Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” do Phòng GD&ĐT huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức vừa qua là một trong những hình thức tuyên truyền bổ ích, góp phần lan tỏa tinh thần học tập, làm theo Bác trong thanh, thiếu niên.
Yến Vy với câu chuyện “Bác chỉ muốn các cháu được học hành”.
Hội trường UBND huyện Kim Bảng ngày diễn ra hội thi trở nên nhộn nhịp, tấp nập. Từ sớm, các em học sinh đã quây tròn thành từng nhóm, có em say sưa nhẩm lại câu chuyện, có em chăm chú chỉnh lại vạt áo kaki, chiếc mũ cát, đôi dép cao su… cho bạn, có tốp lại tranh thủ tập qua vài động tác múa… Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” huyện Kim Bảng năm 2019 vòng chung kết có sự tham dự của 6 thí sinh đã xuất sắc vượt qua hội thi cấp cụm, bao gồm các Trường Tiểu học: Tân Sơn, Tượng Lĩnh, Nhật Tân, Thanh Sơn và các Trường Trung học cơ sở Đại Cương, Thi Sơn.
Tại hội thi, mỗi thí sinh trải qua hai phần thi dưới hình thức sân khấu hóa. Trong phần thi kể chuyện, mỗi thí sinh lựa chọn kể một câu chuyện về Bác Hồ (đã được duyệt đăng trên sách báo, tạp chí) xoay quanh chủ đề về đạo đức, lối sống giản dị, tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng và các tầng lớp nhân dân.
Với phần thi trả lời câu hỏi phụ, các thí sinh (thông qua hình thức bốc thăm trả lời câu hỏi) thể hiện sự tìm tòi hiểu biết của mình về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ hoặc chia sẻ sự vận dụng của bản thân từ những bài học đạo đức và lời dạy của Bác vào thực tế học tập, rèn luyện, tu dưỡng, sinh hoạt hằng ngày.
Phần thi kể chuyện - nội dung chính của cuộc thi thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo khán giả. Nhiều câu chuyện giản dị về Bác Hồ với thiếu nhi, với các tầng lớp nhân dân được các bạn học sinh lựa chọn truyền tải như: “Tình yêu của Bác dành cho những khúc dân ca”, “Bác Hồ với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng”, “Bác Hồ đến thăm người nghèo”, “Bác chỉ muốn các cháu được học hành”, “Ai ngoan sẽ được thưởng”, “Niềm vui bất ngờ”…
Sinh thời, Bác Hồ rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc các cháu nhỏ. Bác thường viết thư thăm hỏi, động viên các cháu nhỏ trong ngày tựu trường, Tết Trung thu. Bác thường đến thăm các cháu thiếu niên, nhi đồng để tìm hiểu cuộc sống, việc học hành của các cháu. Đi đâu, Bác cũng để dành phần kẹo, bánh chia cho các cháu. Đối với thiếu niên, nhi đồng, hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn là nguồn cổ vũ, động viên trong mỗi việc làm, trong từng bài học, chắp cánh cho những ước mơ cao đẹp về tương lai, cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.
Có rất nhiều câu chuyện thể hiện tình yêu thương của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng, trong đó câu chuyện “Bác chỉ muốn các cháu được học hành” của đội thi Trường Tiểu học Nhật Tân mang đến hội thi là một trong những câu chuyện kể giản dị mà xúc động. Chuyện kể rằng: Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội, trên đường đi công tác, Bác vào thăm một thôn nhỏ. Trong câu chuyện giữa Bác và em bé (chừng 5, 6 tuổi tên là Chiến), cháu bé có hỏi Bác: “Bác ơi, cháu lớn lên có còn giặc để đánh không ạ?”. Nghe Chiến hỏi, Bác cúi xuống thơm lên trán cháu rồi nhẹ nhàng bảo rằng: “Bác chỉ muốn các cháu được học hành, lớn lên xây dựng đất nước”. Câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng mang theo ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nói lên mong muốn lớn nhất của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi là được sống trong hòa bình, độc lập, tự do.
Câu chuyện giản dị mà sâu sắc đó được em Nguyễn Thị Yến Vy (lớp 5A, Trường Tiểu học Nhật Tân) kể lại, xuất sắc đạt giải Nhì chung cuộc và giải phụ “Thí sinh có phần kể chuyện hay nhất”. Với chất giọng nhẹ nhàng, đầm ấm, Yến Vy dẫn dắt người nghe tới với những miền cảm xúc sâu lắng, nhận thức sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về tấm lòng nhân hậu của Bác, hết lòng chăm lo cho các thế hệ tương lai của đất nước.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho hội thi, Yến Vy cho biết: Em đã đọc nhiều câu chuyện về Bác Hồ, bởi vậy khi biết đến hội thi em rất vui mừng và mong muốn được tham gia. Em nghiền ngẫm câu chuyện “Bác chỉ muốn các cháu được học hành” nhiều lần không chỉ để thuộc lòng mà còn để hiểu sâu hơn về ý nghĩa của từng câu nói của Bác Hồ. Từ đó, em biết mình cần nhấn mạnh vào chi tiết nào, thể hiện tình cảm của Bác ra sao… trong lời kể của mình.
Mỗi câu chuyện các thí sinh thể hiện tại hội thi là một bài học về nhân cách sáng ngời, lối sống giản dị, tinh thần đoàn kết, gần gũi, yêu thương, chia sẻ với mọi người, những lời dặn dò, tình cảm đặc biệt của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng… Các thí sinh đã dành trọn tình cảm của mình đối với Bác thể hiện qua câu chuyện kể thu hút sự lắng nghe và mang đến niềm xúc động cho các khán giả.
Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối cuộc thi, đôi khi anh Hồ Văn Tuyên (xã Đại Cương) còn lấy điện thoại chụp ảnh, quay video lại những phần thi ấn tượng. Anh Tuyên nhận định: Các thí sinh kể chuyện bằng chính tình cảm kính yêu Bác và sự trân trọng, tự hào của bản thân chứ không đơn thuần là đọc thuộc lòng hay diễn lại một câu chuyện có sẵn. Bản thân là một phụ huynh có con tham gia hội thi, anh Tuyên chia sẻ: Hội thi có tính tuyên truyền, giáo dục cao, là sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực, có ý nghĩa, giúp các con có thêm cơ hội được chủ động tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ kính yêu, từ đó rút ra cho bản thân nhiều bài học quý báu.
Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, đồng thời khơi dậy trong thiếu niên, nhi đồng tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu; động viên, khích lệ các em tích cực chăm ngoan, học giỏi, thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.
Nguyễn Khánh
Theo https://www.baohanam.com.vn