Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm sâu nặng với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Ghi nhớ lời căn dặn của Bác, cộng đồng dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hôm nay luôn đoàn kết, ra sức tăng gia sản xuất để mọi người cùng được ấm no.
Trên mảnh đất lịch sử và huyền thoại
Trong chiến tranh, phong trào “Hũ gạo kháng chiến” mà Bác Hồ phát động đã được đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo hưởng ứng tích cực, đóng góp lượng gạo lớn từ những lon gạo nhỏ của người dân để nuôi quân đánh giặc.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, nam thanh, nữ tú người S’tiêng như Điểu Beo, Điểu Lết, Điểu Briêng, Điểu Lúp, Điểu Siêng, Thị Cát, Điểu Lên... là những người dũng cảm, mưu trí, kiên cường cùng đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo đùm bọc, ngày đêm giã gạo nuôi quân, giúp đỡ cách mạng. Và bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã đi vào lịch sử, vào lòng người như một huyền thoại.
Đội cồng chiêng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Già làng Điểu Lên - Dũng sĩ diệt Mỹ, cho biết: Ngày đó, Căn cứ Nửa Lon ở trong rừng là căn cứ cách mạng chiến lược của toàn tỉnh Phước Long. Giữ được Căn cứ Nửa Lon là bảo vệ được cách mạng. Nhiều lần bọn Mỹ - ngụy cho quân đổ bộ hòng xóa tan căn cứ này nhưng được sự đùm bọc chở che của người dân Bom Bo nên căn cứ vẫn vững vàng kiên trung. Mỹ - ngụy càng tàn phá thì bà con càng đoàn kết, bám trụ để làm chỗ dựa cho cách mạng như lời kêu gọi của Bác Hồ.
Ngày nay, trên mảnh đất lịch sử và huyền thoại ấy là những vườn điều, cao su, cà phê bạt ngàn. Đồng bào đã bám đất, bám vườn với những biện pháp khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, cuộc sống đã dần đổi thay. Đặc biệt hơn là tình đoàn kết một lòng, luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua xây dựng Bom Bo ngày một giàu đẹp.
Xây dựng Bom Bo giàu đẹp
Thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ là đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, thời gian qua không chỉ đồng bào ở Bom Bo, Bù Đăng quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương ngày một giàu mạnh mà đời sống đồng bào S’tiêng và các dân tộc khác trong toàn tỉnh đã có sự chuyển biến khá rõ nét. Bên cạnh sự nỗ lực của đồng bào, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Khi chính sách về tới thôn, sóc, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã thực sự thay đổi lớn về nhận thức, về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình.
Mảnh đất Bom Bo thân yêu đang là nơi sinh sống của 370 hộ với hơn 1.790 người, trong đó gần 96% là người DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Điều đáng quý, thời gian qua, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân luôn vượt qua khó khăn, đoàn kết, gắn bó, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Mặc dù địa hình đồi dốc, đất rộng, người dân sống phân tán nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng từ trung tâm hành chính xã đến tận các thôn đã cơ bản hoàn chỉnh, khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân chuyển biến tích cực.
Hầu hết người dân thôn Bom Bo hôm nay đều đã áp dụng mô hình đa cây, đa con nên đã hạn chế tối đa rủi ro trong sản xuất, cũng nhờ đó mà cuộc sống người dân ổn định, việc huy động, vận động đóng góp trong dân dễ dàng hơn. Từ năm 2018 đến nay, người dân thôn Bom Bo đã đóng góp hơn 700 triệu đồng, hơn 1.000 ngày công để sửa chữa, làm mới 3 cây cầu dân sinh; đặt cống thoát nước và san ủi mặt bằng đoạn đường dài 800m; làm mới 2km đường bê tông xi măng; đang làm mới 700m đường bê tông xi măng đoạn nối từ đường nhựa Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đi vào ngã ba cầu Đắk Lung.
Trở thành xã nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Bom Bo đã nâng lên. Ý thức, nhận thức của người dân có thay đổi căn bản, không ỷ lại, không trông chờ vào Nhà nước. “Đảng viên trẻ đều là những cán bộ chủ chốt tham gia công tác trong bộ máy chính quyền xã, thôn, đã và đang góp phần tích cực vào việc đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng được nhanh hơn, hiệu quả hơn” - Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh Trần Ngọc Thiện đánh giá.
Điểu Lành
Theo https://baobinhphuoc.com.vn