Vinh dự được hai lần đón Bác Hồ về thăm, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng An (Hưng Hà, Thái Bình) luôn khắc ghi lời dạy của Người, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Bia đá ghi dấu trận lụt lịch sử năm 1945 và hai lần Bác Hồ về thăm tại xã Hồng An (Hưng Hà).
Mãi nhớ lần Bác về thăm
Về Hồng An một ngày cuối tháng 11, nhìn tấm bia đá tại km143+200 trên đê Đìa, chúng tôi càng hiểu hơn nỗi đau thương mà người dân nơi đây phải chịu trong trận lụt lịch sử năm 1945. Nơi đặt tấm bia cũng là nơi in dấu chân Bác Hồ trong hai lần Người về thăm Hồng An.
Ở tuổi ngoài 90, ông Trần Hữu Hán, thôn Việt Thắng vẫn nhớ, vẫn kể về lần được gặp Bác: Rạng sáng ngày 21/8/1945, khi lũ lên cao thì đê Đìa xuất hiện nhiều mạch sủi, các mạch nước đã phá đê vỡ tung một đoạn dài khoảng 200m. Mọi người ra sức ngăn dòng nước lại nhưng nước đã nhấn chìm nhà cửa, làng mạc. Nhiều người không kịp di tản phải trèo lên cây, lên mái nhà tránh nước.
Nhớ lại ngày Bác Hồ về thăm, động viên dân làng, ông Hán xúc động: Trong thời điểm muôn vàn khó khăn đó, chúng tôi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Lần đầu là ngày 10/1/1946, Bác về thị sát đê vỡ, lần thứ hai vào ngày 28/4/1946 nhân dịp khánh thành hàn khẩu đê Đìa. Lần thứ hai Bác về, nhân dân Hồng An biết tin nên đến đón Bác rất đông. Ai cũng phấn khởi, vui mừng mong được gặp Bác. Về thăm Hồng An, Bác không chỉ chia sẻ, động viên, truyền hơi ấm và sức mạnh cho nhân dân vùng lũ lụt, Người còn dạy: “Hàng năm, đồng bào phải củng cố đê điều, đẩy mạnh sản xuất. Chống được giặc đói, giặc dốt là thiết thực cùng với đồng bào cả nước chống giặc ngoại xâm. Trước mắt phải làm tốt ba việc lớn: chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm...”. Bác về với nhân dân thật bình dị, chuyện trò gần gũi, thân thương. Bác nói chuyện không lâu song sâu sắc và chan chứa bao tình cảm. Bác còn dừng lại hỏi nhân dân có nghe rõ Bác nói không? Sự quan tâm của Bác khiến mọi người thấy ấm áp và xúc động vô cùng.
|
Nhân dân xã Hồng An (Hưng Hà) tích cực phát triển kinh tế gia đình.
Làm theo lời Bác
Được Bác động viên, Hồng An cùng với các địa phương khác đã huy động sức người, sức của, chỉ trong 3 tháng đoạn đê đã được hàn khẩu, góp phần ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An chia sẻ: Cho đến bây giờ, Đảng bộ và nhân dân Hồng An vẫn khắc ghi lời căn dặn của Bác, đoàn kết đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, trở thành xã đầu tiên của huyện Hưng Hà đạt giá trị canh tác 50 triệu đồng/ha/năm. Năm 2010, xã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Hồng An cũng là điểm sáng của huyện Hưng Hà trong xây dựng nông thôn mới (NTM), trở thành một trong những xã đầu tiên về đích NTM của huyện. Phát huy truyền thống cách mạng, làm theo lời dạy của Bác, nhân dân Hồng An mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng thâm canh, chuyên canh có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập.
Cũng theo ông Thủy, muốn phát triển bền vững thì việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu luôn được xã quan tâm, quyết tâm thực hiện thành công. Được huyện lựa chọn làm điểm trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đồng thời tăng cường các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến hết năm 2019, xã đã quy hoạch 4 vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích 280ha, trong đó vùng trồng cây ăn quả 140ha đất ngoài bãi, vùng chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả 60ha. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng vùng chuyên lúa chất lượng cao 30,8ha, vùng chuyên cây màu có giá trị, vùng cây màu vụ đông... Giá trị sản xuất tại những vùng này đạt bình quân 500 triệu đồng/ha/năm. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân của Hồng An đạt 31 triệu đồng/người/năm thì đến nay đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%. Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, Hồng An còn chăm lo xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục - đào tạo... Đến nay, nhóm tiêu chí về văn hóa xã hội, môi trường, hệ thống chính trị của xã đều đạt chuẩn nâng cao theo quy định.
Nhớ ngày Bác Hồ về thăm, ghi nhớ công lao to lớn của Người, huyện Hưng Hà cùng Đảng bộ và nhân dân xã Hồng An đã xây dựng Đền thờ Bác Hồ ngay tại trung tâm xã. Người dân nơi đây còn chăm sóc, cải tạo hồ thành ao nuôi cá, trồng thêm cây xanh với mong muốn giữ gìn cảnh quan Đền thờ Bác ngày một đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Đền thờ Bác Hồ và lời căn dặn của Người cách đây hơn 70 năm là nguồn cổ vũ, động viên, là sức mạnh tinh thần to lớn để Hồng An vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên con đường đổi mới. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Đó cũng là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Hồng An tiếp tục quyết tâm đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên con đường xây dựng và phát triển quê hương.
Mai Thư
Theo https://baothaibinh.com.vn