Sau 7 năm thực hiện phong trào tiết kiệm nhằm gây quỹ xây nhà ở cho hộ nghèo theo Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 23-4-2012 của Thị ủy Phước Long, tỉnh Bình Phước về học và làm theo Bác, nhiều hộ nghèo chưa có nhà ở ổn định và thiếu tư liệu sản xuất, trường hợp ốm đau, bệnh nặng được quan tâm chia sẻ kịp thời. Hằng năm, các gia đình khó khăn được hỗ trợ tiền, quà để vui xuân, đón tết. Phong trào được mọi tầng lớp nhân dân thị xã tham gia và đang ngày càng tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng bởi tính nhân văn sâu sắc.
NHỮNG NGÔI NHÀ MƠ ƯỚC
Bà Trần Thị Sáng (1952) ở khu phố 2, phường Thác Mơ là một trong những trường hợp khó khăn được xét hỗ trợ xây nhà đợt đầu tiên (năm 2013) của thị xã. Căn nhà có diện tích 65m2, kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng, trong đó quỹ của Thị ủy Phước Long hỗ trợ 30 triệu đồng; Trung đoàn 770 Cục Hậu cần miền Đông (đơn vị cũ của bà) hỗ trợ 30 triệu đồng, còn lại người thân cho vay mượn thêm.
Trong căn nhà nhỏ vật dụng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, trò chuyện về hoàn cảnh của mình, bà Sáng cho biết: Tôi sinh ra ở Campuchia. Năm 1970, tôi làm nhân viên hậu cần Trung đoàn 770 thuộc Cục Hậu cần miền Đông. Năm 1974, đơn vị chuyển về Bù Gia Mập, tôi được cử đi học y tá, sau đó làm ở đội phẫu tiền phương, phục vụ chiến dịch giải phóng Phước Long và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thống nhất đất nước, tôi chuyển công tác về ngành y tế Phước Long và năm 2008 nghỉ hưu.
Căn nhà của bà Trần Thị Sáng (bìa phải) ở khu phố 2, phường Thác Mơ được xây từ quỹ tiết kiệm vì người nghèo của Phước Long đợt đầu tiên (năm 2013)
Bà Sáng không có đất sản xuất, ở với cha mẹ nuôi và được cho mảnh đất để xây nhà tình thương. “Căn nhà hoàn thành vào cuối năm 2013, đúng dịp chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Ngày bàn giao nhà, Chi bộ khu phố vận động các đảng viên cho tôi mượn 5 triệu đồng để kéo điện thắp sáng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng có nhà ở ổn định, tránh mưa, nắng khi tuổi già, tôi biết ơn Đảng, chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện” - bà Sáng nói.
Cũng tại khu phố 2, phường Thác Mơ, ông Nguyễn Văn Lũng (1965) không giấu được niềm hạnh phúc bởi sau 20 năm vào Nam lập nghiệp, đến nay gia đình ông thoát cảnh ở trọ. Tháng 7-2018, căn nhà được khánh thành, bàn giao cho hộ ông Lũng đưa vào sử dụng. Gia đình ông Lũng có 8 thành viên. Từ khi có nhà mới, cuộc sống gia đình đổi thay, phát triển. Con trai ông được bố trí làm Khu đội trưởng, tổ viên Tổ bảo vệ dân phố, ngoài ra còn tranh thủ đi làm thêm. Vợ chồng ông nhận hạt điều về nhà cạo vỏ lụa để kiếm thêm thu nhập. Ông Lũng bày tỏ: “Kinh tế gia đình quá khó khăn do không có vườn rẫy, không việc làm ổn định, sức khỏe vợ chồng tôi đều yếu. Gia đình đã mua được 100m2 đất từ 5 năm trước nhưng không có tiền xây nhà. Khi được xét hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà tình thương, tôi mừng lắm!”.
Cùng chúng tôi tới thăm một số gia đình được hỗ trợ kinh phí xây nhà ở, ông Trần Đức Vũ, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thác Mơ cho biết: “Đảng ủy phường thẩm định rất kỹ đối tượng và làm tờ trình tham mưu để Thị ủy xem xét phê duyệt kinh phí xây nhà. Vì nguồn quỹ có hạn, trong khi đối tượng khó khăn còn nhiều nên ban điều hành khu phố và chính quyền phường luôn ý thức phải đảm bảo công bằng và đúng ý nghĩa của quỹ”.
TRAO “CẦN CÂU” PHÙ HỢP ĐỐI TƯỢNG
Mỗi người tiết kiệm chỉ 1.000 đồng nhưng nhiều người tiết kiệm cộng lại sẽ có tiền tỷ. Một hộ nghèo cả đời không xây nổi căn nhà nhưng mỗi người chỉ cần ủng hộ 1.000 đồng là cuộc sống của họ được thay đổi. Số tiền thu được của phong trào rất lớn nhưng lớn hơn nữa là tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết cộng đồng vì người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Vì tính nhân văn đó mà thời gian tới, Thị ủy Phước Long tiếp tục triển khai sâu rộng hơn nữa. Kết quả đạt được của phong trào hôm nay như đóa hoa thơm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phước Long dâng Bác dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Bí thư Thị ủy Phước Long NGUYỄN HOÀNG THÁI
|
Gia đình chị Võ Thị Búp (1971) ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang rất khó khăn, là một trong 7 hộ nghèo của khu phố. Chị Búp cho biết: “Vì không có đất sản xuất nên gia đình phải thuê ruộng để cấy lúa. Nếu thuận lợi, mỗi năm làm 2 vụ thì đủ ăn, năm nào khô hạn chỉ làm được 1 vụ hoặc bị sâu bệnh hại thì thiếu đói giáp hạt”.
Năm 2016, Chi bộ khu phố Sơn Long đề nghị cấp trên hỗ trợ gia đình chị 1 con bò giống. Nhờ chăm sóc tốt nên bò vừa giải quyết sức kéo để làm ruộng và còn sinh bê. Gia đình đã bán 2 con bê được 29 triệu đồng mua máy xới làm phương tiện sản xuất, lo cho con ăn học. Hiện bò mẹ đang mang thai và có thêm 1 con bê 1 năm.
Ở cùng khu phố Sơn Long, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (1968) bị bệnh tim và động kinh cũng được tặng 1 bò giống. Sau 4 năm, bò sinh 4 con, bán được 39 triệu đồng. Nhờ vậy, chị Hà có điều kiện chữa bệnh và trang trải cuộc sống. Chị Hà cho biết: “Sức khỏe yếu không làm được việc nặng, có đàn bò để chăn nuôi rất phù hợp với hoàn cảnh của tôi. Nếu chăm sóc tốt thì nhân đàn nhanh và từng bước giảm khó khăn cho gia đình”.
“GÓP GIÓ THÀNH BÃO”
Theo Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 23-4-2012 về thực hành tiết kiệm để xây nhà cho người nghèo, Thị ủy Phước Long đã phát động cán bộ, đảng viên, công nhân viên mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng trở lên; đoàn viên, hội viên mỗi ngày tiết kiệm 500 đồng trở lên bằng cách nuôi heo đất. Sau 7 năm thực hiện, tính đến tháng 12-2018 được hơn 4,4 tỷ đồng (gồm tiền thực thu và tiền lãi gửi ngân hàng). Đến tháng 4-2019, các đơn vị liên quan đã chi hỗ trợ xây mới 48 căn nhà, sửa chữa 9 căn cho hộ nghèo; hỗ trợ 4 con bò giống cho 2 gia đình; hỗ trợ đảng viên khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ và quà tết tặng hộ nghèo với tổng trị giá 2,76 tỷ đồng.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy cho biết: Việc thu, chi, quản lý, cấp và sử dụng Quỹ “Thực hành tiết kiệm vì người nghèo” được thực hiện nghiêm túc, số tiền thu đạt cao, hình thức hỗ trợ triển khai nhanh, đúng đối tượng. Qua đó đã góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nghèo theo đúng kế hoạch.
Quang Minh
Theo http://baobinhphuoc.com.vn