Bác Hồ với triển lãm công binh

Mặc dù chỉ là gian trưng bày riêng nhưng chúng tôi tổ chức như một triển lãm thu nhỏ của ngành công binh. Năm ấy, phong trào thi đua phát huy SK, CTKT của bộ đội công binh phát triển khá sôi nổi, nên nhiều sáng kiến có giá trị lần lượt ra đời. Để động viên, cổ vũ phong trào, làm động lực thúc đẩy toàn lực lượng đi sâu nghiên cứu khoa học, làm chủ trang bị, khí tài phục vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và huấn luyện, Cục Công binh đã tổ chức triển lãm này.

Đảng ủy và cơ quan cục biết Bác luôn quan tâm theo dõi sự trưởng thành của đơn vị nên đề nghị với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng mời Bác đến xem triển lãm, rất mừng là Bác nhận lời ngay. Tôi cùng các đồng chí trong cơ quan cục vui mừng khôn xiết và xác định: Đây là niềm vinh dự lớn đối với Cục, phải làm sao xứng đáng với vinh dự ấy.

Ngày 01-4-1959, sau khi nhận được điện báo chính thức giờ Bác đến thăm, tôi mặc trang phục chỉnh tề, có mặt ở hội trường triển lãm. Gần 9 giờ, Bác xem xong triển lãm quân nhu, trở ra, tôi chạy lại trước Bác, đứng nghiêm báo cáo:

- Thưa Bác, cháu là Trần Thế Môn, Chính ủy Cục Công binh đến đón Bác đi xem triển lãm công binh.

Đồng chí Thanh Quảng ở Văn phòng Tổng cục Chính trị đi cùng Bác, giới thiệu địa điểm triển lãm với Bác.

Bác thân mật hỏi tôi:

- Chú dẫn Bác đi đường nào, đi xe hay đi bộ?

Tôi đáp:

- Thưa Bác, đi xe phải vòng ra Cửa Bắc theo đường Phan Đình Phùng đến Lý Nam Đế. Nếu đi bộ thì đi tắt đường trong thành qua sân Tổng cục Hậu cần là đến ạ!

Bác quyết định:

- Thế thì Bác cháu ta đi bộ cho tiện.

Tôi đưa Bác vào đường rẽ sang triển lãm công binh. Vừa đi, Bác vừa hỏi:

- Triển lãm của các chú là triển lãm của các đơn vị trực thuộc cục hay của toàn lực lượng?

Tôi trình bày:

- Thưa Bác, triển lãm của chúng cháu là của toàn ngành, trong đó công binh mỗi quân khu trưng bày thành một phòng ạ!

Nghe xong, Bác dặn tôi:

- Hôm nay Bác bận việc, không xem triển lãm của các chú lâu được, chú cần hướng dẫn Bác xem những cái chính, nói cho Bác nghe những cái chính mà phải nói gọn để Bác xem được hết, nghe được hết. Chú nói không đúng cái chính, nói dài, Bác xem không hết triển lãm, các chú ở các đơn vị sẽ không hài lòng.

Ngừng một lát, Bác dặn tiếp:

- Đối với công binh các chú, khoa học kỹ thuật là vấn đề lớn, các chú phải hết sức quan tâm và phải nghiên cứu vận dụng khoa học kỹ thuật mới nhất vào phục vụ chiến đấu và xây dựng của binh chủng.

Rồi Bác hỏi:

- Hiện nay, các chú đã quan tâm vấn đề này nhiều chưa?

Tôi thưa với Bác những cố gắng bước đầu của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng trong việc học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự. Bác gật đầu nói:

- Phải như thế mới được!

Tôi rất muốn Bác căn dặn nữa để có thêm phương hướng cùng các đồng chí trong Đảng ủy và cơ quan cục lãnh đạo, chỉ đạo toàn đơn vị tiến lên chính quy, hiện đại. Nhưng đoạn đường rẽ vào triển lãm công binh đã hiện ra trước mắt. Được báo trước, cán bộ, chiến sĩ phục vụ triển lãm và lãnh đạo Cục Công binh đã xếp hàng ngay ngắn hai bên đường, vỗ tay nhiệt liệt đón chào Bác.

Bác tươi cười vẫy tay chào mọi người rồi bước vào phòng trưng bày đầu tiên của triển lãm. Đây là phòng trưng bày cờ Tổ quốc, cờ “Mở đường thắng lợi”, ảnh Bác và một số pa-nô ghi quá trình chiến đấu, xây dựng của Bộ đội Công binh từ ngày thành lập đến năm 1959. Bác chỉ dừng lại phòng này ít phút rồi đi sang phòng trưng bày SK, CTKT của các trung đoàn vượt sông.

  

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gian triển lãm công binh. (Ảnh tư liệu)

Tại đây, Trung đoàn Sông Thao, Trung đoàn Sông Lô, Tiểu đoàn 27 Quân khu Hữu Ngạn… trưng bày nhiều sáng kiến có giá trị được áp dụng rộng rãi vào thực tế. Bác đã xem không bỏ sót một sáng kiến nào và dừng lại khá lâu ở SK, CTKT sản xuất thuyền sắt để bắc cầu phao và bốc thuyền sắt lên ô tô nhanh chóng, an toàn. Nghe thuyết minh xong, Bác chăm chú xem trình diễn động tác bốc thuyền. Vinh dự gặp Bác, với lòng tôn kính lãnh tụ và niềm cảm động lớn nên vừa trình diễn, các chiến sĩ vừa ngước nhìn Bác, do đó động tác có phần chậm và thiếu chính xác. Anh em hoàn thành nhiệm vụ, Bác im lặng suy nghĩ một lát rồi nói với tôi và các đồng chí xung quanh:

- Bác thấy sáng kiến này so với trước có cố gắng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu huấn luyện và SSCĐ hiện nay. Thời gian bốc thuyền vẫn chậm. Chiến sĩ vẫn còn phải làm nặng.

Ngừng giây lát, Bác dặn tiếp:

- Ở nước ta sông ngòi nhiều, vấn đề bảo đảm bộ đội vượt sông trong chiến tranh rất lớn. Các chú không được coi nhẹ.

Tiếp đó, tôi đưa Bác sang phòng trưng bày SK, CTKT của các đơn vị công trình. Sau khi xem lướt qua một lượt, Bác dừng lại khá lâu lắng nghe thuyết minh và xem mô hình các sáng kiến bảo đảm đường cơ động cho xe pháo, phương tiện kỹ thuật. Bác chú ý nhất sáng kiến trình bày phương án đường quân sự làm gấp, mở đường qua bãi mìn. Bác hỏi cặn kẽ các đồng chí cán bộ công binh công trình về tốc độ mở đường chiến dịch, tốc độ phá mìn địch để bảo đảm cơ động, thọc sâu kịp thời và căn dặn:

- Ở nước ta, đường sá còn khó khăn. Các chú nên nghiên cứu giải quyết tốt vấn đề này. Không có đường sá tốt, không có tác chiến hiệp đồng lớn được.

Nghe Bác căn dặn lần này và nhớ lại những lời Người dạy bộ đội công binh trong kháng chiến chống Pháp, tôi càng thấy Người rất quan tâm tới việc bảo đảm mạng lưới đường sá phục vụ chiến đấu. Tiếp đó, Bác đi xem phòng trưng bày của công binh các Quân khu Hữu Ngạn, Tả Ngạn, Việt Bắc, Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc… Đến phòng nào, Bác cũng dừng lại mấy phút xem những SK, CTKT có giá trị và căn dặn nhiều điều bổ ích, thiết thực. Bác đặc biệt chú ý tới sáng kiến dọn mìn và chướng ngại nổ ở Điện Biên Phủ của Phòng Công binh Quân khu Tây Bắc.

 Bác nhìn chiếc xẻng bị mảnh bom bươm bướm phá nhiều chỗ, có cái dài như một cây sào và hỏi các đồng chí cán bộ công binh Quân khu Tây Bắc:

- Việc rà phá bom mìn ở Điện Biên Phủ kết quả đến đâu rồi các chú?

Các đồng chí cán bộ công binh Quân khu Tây Bắc phụ trách phòng trưng bày báo cáo tóm tắt kết quả rà phá bom mìn ở Điện Biên Phủ với Bác và giới thiệu lai lịch chiếc xẻng cán dài rồi làm động tác dò phá bom bươm bướm để Bác xem. Bác khen:

- Các chú có sáng kiến tốt, hạn chế được thương vong. Nhưng các chú không được chủ quan mà phải tuyệt đối bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho đồng bào sản xuất.

Xem hết các phòng, Bác ra xem SK, CTKT trưng bày ngoài sân. Bác dừng lại lâu trước sáng kiến dùng lực đẩy của nước sông chạy máy phát điện, phục vụ đời sống và sinh hoạt trong doanh trại của Trung đoàn Sông Thao. Nghe xong thuyết minh, Bác đứng chờ xem trình diễn. Xem xong những SK, CTKT còn lại trưng bày ngoài sân, Bác nhắc tôi gọi anh Thanh Quảng chuẩn bị xe đưa Bác về. Khi Bác tới gần chiếc bàn có cuốn sổ ghi cảm tưởng, cán bộ, chiến sĩ ùa quanh Bác. Tôi thưa với Bác:

- Xin Bác ghi cảm tưởng chỉ dẫn cho chúng cháu phương hướng xây dựng lực lượng ạ!

Bác vui vẻ lấy cây bút ở túi ngực và kéo quyển sổ ghi cảm tưởng đã được mở sẵn lại gần. Nhưng rồi Bác không ghi ngay. Tôi và anh em xung quanh hồi hộp, chờ đợi thì thấy Bác rút chiếc bút bi đỏ và dùng thước kẻ, kẻ dòng ngang trên toàn cuốn sổ. Nhìn Bác kẻ dòng, tôi thấy như mình có lỗi đã chưa chú ý nhắc anh em ở triển lãm chuẩn bị quyển sổ ghi cảm tưởng có đầy đủ dòng kẻ, để Bác viết được thuận tiện. Kẻ dòng xong, Bác mới cầm bút mực xanh bắt đầu ghi. Quyển sổ cảm tưởng Bác ghi hôm đó, nay là sổ vàng truyền thống của Binh chủng Công binh, được các đồng chí phụ trách bảo tàng giữ rất cẩn thận./.

Duy Thủy

 - Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Trần Thế Môn,

 nguyên Chính ủy Binh chủng Công binh

Theo Báo Quân đội nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website