bí thư chi bộ, luôn nêu gương tiên phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng chí Vũ Trung Sẩu cùng chi bộ thôn đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đưa thôn bản vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên từng ngày đổi mới.
Năm 2004, đảm nhiệm vai trò Bí thư, sau này kiêm Trưởng thôn khi quê hương còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông không thuận tiện, đời sống nhân dân còn nghèo là cả một thách thức lớn đối với đồng chí Vũ Trung Sẩu. Trước tình hình đó, đồng chí Vũ Trung Sẩu đã cùng Chi bộ, Ban công tác mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Để có thể thuyết phục, vận động được bà con chung sức đồng lòng, theo đồng chí Vũ Trung Sẩu: “Không có cách nào khác là phải kiên trì, bền bỉ theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Muốn nghị quyết của Đảng đi vào đời sống nhân dân thì mình là đảng viên phải đi trước, làm trước, luôn tiên phong trong mọi công việc, không quản ngại sớm tối, nắng mưa, gắn bó mật thiết với nhân dân để tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân dân cư”.
Với suy nghĩ ấy, Bí thư Vũ Trung Sẩu đã luôn hết lòng, hết sức nói và làm khiến bà con thôn Quyết Tâm 2 cảm phục mà làm theo. Bản thân đồng chí Sẩu là một tấm gương về phát triển kinh tế hộ gia đình. Gia đình đồng chí hiện có 5 sào ruộng, 3 sào ao đập thả cá, hàng trăm con gà, lợn, dê và 4ha đồi rừng trồng cây quế.
Làm theo đồng chí Bí thư chi bộ, đến nay trên địa bàn thôn Quyết Tâm 2 đã có 374ha quế, bình quân mỗi hộ có 5ha quế cho thu nhập cao. Trồng quế kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo thu nhập ổn định cho người dân, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, 67,8% số hộ trong thôn đã có điều kiện kinh tế khá giả, 25,4% số hộ có giá trị tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thôn giảm còn 6,8%. Với những gia đình đảng viên còn khó khăn, Chi bộ thôn góp quỹ tự nguyện để có nguồn vốn hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế. Nhiều năm liền thôn Quyết Tâm 2 không có người sinh con thứ 3 trở lên, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không có trẻ bỏ học, số học sinh theo học THPT và thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng. Đó là những kết quả đáng mừng mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM mang lại cho đồng bào các dân tộc ở Quyết Tâm 2.
Khi cả nước bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) thì ở thôn Quyết Tâm 2 cũng bắt đầu dấy lên không khí mới. Thôn Quyết Tâm 2 có 60 hộ gia đình và 225 nhân khẩu, có 5 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Dao chiếm 73%. Chi bộ thôn có 13 đảng viên. Với đặc thù của thôn vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc nên Chi bộ thôn cũng phải có những cách làm đặc thù để lãnh đạo nhân dân bước vào xây dựng NTM. Bắt đầu từ việc thay đổi, nâng cao nhận thức để tạo sự đồng thuận trong đảng viên và nhân dân.
Đồng chí đến từng nhà, gặp gỡ từng người để giải thích cho bà con hiểu mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và những việc làm mà cấp ủy, chính quyền đang vận động chính là để phục vụ cuộc sống của bà con. Do vậy, trong quá trình thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhân dân thôn Quyết Tâm 2 đã đồng lòng ủng hộ, nhiều gia đình tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất, tham gia đóng góp nhiều ngày công, kinh phí để xây dựng các công trình cơ bản của thôn, xã. Bà con các dân tộc trong thôn đã chung tay đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn có khuôn viên vườn hoa, sân chơi, trang bị đầy đủ với tổng trị giá 250 triệu đồng. Giao thông trong thôn được cải thiện rõ rệt nhờ mở rộng tuyến đường đất dài 2,5km, mặt đường rộng 4-5m, 500m đường trục chính và 200m đường nhánh được bê-tông hóa, tổng trị giá 920 triệu đồng. Thôn đã xây dựng 4 ngầm tràn qua suối bằng bê-tông cốt thép bảo đảm đi lại cho nhân dân vào mùa mưa lũ.
Diện mạo nông thôn vùng cao được đổi thay ngỡ ngàng khi điện về thắp sáng đường quê và những âm thanh rộn rã từ loa phát thanh trong thôn hay từ các tivi của các hộ gia đình.
Người dân trong thôn cho biết, ngày trước đến sâm sẩm tối là nhà nào biết nhà nấy, ánh sáng từ đèn dầu le lói và đường đi tối tăm khiến con người thu gọn lại. Từ ngày có điện và đường đổ bê tông, mọi khoảng gần lại, mọi người đến chơi nhà nhau nhiều hơn và giao lưu, trao đổi nhiều hơn về những vấn đề thời sự trong thôn.
Một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương đó là việc xây dựng các bãi tiêu hủy rác thải thì ở thôn Quyết Tâm 2, hệ thống bể đốt rác tập trung tại 5 điểm cụm dân cư nhằm bảo vệ môi trường đã được triển khai thực hiện ngay từ đầu và dần tạo nền nếp trong sinh hoạt của dân cư.
Điều đặc biệt ở thôn Quyết Tâm 2 đó là đã làm thay đổi tư duy, nhận thức xây dựng nông thôn mới phải gắn với nếp sống văn hóa mới. Bởi Quyết Tâm 2 còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, đặc biệt trong việc tổ chức tang ma. Trước đây, việc tổ chức tang ma của người Dao luôn khép kín, làm lễ theo phong tục riêng, không cho người Kinh tham dự nên việc tuyên truyền hết sức khó khăn. Với quan niệm mỗi người chết phải được chôn cất theo cách đầu gối lên đỉnh gò, chân hướng xuống khe núi, như vậy con cháu mới được phù hộ làm ăn thuận lợi, không lo ốm đau, bệnh tật. Phong tục đó làm ảnh hưởng lớn đến diện tích đất sản xuất, đến môi trường, nguồn nước và sức khỏe của người dân. Đây là tập quán có từ lâu đời, liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc nên công tác vận động rất khó khăn. Làm sao để thay đổi nhận thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc là một việc rất khó.
Sau nhiều trăn trở, Bí thư Sẩu đã cùng với chi bộ tổ chức nhiều cuộc họp với già làng, thầy mo, thầy cúng, tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín trong thôn để vận động, tuyên truyền cho bà con. Nhờ sự kiên trì, quyết tâm, nhân dân các dân tộc trong thôn đã đồng tình, ủng hộ và tích cực góp công, góp của để xây dựng mới một nghĩa trang chung. Đến nay, tất cả 100 hộ người Dao trong thôn tổ chức tang ma không còn khép kín, đã dùng đòn của người Kinh khiêng quan tài chôn cất, quy tập mộ người chết về nghĩa trang chung. Sự thay đổi này được ví như một “cuộc cách mạng” về nhận thức, góp phần xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu của bà con dân tộc Dao ở địa phương. Đó cũng là một thành công của chi bộ thôn trong công tác dân vận, một kinh nghiệm quý về thu phục lòng dân ở thôn Quyết Tâm 2. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều thôn trong xã như thôn Cá Nội, Cửa Ngòi, Vật Dùng đã đến học hỏi kinh nghiệm của Quyết Tâm 2 để vận dụng ở thôn mình.
Những thành tích chung của thôn Quyết Tâm 2, có sự đóng góp quan trọng của người Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Vũ Trung Sẩu. Theo đồng chí Phí Hùng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thắng, đồng chí Vũ Trung Sẩu là gương bí thư chi bộ tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng chí đã điều hành hoạt động của thôn có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Chi bộ thôn và của Đảng ủy xã, góp phần xây dựng xã Hoàng Thắng đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 8/2018. Với sự đóng góp của đồng chí Sẩu, nhiều năm qua Chi bộ thôn Quyết Tâm 2 được Đảng bộ xã công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh, Bí thư Vũ Trung Sẩu nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.
Nữ Bí thư với tư duy đổi mới
Cũng gặp muôn vàn khó khăn giống như bao nhiêu lãnh đạo các xã khác khi bắt tay vào chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, nhưng đối với một nữ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã vùng cao Việt Thành, huyện Trấn Yên thì mọi việc còn khó khăn gấp bội.
Là một trong số ít những nữ Bí thư được tuyên dương, chị Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành có đóng góp không nhỏ cho phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã và huyện.
Chia sẻ về những khó khăn khi bắt tay vào triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, chị Lụa cho biết, thời điểm đó, xã Việt Thành chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Xác định rõ xây dựng nông thôn mới chỉ có thể thành công, thực sự mang lại ý nghĩa khi Đảng bộ, chính quyền xã có cách làm mới, sáng tạo và đi sâu vào từng thôn, xóm, hộ gia đình. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã phải có sự chủ động, thay đổi tư duy, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2015, Việt Thành chính thức cán đích nông thôn mới - là điểm tựa vững chắc để xã bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, xã đã mạnh dạn quy hoạch thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung gồm: vùng Đồng Phúc với cây quế làm chủ lực; vùng Phú Thọ với thế mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển cây có múi và chăn nuôi; vùng Lan Đình với thế mạnh trồng dâu nuôi tằm.
Là Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã, chị Lụa luôn quan tâm triển khai thực hiện các mô hình bằng các giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương; quan tâm xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đổi mới phương thức lãnh đạo, mở rộng dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Nhờ đó, cải thiện tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 10,5% năm 2011 xuống còn 2,13% năm 2018, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18 triệu đồng năm 2011 lên trên 30 triệu đồng năm 2018.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen cho các Bí thư tiêu biểu. (Ảnh: Hiền Hòa)
Ngoài những tấm gương nêu trên, Đảng bộ Yên Bái đã tuyên dương nhiều đồng chí có thành tích tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Xuân Thanh 16 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ thôn Thái Bình, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình; Vũ Xuân Thủy, 70 tuổi, 15 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ thôn Làng Cần, xã Đại Minh, huyện Yên Bình; Vàng A Sủ - Bí thư Chi bộ thôn Kháo Dê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu; Vàng A Nhà - Bí thư Chi bộ bản Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải… Đó là những tấm gương luôn phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới, đoàn kết, gương mẫu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới...
Các bí thư chi bộ tiêu biểu là những hạt nhân đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, đi đầu trong mọi hoạt động ở cơ sở để lan tỏa, nhân rộng hơn nữa những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.
Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bằng cách làm sáng tạo, nghiêm túc, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những khuyết điểm, hạn chế của các cấp, các ngành và yêu cầu thực tiễn đời sống.
Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên trong Đảng bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về “tư tưởng chính trị”, “đạo đức lối sống” trong cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất trong Đảng bộ và đồng thuận trong nhân dân, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đặt ra.
Tiêu biểu rõ nét và hiện thân sinh động nhất trong học tập và làm theo Bác của Đảng bộ tỉnh trong hơn 3 năm qua chính là 60 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đại diện cho gần 1.550 tập thể và 1.370 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình điển hình học tập và làm theo Bác. Đó là những mô hình đã có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác và hoạt động.
Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Yên Bái có được trong hơn 60 năm thực hiện lời Bác dạy là rất to lớn và tự hào; là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực, vận dụng và tổ chức thực hiện sáng tạo, hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng, trong đó thường xuyên và trực tiếp là các tổ chức cơ sở đảng.
Để thực hiện tốt vị trí, chức năng của chi bộ, thì bí thư chi bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, điển hình trong số đó là 128 đồng chí bí thư chi bộ tiêu biểu đại diện cho trên 3.100 bí thư chi bộ trong tỉnh.
Đây là những bí thư chi bộ luôn gương mẫu, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng ở cơ sở, chèo lái con thuyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống tại cơ quan, địa phương, đơn vị. Đó là những đảng viên ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, một lòng sắt son và luôn tin tưởng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là người chịu trách nhiệm quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân tại cơ sở, cộng đồng./.
Hiền Hòa