Sự nghiệp đổi mới ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là tiếp nối lịch sử chiến thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, đất nước ta đang phải đối mặt với những thách thức, nguy cơ lớn như Đại hội giữa nhiệm kỳ (khóa VII) đã chỉ ra vẫn đang tồn tại. Nhân kỷ niệm 50 năm công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để vận dụng giá trị vào thực hiện thắng lợi mục tiêu như trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định là hết sức cần thiết.
Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra rất quyết liệt. Ngay câu văn đầu tiên của bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”, “Đó là một điều chắc chắn”.
Tư tưởng bản Di chúc là một cương lĩnh, một định hướng chính trị cho cách mạng nước ta nói chung và trước hết là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhiều vấn đề, đến các lực lượng xã hội khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Là một cương lĩnh chính trị nhưng trình bày dưới hình thức của một bản Di chúc, cho nên có ý nghĩa như một lời “hịch, lời hiệu triệu” vang vọng non sông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ngôn từ với tính nghệ thuật cao để cổ vũ, kích thích tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Cùng với cách diễn đạt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những cụm từ “nhất định” ở từng phương diện để làm tăng thêm tính tất yếu chiến thắng một cách mạnh mẽ.
Những cụm từ “…nhất định thắng lợi hoàn toàn”, “…nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn, “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, “Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp” là những “mệnh lệnh thức” khẳng khái một chân lý thời đại, của dân tộc.
Giá trị của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tạo dựng động lực, sức mạnh từ đoàn kết toàn dân tộc trong sự nhiệp đổi mới hiện nay. Tư tưởng về đoàn kết là một trong những nội dung xuyên suốt bản Di chúc và có giá trị trường tồn đối với định hướng tạo dựng, củng cố, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Tư tưởng về đoàn kết trong bản Di chúc được tập trung chủ yếu vào xây dựng đoàn kết trong Đảng.
Vấn đề đầu tiên trong bản Di chúc là: “Trước hết nói về Đảng” và trong đó vấn đề “đoàn kết” được nêu trước hết, đồng thời được đề cập đến “5 lần”, mỗi lần gắn với một nội dung cụ thể như: Nhờ đoàn kết…; Đảng ta đã đoàn kết…; Đoàn kết là một truyền thống…; Giữ gìn sự đoàn kết…; Phát triển sự đoàn kết…”. Mặc dù mỗi lần đề cập đến đoàn kết gắn với mỗi nội dung cụ thể, nhưng cùng hướng đến mục tiêu: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Thật trong sạch…, thật trung thành… cho thấy chữ “thật” được nhắc hai lần trong một câu văn càng thể hiện rõ sự đánh giá tầm quan trọng của xây dựng sự đoàn kết trong Đảng ta.
Hiện nay, nghiên cứu tư tưởng đoàn kết, đoàn kết trong Đảng như bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, càng thấy tầm vóc định hướng sát với thực tiễn Cách mạng hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Với lương tâm, danh dự của người đảng viên cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải suy ngẫm về vấn đề đoàn kết hiện nay.
Tình trạng “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” trong một số cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay như một biểu hiện của xa rời định hướng tư tưởng của bản Di chúc về vấn đề đoàn kết trong Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đánh giá đúng thực trạng; cảnh báo nguy cơ và có những biện pháp khắc phục một cách cụ thể. Thực chất là tiếp nối, cụ thể hóa tư tưởng của Người về đoàn kết trong bản Di chúc vào thực tiễn một cách cấp bách, sát thực.
Sự đúng hướng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhưng kết quả thực hiện cũng chưa thật theo mong muốn, cho nên Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI” Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, NXB CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 198 - 199. Tiếp đến là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) với phương hướng: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ”, được hiểu như một bước cụ thể hóa tinh thần xây dựng sự đoàn kết, sự trong sạch của Đảng từ “Trung ương đến các chi bộ…” trong tình hình mới. Yêu cầu cán bộ cấp chiến lược thực hiện “nêu gương” trong thực hiện đoàn kết, rèn luyện đạo đức cách mạng là cơ sở cho các tổ chức khác trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp theo định hướng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của Người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn định hướng biện pháp thực hiện đoàn kết trong Đảng hiện nay. Bản Di chúc ghi rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Tư tưởng trên cho thấy, bản Di chúc đánh giá rất cao, tính ưu việt của biện pháp tự phê bình và phê bình đối với thực hiện đoàn kết trong Đảng và các tổ chức xã hội khác. Tư tưởng này nổi lên quan hệ giữa mục tiêu đoàn kết, tạo dựng sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc với phương pháp, biện pháp thực hiện đoàn kết trong Đảng là thực hành dân chủ; là tự phê bình và phê bình một cách cụ thể.
Nghiên cứu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về biện pháp thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình càng thấy thấm thía giá trị định hướng của bản Di chúc trong tình hình hiện nay. Giá trị ấy đã được Đảng ta vận dụng và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với thực hành dân chủ, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Bản Di chúc từ ngày công bố đến nay đã vượt qua 50 năm, nhưng giá trị định hướng cho xây dựng Đảng trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân vẫn còn mang tính thời sự, cấp bách.
Nghiên cứu bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy tầm vóc tư tưởng của Người có sức sống vượt thời gian đối với dân tộc ta nói chung và công tác xây dựng Đảng ta nói riêng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu nghiêm túc, quán triệt sâu sắc, đồng thời suy ngẫm và chuyển hóa vào tình cảm, thái độ, động cơ, đặc biệt phải chiến thắng những cám dỗ của vấn đề lợi ích cá nhân; sẵn sàng cống hiến hy sinh cho nhân dân và cho Đảng trong bối cảnh hiện nay.
TS Tạ Thị Ngọc Lan - Khoa Triết học, Học viện Chính trị Công an nhân dân
Theo http://cand.com.vn