Cờ thưởng danh dự của Bác Hồ

Giới thiệu về lá cờ thêu dòng chữ “Danh dự-Giải thưởng Hồ Chủ tịch” trưng bày trang trọng tại Phòng kháng chiến chống thực dân Pháp của Bảo tàng Quân khu 4, Thiếu tá Giản Viết Xuân, Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Đây là hiện vật gốc do cán bộ của bảo tàng sưu tầm khi đến các địa phương được Bác Hồ tặng cờ thi đua. Sau khi có hiện vật, bảo tàng đã tìm hiểu, lập hồ sơ, làm cơ sở để thuyết minh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...

Bác Hồ về thăm Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thành (ngày 10-12-1961). Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), để khích lệ, động viên quân và dân ta thi đua, hăng hái chiến đấu, lao động sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều hình thức tặng thưởng thi đua, như ghi biển, bảng vàng, cờ... cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất, nhất là các chiến dịch lớn. Từ năm 1951 đến 1954, thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có hàng trăm tập thể, cá nhân vinh dự được tặng các loại cờ thưởng thi đua, cờ thưởng danh dự của Bác Hồ, vì có thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất... Cờ Danh dự-Giải thưởng của Hồ Chủ tịch tặng thưởng Đội dân công hỏa tuyến huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là về thành tích xuất sắc trong bảo đảm vận chuyển lương thực, vũ khí cho Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Kể về việc sưu tầm hiện vật cờ Danh dự-Giải thưởng của Hồ Chủ tịch, Thiếu tá QNCN Nguyễn Hữu Hoành, nhân viên Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Sau Chiến dịch Hòa Bình, tháng 9-1952, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, nối Việt Bắc và Tây Bắc. Để bảo đảm cho các đơn vị bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch, Hội đồng Cung cấp của chiến dịch được thành lập. Hội đồng giao nhiệm vụ cho Liên khu 4, điều động hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An huy động khoảng 30.000 dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, trực tiếp phục vụ trên tuyến đường 41 (nay là Đường 6), từ Hòa Bình đi Sơn La. Tỉnh Nghệ An giao cho các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... lựa chọn những người khỏe mạnh, thông thạo các cung đường đồi núi để thành lập các đội vận chuyển. Mỗi người tham gia đội lĩnh 10 ngày tiêu chuẩn ăn và mang vác 30kg hàng (gạo, muối, thực phẩm, vũ khí) để phục vụ Chiến dịch Tây Bắc. Trong suốt thời gian phục vụ chiến dịch, các đội dân công hỏa tuyến tỉnh Nghệ An đã bám sát đội hình chiến đấu của bộ đội, vượt qua nhiều cung đường hiểm trở, núi cao, vực sâu như: Suối Rút, Cò Nòi, Hát Lót, Pa Háng... Dân công còn phải đối phó với sự đánh phá của máy bay địch và thổ phỉ để bảo vệ hàng. Đội dân công hỏa tuyến huyện Yên Thành đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển hơn 7 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, kịp thời cung cấp cho các đơn vị bộ đội, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Kết thúc Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Đội dân công hỏa tuyến huyện Yên Thành được chọn là đơn vị có thành tích vận chuyển tốt nhất và được tặng cờ Danh dự-Giải thưởng của  Hồ Chủ tịch.

 

Cờ "Danh dự-Giải thưởng của Hồ Chủ tịch" tặng Đội dân công hỏa tuyến huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (năm 1952).

Tiếp nối truyền thống, thành tích của Đội dân công hỏa tuyến, sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Yên Thành đẩy mạnh thi đua trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, xã Vĩnh Thành đã xây dựng và hoàn thành các tiêu chí hợp tác xã nông nghiệp cao cấp đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Với thành tích đó, ngày 10-12-1961, khi về thăm quê Nghệ An lần thứ hai, Bác Hồ đã đến thăm, động viên cán bộ, nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thành. Năm 2000, xã Vĩnh Thành được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. /.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website