Bác Hồ đặt tên cho tờ tin Công an nhân dân vũ trang

trang-18-19-1

Báo Biên phòng với bạn đọc trên biên giới Lào Cai. Ảnh: Trọng Phương

Đồng chí Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy Công an nhân dân vũ trang gọi tôi lên, nói: "Bác Hồ đọc Tin Công an vũ trang, đọc báo Quân đội, báo Tiền phong in chuyện cậu viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ, Bác muốn nghe thêm những mẩu chuyện về anh. Cậu kể thật tỷ mỷ cho mình nghe để mình lên báo cáo với Bác".

Anh Việt nhìn tôi, nói nhỏ nhẹ, tình cảm: "Lý ra cậu được làm việc này. Nhưng vì cậu có hạn chế là chưa phải đảng viên và quân hàm còn thấp nên mình phải làm thay để chịu trách nhiêm với Bác". Lúc ấy, tôi mới là Thượng sĩ. Vào đầu năm 1963, Cục Chính trị giao cho tôi nhiệm vụ lên vùng biên giới Leng Su Sìn, A Pa Chải, huyện Mường Tè, Lai Châu sưu tầm tài liệu viết về gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân của liệt sĩ Trần Văn Thọ để làm điển hình tiêu biểu cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Tôi đã sống ở các bản Hà Nhì 4 tháng để làm việc này.

Tôi kể lại cặn kẽ những chi tiết anh Thọ sống “ba cùng” với bà con. Anh xây dựng cơ sở chính quyền, vận động dân bản bỏ nghiện hút, bỏ trồng thuốc phiện... Khi anh hy sinh sau trận tiễu phỉ, bà con đã để mộ phần anh trên đỉnh núi Leng Su Sìn. Nơi đó người Hà Nhì gọi là hòn ngọc giữa miệng rồng...

Cuối buổi làm việc, Thứ trưởng, Chính ủy Nguyễn Quang Việt nói với tôi rằng, ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang 3/3/1959, Bộ Tư lệnh được Bác Hồ gọi lên báo cáo với Bác nhiều việc lớn khác, Bộ Tư lệnh có xin Bác ra một tờ thông tin để nhằm thông báo tin tức, cổ vũ các chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo tận tụy với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tờ thông tin xin được lấy tên là “Bảo an”, hoặc “Bảo vệ”. Ngồi im lặng một lát rồi Bác Hồ nói: Bảo an, Bảo vệ nghe ra cũng được. Nhưng có điều trong những năm kháng chiến, giặc Pháp lập ra đội quân ngụy và gọi chúng là lính bảo an, bảo vệ. Chúng đã gây ra nhiều tội ác. Nhân dân ta đang có ấn tượng xấu với những cái tên gọi ấy. Các chú dùng từ "Tin Công an nhân dân vũ trang" bên cạnh tờ "Công an nhân dân" là được. Anh Việt cười rất vui: "Từ đấy chúng ta mới có tờ tin mà các cậu đang làm đấy".

“Tin Công an nhân dân vũ trang” những số cuối năm 1959, phát hành theo đường công văn gửi về các đơn vị. Trung đoàn 600 là đội cận vệ bảo vệ Phủ Chủ tịch ở gần nên tờ tin đến sớm nhất. Một lần, phát hành tờ tin được hai hôm thì đồng chí Chỉ huy Trung đoàn 600 lên báo cáo với Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang: Thấy các chiến sĩ bảo vệ đọc tờ tin, Bác cầm lật từng trang xem rồi bảo: “Được đấy. Các chú nói với các anh ở Bộ Tư lệnh gửi cho Bác mỗi số một tờ”.

Ôi, tờ tin bé nhỏ khổ 12x30 in ấn đơn sơ (rô-nê-ô) mà được Bác Hồ quan tâm. Còn niềm vui nào hơn thế. Ban biên tập chúng tôi phấn khởi lắm. Gọi là Ban biên tập, nhưng lúc ấy chỉ có ba người: Anh Tô Ân, Đại úy phụ trách; anh Nguyễn Thân, Thiếu úy và tôi, Hạ sĩ từ Đồn Biên phòng Cầu Treo - Nước Sốt (Hà Tĩnh) về. Anh Thân được giao một tảng đá to bằng mặt khay để ấm chén, in li-tô. Còn tôi giúp việc in và tóm tắt tin từ các bản báo cáo của địa phương. Cuối năm 1959, anh Lương Sĩ Cầm từ Vĩnh Linh ra, anh Sĩ Nho từ Thanh Hoá về, anh Phạm Gia Đức (Mai Thanh) từ Quảng Ninh lên.

Số Tết năm 1960, anh Thân vất vả lắm mới in được cành đào lên trang đầu. Anh viết, vẽ nét trái trên mặt đá rồi áp giấy in tới ba lần mới được cành đào có lá xanh, hoa nở. Chữ "Tin Công an  vũ trang" to trên đầu in li-tô. Tin, bài in rô-nê-ô ở phía dưới. Nội dung chỉ có tin ngắn, mẩu chuyện cảnh giác, gương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ.

Được sự khích lệ quý báu của Bác Hồ, chúng tôi càng hăng say làm việc. Sau đó, tờ "Tin Công an nhân dân vũ trang" được Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh cho in bằng ti-pô 4 trang, khổ 25x35. Mỗi lần tờ tin in xong, trước lúc phát hành, anh Tô Ân giao cho tôi chọn hai tờ đóng gói gửi Trung đoàn 600 chuyển lên kính biếu Bác. Hôm sau, Bác gửi xuống trả lại một tờ và viết lên đầu trang nhất: "Nên gửi một số. Còn một số nữa gửi các chiến sĩ”.

Bác Hồ đã dạy chúng tôi bài học lớn: Phải tiết kiệm, đừng lãng phí, dù một tờ tin nhỏ.

(Ghi theo lời kể của nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên phóng viên tờ Tin Công an nhân dân vũ trang)

Theo Báo điện tử Biên phòng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website