Quảng Ninh: Khắc ghi và làm theo Bác

Nhớ những lần Bác về thăm Quảng Ninh

quang ninh khac ghi va lam theo bac hinh 1

Bác Hồ nhận hòn than thứ 4 triệu tấn do đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng trong cuộc mít tinh chào mừng Người về thăm và chúc Tết quân và dân Vùng mỏ ngày 1 Tết Ất Tỵ năm 1965. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

 Trong bài dự thi của mình, cô giáo Bùi Thị Hồng, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Cẩm Phả) kể: 90 năm trước, từ một vùng đất nghèo thuộc tỉnh Hưng Yên, ông nội tôi không chịu đi lính làm tay sai cho giặc Pháp, đã đưa vợ còn trốn ra Hòn Gai. Nhưng khi đến ở khu Bến Đoan, gia đình ông bà nội tôi cũng vẫn chịu lắm gian truân. Đau buồn do bác trai tôi trốn không đi lính làm tay sai cho Pháp, phải lưu lạc sang Hải Phòng rồi mất, ít lâu sau, ông nội tôi cũng qua đời. Không còn điểm tựa, bố tôi khi đó phải thay ông nội lo cho mẹ và đàn em. Bố tôi quanh năm bươn chải với nghề làm vôi và đưa đi bán khắp các vùng Hòn Gai, Cát Bà, Cát Hải.  

Rồi bố, mẹ tôi đã giác ngộ và theo cách mạng. Họ nhận thấy chỉ có con đường cách mạng mới làm thay đổi được số phận. Sau tiếp quản khu Mỏ, bố, mẹ tôi làm công nhân ở Công ty than Hồng Gai. Trong lao động sản xuất, dù nhiều khó khăn vất vả, nhưng bố mẹ tôi luôn làm theo lời Bác Hồ dặn, gương mẫu khắc phục khó khăn để hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ được giao. Rồi công ty chia tách xí nghiệp, bố, mẹ tôi xung phong chuyển công tác sang Cẩm Phả. Khi Hải Ninh và Hồng Quảng hợp nhất thành Quảng Ninh, bố, mẹ tôi càng phấn đấu hơn trong công việc, nhiều lần được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, bố tôi vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần. Mỗi lần gặp Bác là một cảm xúc khác nhau. Ông kể, có lần ông và anh em công nhân chạy bộ từ Cẩm Phả lên Hòn Gai quên ăn, quên mệt để được hòa vào dòng người đón Bác.

“Khi nhìn thấy Người, được nghe giọng nói và được Bác động viên, ai cũng cảm thấy xúc động vô cùng. Tinh thần yêu nước như càng được hun đúc hơn, càng thêm kính yêu Bác và tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác hơn”, bố tôi nhiều lần kể lại cho anh em tôi như vậy.

Giờ đây, tuy bố, mẹ của chúng tôi đã đi xa, nhưng những lời kể của ông, bà về những lần được gặp Bác, được thay mặt công nhân Vùng mỏ lên báo công với Người, những lời dạy của Bác luôn trong tim anh em chúng tôi.

Nguyễn Thanh Thanh Hiền, sinh viên Học viện Toà án, một người con của huyện đảo Cô Tô cũng rất xúc động khi viết về những lần Bác Hồ về thăm Quảng Ninh. Theo Thanh Hiền, trong 9 lần Bác Hồ về Quảng Ninh thì bạn trẻ này ấn tượng nhất là lần Bác Hồ ra thăm quân và dân đảo Cô Tô, ngày 9-5-1961.

“Đây là lần thứ năm Bác đến Quảng Ninh. Trên đường đi, ngày 8-5-1961, Bác thăm Trung đoàn 248 tại thị trấn Tiên Yên, thăm đảo Trà Cổ. Tại đảo Cô Tô, Bác động viên đồng bào: Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong muốn đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ. Sau chuyến đi này, Bác Hồ đã đồng ý cho dựng tượng Người trên đảo Cô Tô. Và đây là tượng đài duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng khi Người còn sống”. “Tượng đài Bác Hồ tọa lạc trong khuôn viên có nhiều hoa, cây cảnh và những cây Tùng quý hiếm của đảo Cô Tô. Tượng Bác đứng uy nghiêm, hướng ra Biển Đông như che chở cho đất và người Cô Tô” - Thanh Hiền đã viết như thế trong bài dự thi của mình.

Còn anh Nguyễn Ngọc Nguyên, cán bộ Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển, lại rất xúc động khi viết về lần thứ chín và cũng là lần cuối Bác về thăm Quảng Ninh. “Mồng một Tết năm 1965, Bác Hồ về thăm thị xã Uông Bí đã đến chúc tết cán bộ công nhân nhà máy điện. Người căn dặn: Nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất nước ta. Than và điện rất cần cho sản xuất, các cô các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt rẻ...Theo lời dạy của Bác, cán bộ, công nhân lao động trên công trình nhà máy điện Uông Bí đẩy mạnh phong trào thi đua, tăng năng suất gấp gần hai lần năm trước (chiếm 1/3 sản lượng điện của cả hệ thống); đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình mới. Có lẽ vì thế mà qua 63 trận oanh tạc và 1890 quả bom lớn ném xuống nhà máy, giặc Mỹ vẫn không dập tắt được ngọn lửa tỏa sáng trong lò cũng như lửa trong tim những người thợ yêu nước, yêu nghề”, anh Nguyễn Ngọc Nguyên viết trong bài dự thi của mình như vậy.

Làm theo lời Bác dạy

quang ninh khac ghi va lam theo bac hinh 2

Lãnh đạo tỉnh, cùng các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo thẩm định bài dự thi tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”.

Thượng tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái) cũng có những trang viết rất xúc động trong bài dự thi của mình. Anh chia sẻ: Với tôi, quê hương Quảng Ninh không chỉ là tuổi thơ và còn cả tuổi thanh xuân, là nơi tôi lớn lên mỗi ngày. Chúng tôi hôm nay luôn biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu đã dành tình cảm đặc biệt cho Vùng mỏ, tuyệt đối tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác đã vạch ra. Là một người lính biên phòng đang ngày đêm canh giữ chủ quyền của Tổ quốc, tôi đặc biệt ấn tượng với lời dạy của Bác khi đến thăm bộ đội Hải quân trên vịnh Hạ Long, tháng 3/1961 “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có trời, có ngày, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Sau khi nghe báo cáo tình hình bảo vệ bờ biển, Bác cũng dặn thêm là: Bờ biển của ta của ta có vị trí chiến lược rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân ta rất nặng nề và cũng rất vẻ vang. Các chú đã đạt được những thành tích bước đầu, Bác khen, nhưng không được chủ quan, thoả mãn, phải luôn cố gắng để tiến bộ nhiều hơn.

Thực hiện lời Bác dạy, Thượng tá Lê Văn Tuấn cùng đồng đội luôn chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia. Công tác vận động quần chúng được tăng cường thông qua Ngày biên phòng toàn dân và các hoạt động như “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Con nuôi đồn biên phòng”…

Lần nào về thăm Vùng mỏ, Bác Hồ cũng nhắc nhở cán bộ, công nhân phải đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, xây dựng Vùng mỏ vững mạnh, giàu đẹp. Phong trào thi đua sản xuất của ngành Than luôn được Bác đặc biệt quan tâm, động viên. Đặc biệt, ngày 15/11/1968, tại cuộc gặp Đoàn đại biểu về gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác căn dặn: "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc".

Có lẽ vì thế mà cũng giống như những người thợ mỏ khác, chị Nguyễn Thị Kim Oanh ở Công ty Than Kho vận Đá Bạc đã có những trang viết rất sâu sắc về những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ, công nhân ngành Than. Chị Oanh viết trong bài dự thi của mình: Làm theo lời Bác dạy “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, tôi luôn nỗ lực hết mình trong công việc, xây dựng tập thể đoàn kết, ủng hộ mọi chủ trương của cấp trên, tham gia tích cực vào các phong trào của công ty phát động. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân tham gia vào những phong trào chung, làm những việc có ích đóng góp cho địa phương. Làm theo lời Bác và phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, chúng tôi đã xây dựng Công ty Than Kho vận Đá Bạc thành một đơn vị vững mạnh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Trong nhiều thập kỷ, ngành Than chính là mũi nhọn kinh tế để Quảng Ninh ổn định, phát triển và ngày càng giầu đẹp. Xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh giầu, đẹp. 

Nhớ những lời dạy của Bác, mỗi tác giả tuỳ theo vị trí công tác của mình cũng đều thể hiện quyết tâm làm theo lời Bác để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giầu, đẹp. 

Như chị Vy Thị Tuyến (dân tộc Tày) là cán bộ công tác ở Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Ba Chẽ luôn khắc ghi những lời dạy của Bác khi Người về thăm Quảng Ninh. Theo chị Tuyến, đối với cán bộ, nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì lời dạy của Bác về giữ gìn sự đoàn kết là vô cùng quan trọng. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, các thế lực phản động luôn tìm cách chia rẽ các dân tộc. Đại đoàn kết và tinh thần “kỷ luật, đồng tâm” là truyền thống quý báu, là tài sản vô giá của chúng ta. Vì thế, từ khi thành lập tỉnh đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã luôn hướng mạnh về địa bàn dân cư, tập hợp, đoàn kết nhân dân để thực hiện phương châm tự quản, phát huy dân chủ, lấy sức dân để chăm lo đời sống nhân dân. Để xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp như Bác Hồ căn dặn, chúng ta cần tiếp tục học và làm theo Bác ở tinh thần đoàn kết. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ thành công.

Đối với nhóm tác giả của Đảng uỷ Cục Thuế Quảng Ninh do đồng chí Nguyễn Hồng Trường làm trưởng nhóm thì xác định rất rõ như thế này: Thực hiện lời căn dặn của Bác “Thu thuế phải thu được lòng dân”, xây dựng “Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, bản thân tôi và mỗi cán bộ, công chức ngành Thuế cần không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc, đặc biệt là kỹ năng làm việc trong môi trường số, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, trong bối cảnh chính sách thuế không ngừng thay đổi, để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế và hội nhập quốc tế, cán bộ thuế cần tích cực, chủ động cập nhật kiến thức, nắm bắt thông tin, nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, nỗ lực tuyên truyền và giải đáp tận tình các câu hỏi từ phía người nộp thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, chống lãng phí như lời Bác căn dặn “Luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công, của dân”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website