Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Junge Welt (Thế giới trẻ) của Đức ngày 19/5 đã đăng bài viết rất sâu sắc của nhà báo Hellmut Kapfenberger, trong đó ca ngợi nhân cách, trí tuệ tuyệt vời của Hồ Chủ tịch, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Bài đăng trên báo Junge Welt của Đức (Ảnh: baotintuc.vn).
Bài báo gồm khoảng 2.700 chữ, trong đó phần đầu là các nghiên cứu của tác giả cũng như một số đánh giá của các chính khách, nhà sử học và nhà nghiên cứu thế giới về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở phần sau, tác giả điểm lại vắn tắt quá trình người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, sau đó về nước tiếp tục kháng chiến, đọc bản tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó triển khai các chính sách tái thiết, xây dựng đất nước.
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại sự kiện ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, một người trung niên dáng người mảnh khảnh với chất giọng mạnh mẽ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - văn kiện đã đi vào lịch sử - trước khoảng một triệu người đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp. Đó là Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ đã được thừa nhận trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, người mà chỉ 4 năm trước phải về nước trong bí mật.
Theo tác giả Kapfenberger, khi ở tuổi 21, với hoài bão mở rộng kiến thức để tìm ra câu trả lời cho những bất công trong vấn đề thuộc địa, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tới các nước trên thế giới để tìm kiếm lời giải và 35 năm sau khi trở lại, người thanh niên ấy được giao giữ chức vụ cao nhất của đất nước.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Tự do - Bình đẳng – Bác ái" không phải là một khẩu hiệu đơn thuần mà điều đó xuất phát từ suy nghĩ về sự chung sống hòa bình, hạnh phúc giữa các dân tộc, và đó là điều mà Người theo đuổi cả cuộc đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu với việc giải phóng dân tộc, vững tin vào sự đoàn kết giữa những dân tộc bị áp bức trên thế giới và tương lai của giai cấp vô sản. Ông Jean Sainteny, nhà đàm phán của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle năm 1953, viết rằng ông ấn tượng về tính cách nổi bật với một khuôn mặt toát lên sự thông minh, khéo léo ngay từ lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Sainteny, với kiến thức và hiểu biết sâu rộng, khả năng làm việc đáng kinh ngạc và lòng vị tha, Hồ Chí Minh đã được nhân dân đặc biệt tôn trọng và yêu mến.
Kinh nghiệm bản thân và sự cởi mở với thế giới, khả năng giáo dục tuyệt vời, sự nhân văn, ấm áp, khiêm tốn, giản dị và lòng trung kiên đã tạo nên những tính cách khiến Hồ Chí Minh trở thành nhân cách đặc biệt. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một bậc thầy về khả năng ngoại ngữ, rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Trung, Nga, Anh, Thái Lan, Bồ Đào Nha và Đức. Thế hệ những người sống giữa thế kỷ trước trên thế giới chắc chắn không thể không biết đến Hồ Chí Minh và di sản của Người vẫn tiếp tục sống mãi ở Việt Nam.
* Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí Cuba và khu vực Mỹ Latinh cũng đã đăng tải nhiều tin bài tôn vinh tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Người đối với nhân dân Việt Nam cũng như thế giới. Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba đã đăng bài viết “Một ngày 19/5 của José Martí và Hồ Chí Minh” của nữ tác giả Marta Rojas, cựu phóng viên chiến trường tại Việt Nam và là nhà báo nước ngoài cuối cùng phỏng vấn Bác.
Nhà báo lão thành Cuba đã nhấn mạnh tới những điểm tương đồng giữa hai nhà tư tưởng và giải phóng lỗi lạc của hai dân tộc anh em, không chỉ ở khía cạnh cột mốc ngày tháng (José Martí hy sinh ngày 19/5/1895), mà còn ở tư tưởng phát huy đại đoàn kết làm nền tảng giải phóng dân tộc, cũng như con đường cách mạng đi từ đấu tranh tư tưởng (cho ra đời báo chí cách mạng), chính trị (thành lập các chính đảng cách mạng) cho tới hành động (đấu tranh vũ trang chống thực dân).
Dưới tiêu đề “Hai vị anh hùng gần với Mặt trời”, tuần báo “Trabajadores” (Người lao động) cũng chỉ ra những nét tương đồng giữa vị “cha già dân tộc” của Việt Nam và người duy nhất được tôn vinh với danh hiệu chính thức Anh hùng Dân tộc của Cuba, từ khát vọng độc lập, tự do, khả năng lãnh đạo lôi cuốn cho tới trí tuệ siêu việt trong việc diễn giải chính xác thực tiễn của mỗi nước và đề ra con đường giải phóng dân tộc phù hợp, thậm chí là cả khả năng sáng tác văn chương và những tác phẩm bất hủ để lại.
Các cơ quan báo chí Cuba cũng đồng loạt đăng tải điện mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhân cột mốc đáng nhớ này, trong đó nhấn mạnh tình hữu nghị chân thành và không thể phá vỡ giữa hai đất nước, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro, là “một tấm gương thực sự cho thế giới, nhất là khi nhân loại đang cần tới tình hữu nghị và hợp tác để đương đầu với đại dịch hiện tại”.
Cũng trong ngày 19/5, một số phương tiện truyền thông đại chúng có quy mô khu vực tại Mỹ Latinh đã đăng tải những bài viết tôn vinh giá trị trường tồn của tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyệt san “Resumen Latinoamericano” (Tổng hợp Mỹ Latinh) đăng bài viết “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Hồ Chí Minh: Những tư tưởng và quyết định chiến đấu của Người vẫn sống trong lòng các dân tộc trên thế giới”, trong đó có đoạn viết “Nói tới Việt Nam hôm nay là nhớ tới một trong những kỳ tích của lịch sử đương đại. Đó là kỳ tích của lòng quyết tâm, niềm tin vào lý tưởng và sự dẫn dắt của một chính đảng mà trong nhiều thập kỷ, đã biết vượt qua nhiều giai đoạn và hình thái khác nhau của chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Chiến công đó thuộc về cả một dân tộc, nhưng trong tất cả những ngôi sao thắng lợi, ngôi sao sáng chói nhất thuộc về nhà đấu tranh phi thường trong lịch sử - Hồ Chí Minh, hay Bác Hồ kính yêu của nhân dân Việt Nam”.
Trong khi đó, cổng thông tin điện tử của kênh truyền hình Nam Mỹ TeleSur có bài viết về tầm quan trọng của hình tượng Hồ Chí Minh trong lịch sử thế giới, với nhận định: “Hồ Chí Minh được nhớ tới như một trong những nhà lãnh đạo sáng suốt và hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh xã hội chủ nghĩa, và cũng là một trong những nhà phát minh thông thái nhất của sự nghiệp này… Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam và di sản của Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho các dân tộc bị chiếm đóng và gánh chịu bạo lực quân sự”./.
Mạnh Hùng - Lê Hà/TTXVN