Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ chính trị gắn với giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, tạo được lòng tin trong nhân dân và góp phần giảm thiểu tình hình phức tạp trên nhiều địa bàn dân cư…
|
Đảng viên Chi bộ Phòng LĐTB - XH quận Bình Thạnh hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại gia đình ông Đặng Văn Ngọc |
Giải quyết việc của dân ngay tại nhà dân
Lật tìm trong đống hồ sơ, giấy tờ đã nhàu nát, ngả màu, ông Đặng Văn Ngọc hối thúc người em trai tìm lại trong ngăn kéo bàn trên gác xép tờ bằng khoán căn nhà 280/120/32 Bùi Hữu Nghĩa (phường 2, quận Bình Thạnh) mà cha mẹ mua từ năm 1972. “Nhà có từ bao nhiêu năm nay sao giờ mới làm giấy”, chúng tôi hỏi. “Giấy tờ ngày xưa có đủ hết chứ, nhưng bị thất lạc không biết ở đâu mà tìm. Với lại gia đình khó khăn quá, nhiều năm qua muốn hợp thức hóa chủ quyền nhưng không có tiền và cũng không biết đến cơ quan, ban ngành nào để làm”, ông Ngọc nói.
Trường hợp của ông Ngọc là một trong hơn 80 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, diện bảo trợ xã hội trên địa bàn được Chi bộ Phòng LĐTB - XH và Chi bộ Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thạnh (thuộc Đảng ủy Khối cơ quan UBND quận Bình Thạnh) ký kết kế hoạch liên tịch hướng dẫn đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ngay tại nhà. Kế hoạch được thực hiện chi tiết cho từng trường hợp, từ rà soát nguồn gốc, pháp lý nhà đất, quy hoạch, lập bản vẽ, hoàn thiện hồ sơ, luân chuyển, đôn đốc thực hiện theo đúng quy trình, thời gian trả kết quả. Mọi thủ tục đều được cán bộ phường phối hợp với quận đến từng nhà dân làm.
Điều đặc biệt là người dân không phải trả bất cứ khoản chi phí nào, kể cả lập bản vẽ, xin giấy phép xây dựng (nếu có nhu cầu). Nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn còn được cán bộ, đảng viên tại 2 chi bộ góp tiền giúp trả phần trước bạ và một phần thuế sử dụng đất cho dân. Ông Đặng Văn Ngọc xúc động nói: “Những hộ nghèo như gia đình chúng tôi nay có được tờ giấy chứng nhận chủ quyền nhà thì rất mừng. Thật xúc động và biết ơn địa phương đã quan tâm, hết lòng giúp đỡ”.
Ngoài việc làm thiết thực, ý nghĩa trên, Chi bộ Phòng LĐTB - XH còn phối hợp với Chi bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh hướng dẫn, thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước công dân cho trên 200 trường hợp thuộc diện chính sách, già yếu, tàn tật, người có công và bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Bí thư Chi bộ Phòng LĐTB - XH quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Ngọc Loan cho biết: “Do chưa trang bị kịp máy lăn tay và máy chụp, sao ảnh nên đợt đầu chúng tôi chỉ làm được 57 trường hợp bằng cách đưa người dân tới Đội Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội làm. Tới đây, khi đã có đủ máy móc, chúng tôi sẽ tới từng hộ giúp làm thẻ căn cước công dân, không để các trường hợp khó khăn phải đi lại, chờ đợi lâu”.
Quận 3 cũng triển khai thực hiện một số thủ tục hành chính về tư pháp, hộ tịch, xây dựng đến tận nhà cho các hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn. Ở các địa bàn mở rộng hẻm, chỉnh trang đô thị, người dân có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà còn được Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND phường lập bản vẽ, cấp phép xây dựng ngay tại nhà và không phải trả bất cứ khoản chi phí nào. Việc làm này gắn với chủ trương vận động dân hiến đất mở hẻm, chỉnh trang 46 tuyến đường, tuyến hẻm lầy lội, phức tạp trên địa bàn, nhờ đó đã đạt kết quả tốt, góp phần tạo mỹ quan đô thị, xây dựng quận 3 văn minh, hiện đại, nghĩa tình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đề ra.
Đột phá vào những lĩnh vực phức tạp
“Xin mời số 128 đến quầy số 2”. Nghe đọc đến số thứ tự của mình, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (ngụ phường Tân Định, quận 1) bước đến quầy số 2 hỏi nữ nhân viên tên Hòa: “Tôi muốn biết thủ tục đăng ký kinh doanh gồm những giấy tờ gì ạ?”. Nữ nhân viên này trả lời: “Đây là hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử quận 1, chị chỉ cần vào trang web http://www.quan1.hochiminhcity.gov.vn và ngồi ở nhà điền xong hồ sơ rồi nộp qua mạng, kể cả đóng lệ phí, không cần phải lên đây. Khi nào có kết quả sẽ gửi trực tiếp về tận nhà cho chị”.
Chứng kiến cuộc tiếp xúc giữa người dân và cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính UBND quận 1, chúng tôi thấy một cung cách phục vụ hết sức trách nhiệm, thân thiện và chuyên nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực mà nhiều năm nay được cho là phức tạp và nhạy cảm.
Chánh Văn phòng UBND quận 1 Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã xác định 2 nội dung đột phá trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05, là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, thân thiện, chuyên nghiệp” và “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ gương mẫu trong thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, cải tạo chung cư cũ”. Triển khai nội dung thứ nhất, UBND quận đưa vào hoạt động bộ phận dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 (nộp hồ sơ qua mạng, không nộp lệ phí qua mạng) và cấp độ 4 (nộp hồ sơ và lệ phí qua mạng, người dân không phải đến cơ quan hành chính). Hiện cấp độ 4 đã thực hiện ở các thủ tục đăng ký kinh doanh, trích lục hồ sơ hộ tịch và cấp phép xây dựng, với tỷ lệ người dân thực hiện đạt trên 20%.
Hội nghị giao ban chuyên đề “Những kinh nghiệm từ thực tế thực hiện Chỉ thị 05”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây, đã ghi nhận hàng trăm mô hình, cách làm mới hiệu quả được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện, với kết quả bước đầu khá toàn diện, đúng thực chất và có tác động xã hội cao. Trong đó có gần 300 nội dung đột phá vào các lĩnh vực khó, phức tạp, liên quan đến hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Điển hình là nội dung đột phá của UBND quận và các phường, các đơn vị hành chính sự nghiệp của quận 5 tập trung vào lĩnh vực cải cách hành chính của 11 lĩnh vực với 145 quy trình giải quyết; thực hành tiết kiệm; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng phong cách gương mẫu của cán bộ, đảng viên “Nói đi đôi với làm, làm đến đâu hiệu quả đến đấy”. Đảng bộ quận 8 với chương trình “Nghe dân nói, nói dân nghe”.
Quận 9 thì xác định 4 nội dung đột phá là những vấn đề mà người dân quan tâm, lo lắng, bức xúc gồm: phạm pháp hình sự, chỉnh trang đô thị, cải cách hành chính và ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, quận Tân Bình với 122 chương trình đột phá, trong đó cấp quận có 6 chương trình, cấp cơ sở có 116 chương trình, tập trung vào lĩnh vực xây dựng Đảng, nâng cao chuẩn mực đạo đức và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp.
Quận Phú Nhuận với khẩu hiệu hành động “3 không” (không vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và vi phạm pháp luật; không tham nhũng, hối lộ, lãng phí và nhũng nhiễu dân; không đi họp, đi học trễ, về sớm) và “3 có” (có tinh thần trách nhiệm cao, phát huy tính sáng tạo, chủ động giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả; có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với nhân dân, với đồng nghiệp; có tinh thần cầu thị, thường xuyên tự giác rèn luyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh).
" Với quyết tâm tạo những chuyển biến rõ rệt trong học tập và làm theo Bác, nhiều đơn vị đã xác định được các nội dung đột phá của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thường xuyên theo dõi, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc xác định rõ trách nhiệm nêu gương, tự giác xây dựng kế hoạch làm theo các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách cụ thể, khả thi và công khai tất cả các nội dung đăng ký cho cơ quan, đơn vị, địa phương giám sát"
Đồng chí THÂN THỊ THƯ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
|
Hoài Nam
Theo http://www.sggp.org.vn