Hồ Chí Minh trong trái tim chúng ta

Việt Nam trong quá trình phát triển của mình có hướng đi tiên tiến, tiếp thu được từ thực tiễn thế giới, song không xa rời các nguyên tắc quốc gia cơ bản, mà một trong những số đó chính là tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh, những yếu tố mang những giá trị nền tảng. Sức sống của Việt Nam hôm nay được vun đắp bởi những hành động cụ thể và hiệu quả, tập trung vào tư tưởng, đạo đức và phong cách của lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Một quốc gia có mục tiêu tự lực rõ ràng, và hướng tới sự phát triển tiên tiến của thế giới, mà không khuất phục bất kỳ ai sẽ có một tương lai rộng mở. Tôi nghĩ Việt Nam chính là một đất nước như vậy. Bởi, Việt Nam có những văn kiện đặc biệt (Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đưa ra được phương hướng, giúp người dân vận dụng trong cuộc sống xã hội hằng ngày. Trong nhiều năm qua, Việt Nam tích cực vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các văn kiện này giúp người dân tìm ra các phương pháp làm việc mới, thúc đẩy sáng kiến và thực hiện một cách có tổ chức, để giải quyết các vấn đề quốc gia và xã hội ở cả Trung ương và địa phương. Cuộc đời của Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho mỗi người ở tất cả các nước trên trái đất này.

Với mỗi dân tộc và đất nước, củng cố không ngừng hệ tư tưởng chính trị đóng vai trò quan trọng, là công cụ chính để bảo vệ lý tưởng của quốc gia. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại chính là một thí dụ điển hình. Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam là vô giá. Nhân loại không có nhiều nhà lãnh đạo tận tụy như vậy. Người con của dân tộc Việt Nam không chỉ là lãnh đạo của Việt Nam, mà cả Đông Dương. Người mang tầm vóc nhân loại và tầm tư duy thế giới. Con đường phát triển ngày nay của Việt Nam hoàn toàn phù hợp những thiết lập của Hồ Chí Minh.

Chính quyền làm việc vì lợi ích của người dân và tương lai của đất nước, luôn kịp thời vạch trần những kế hoạch đen tối của kẻ thù. Chính chính quyền với những tôn chỉ như vậy đã cứu được người dân, lịch sử, văn hóa và di sản hàng thế kỷ của tổ tiên họ. Và vì vậy, người dân của đất nước đó luôn coi trọng chính quyền và các lãnh đạo của họ. Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo sáng suốt và có tầm nhìn xa như vậy. Người cùng các đồng chí của mình đã tập hợp nhân dân và đất nước để thoát khỏi không chỉ tư tưởng phong kiến mà còn cuộc xâm lược quân sự vi phạm luật pháp quốc tế của đế quốc Mỹ.

Liên Xô trước đây, mà trong đó có Kazakhstan và các nước cộng hòa khác của không gian hậu Liên Xô, đã hỗ trợ Việt Nam trong chiến tranh bằng cách cung cấp các thiết bị quân sự và chuyên gia. Người dân Việt Nam luôn biết ơn sự giúp đỡ chí tình này.

Ở nước Kazakhstan chúng tôi có cụ Flyur Taziev 90 tuổi, Trung tá về hưu, cựu chiến binh lực lượng vũ trang, huấn luyện viên phi công quân sự hạng nhất, người được trao Huân chương Cờ đỏ và 14 huy chương của Liên Xô. Năm 1960, cụ Taziev từng trong nhóm không quân được cử tới Việt Nam để từ đó hỗ trợ người dân Lào trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thành lập một quốc gia dân chủ. Khi tới Hà Nội, nhóm quyết định triển khai lực lượng tại sân bay Gia Lâm. Phía Việt Nam cũng cấp các hỗ trợ vật chất và kỹ thuật cho những chuyến bay đến Lào. Trong những năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm sân bay Gia Lâm và bày tỏ lòng biết ơn các chuyên gia Liên Xô. Flyur Taziev đã thực hiện 197 chuyến bay chiến đấu với tổng cộng 591 giờ bay tại Lào và Việt Nam. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, Việt Nam luôn nhớ đến những anh hùng Liên Xô cũ đã góp phần cho cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.

Nhiều lần trong các bài phát biểu của mình ở nhiều nước khác nhau tôi đã nhấn mạnh rằng, ý chí và sức mạnh mà người Việt Nam có được là tấm gương sáng cho những ai trân trọng dân tộc và đất nước họ. Một nước Việt Nam đa dân tộc đang chứng minh cho tất cả thấy cách cần bảo vệ lợi ích của mình trước các cường quốc thế giới như thế nào. Tôi hoan nghênh những nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Và chính hôm nay, lãnh đạo của Việt Nam, Ngài Nguyễn Phú Trọng, người kế thừa những công cuộc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng những chính sách của mình đang cho thế giới thấy một đất nước của sự thịnh vượng, hạnh phúc, đoàn kết và yêu hòa bình.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chuyên gia Liên Xô năm 1960-1961. (Ảnh tư liệu)

Năm 2012, tôi là nhà văn Kazakhstan đầu tiên được chính thức mời tham gia chuyến đi tìm hiểu đất nước Việt Nam, theo lời mời của Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan khi đó, ông Vũ Thế Hiệp. Nhờ chuyến đi mà tôi khai phá cho bản thân một thế giới mới, một đất nước mới. Cũng từ tám năm trước, tôi đã nhận ra những bước phát triển của Việt Nam không chỉ ở Đông Dương, mà còn trên thế giới. Tôi bị ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp của màu xanh diệu kỳ và sự hưng thịnh của đất nước các bạn. Tôi ngưỡng mộ và ngạc nhiên trước sự thân thiện, yên bình trong cuộc sống hằng ngày của người Việt. Dù là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành khác từng đi qua, tôi chưa gặp điều gì tiêu cực.

Ở Việt Nam, giới trẻ tiên tiến và ham học hỏi, với văn hóa giao tiếp cao. Con gái tôi từng học 5 năm ở Việt Nam, đã kể rằng, trong suốt thời gian đó, con gái tôi chưa từng thấy một cuộc ẩu đả hay cuộc thách đấu nào giữa những người trẻ tuổi trên đường. Nếu nhà thơ Pushkin nổi tiếng với câu “Mở cửa sổ tới châu Âu”, thì tôi lại quyết định “Mở cửa sổ tới phương Đông”. Có lẽ tôi là người đầu tiên trong lịch sử Kazakhstan, mà có khi là của cả các nước Trung Á, gửi con gái sang Việt Nam du học. Con gái tôi đã tốt nghiệp thành công Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Sách của tôi có được một vị trí trang trọng trong Thư viện Quốc gia Việt Nam. Tôi hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam mời tham dự Liên hoan Văn học quốc tế tại Hà Nội. Hai lần, cùng với các nhà văn thế giới, tôi vinh dự được tiếp đón tại Phủ Chủ tịch. Năm 2011, tại Kazakhstan, theo sáng kiến của Đại sứ Vũ Thế Hiệp, lần đầu tiên tại Trung Á (bao gồm cả các dân tộc Turk và thế giới Hồi giáo) một cuốn sách của Ngài Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản bằng tiếng Kazakhstan và đó là bản dịch của tôi. Sau đó, năm 2015, tôi đã dịch cuốn sách Việt Nam thứ hai sang tiếng Kazakhstan, là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cuốn sách đã gây hiệu ứng tích cực và lan tỏa đối với độc giả Kazakhstan. Chỉ có một dân tộc vĩ đại mới có thể sinh ra những anh hùng vĩ đại như vậy.

Kazakhstan và Việt Nam đang có những triển vọng tốt đẹp để phát triển quan hệ song phương, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa và giáo dục, bởi mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Từ thời Liên Xô cũ, hai dân tộc chúng ta trong nhiều thập kỷ đã hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học và nghệ thuật.

Một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia phát triển hoặc đang phát triển ở lục địa châu Á, nơi đóng vai trò ngày càng quan trọng trong môi trường chính trị toàn cầu. Trong số các quốc gia này, Việt Nam chiếm một vị trí và vai trò rất đặc biệt. Đại sứ quán hai nước chúng ta đang tích cực hoạt động để đưa hai quốc gia gần nhau hơn.

Bakhyt Rustemov là nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà hoạt động quốc tế người Kazakhstan. Ông là Viện sĩ Viện Truyền hình và phát thanh quốc tế Á-Âu (EATR), đồng Chủ tịch Ủy ban Văn học Hội đồng các dân tộc Á-Âu. Rustemov từng nhận nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có các giải thưởng văn học. Năm 2018, ông nhận Kỷ niệm chương của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. 

BAKHYT RUSTEMOV (KAZAKHSTAN)

XUÂN HƯNG (lược dịch)

  Theo https://www.nhandan.com.vn 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website