Khát vọng lên bờ

Yên Định là một huyện đi đầu, điển hình của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo cơ chế cấp đất, tạo nguồn lực hỗ trợ các hộ Công giáo sinh sống trên sông lên bờ ổ định cuộc sống. Trong quá trình thực hiện, không thể không nhắc đến Giáo xứ Yên Khánh, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã gắn nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với vận động đồng bào công giáo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống thông qua mô hình “Thực hiện hóa khát vọng lên bờ”.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao nhà Đại đoàn kết cho các hộ công giáo sinh sống trên sông tại huyện Yên Định, năm 2021.

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 10/10/2003 của tỉnh ủy Thanh Hoá; kết luận số 34/TUTH, ngày 20/4/2009 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Thanh Hoá về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, huyện Yên Định đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị; tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình giáo dân sinh sống trên sông có nhu cầu xây dựng nhà ở (các hộ này chủ yếu là đồng bào giáo dân thuộc Giáo xứ Yên Khánh).

Việc vận động đồng bào công giáo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống trong giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn. Bởi vì, đa số số các hộ sinh sống trên sông nước có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tâm lý sau khi lên bờ làm nhà sẽ kiếm sống bằng công việc gì?; nhiều hộ do điều kiện phải đi làm thuê ở các địa phương khác, ở trên thuyền chỉ còn lại người già và trẻ em nhỏ nên ảnh hưởng đến công tác vận động, tuyên truyền hỗ trợ làm nhà ở cho bà con. Tuy nhiên, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực, phối hợp vận động các hộ giáo dân làm nhà, lên bờ, ổn định cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng; được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; MTTQ, đoàn thể các cấp; đặc biệt việc phát huy cao độ vai trò của ông Nguyễn Hồng Phước, Chánh trương Giáo xứ Yên Khánh - nơi có đồng bào giáo dân sinh sống trên sông trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các nguồn lực hỗ trợ kịp thời các hộ giáo dân khó khăn làm nhà ở ổn định cuộc sống.

Luôn phát huy tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với quan điểm cố gắng lo cho bà con giáo dân được lên bờ, có cuộc sống ổn định “an cư, lạc nghiệp”, mang lại cuộc sống mới, tương lai mới, giúp cho người dân thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước, trẻ nhỏ được đến trường và không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi mỗi mùa mưa bão đến. Hội đồng giáo xứ Yên Khánh đã tích cực đề xuất, huy động các nguồn lực khác nhau đề hỗ trợ cho đồng bào giáo dân thuộc giáo Xứ Yên Khánh được cấp đất, làm nhà ở.

Với tinh thần “yêu thương và phục vụ”, trong quá trình rà soát, Giáo xứ Yên Khánh phân công nhiệm vụ cho giáo xứ, chức sắc tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống của các hộ đã được cấp đất nhưng chưa làm nhà để tháo gỡ khó khăn, vận động bà con xây dựng nhà ở. Ngoài nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ủy ban MTTQ tỉnh, giáo xứ đã vận động kinh phí từ Caritas Giáo phận Thanh Hóa và cộng đồng giáo dân ủng hộ vật liệu, ngày công cho bà con làm nhà. Bên cạnh đó, tìm hiểu, nắm bắt tình hình về lao động việc làm và đề nghị các cấp chính quyền quan tâm đào tạo nghề và tìm việc làm cho bà con sau khi lên bờ. Nhờ đó, đến nay 179 hộ giáo dân sinh sống trên sông thuộc giáo xứ Yên Khánh đã hoàn thành việc làm nhà ở với tổng trị giá gần 44 tỷ đồng, trong đó có hơn 4 tỷ là nguồn hỗ trợ thông qua MTTQ và Hội chữ thập đỏ; hơn 5,8 tỷ từ nguồn hỗ trợ của Caritas và giáo xứ Yên Khánh; hơn 34,9 tỷ từ nguồn dòng họ, cộng đồng, khu dân cư,… giúp đỡ làm nhà.

Từ năm 2017 đến nay, Giáo xứ Yên Khánh đã tích cực phối hợp đề xuất cấp đất cho các hộ công giáo sinh sống trên sông. Đến nay, UBND huyện đã thực hiện cấp 179 xuất đất ở cho 179 hộ gồm Định Hải 37 hộ; Định Tiến 75 hộ; Định Công 67 hộ với tổng diện tích đất đã cấp là 24.506,75 m2.

Trở lại Giáo xứ Yên Khánh thăm cuộc sống mới tại các khu tái định cư của các hộ đã từng sinh sống trên sông chúng tôi nhận thấy niềm vui, sự phấn khởi và biết ơn đối với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể các cấp, sự giúp đỡ của bà con giáo xứ Yên Khánh góp phần hiện thực hóa ước mơ lên bờ bao đời của những hộ sinh sống trên sông. Cuộc sống mới, không còn cảnh người già và trẻ nhỏ bị đuối nước, lênh đênh, nay đây mai đó với nhiều rủi ro. Hiện nay, đa số người trong độ tuổi lao động đã có việc làm tại các công ty giày da, may mặc trên địa bàn huyện, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; chỉ còn một số giáo dân hết tuổi lao động vẫn làm nghề chài lưới, nhưng chỉ là sáng đi, chiều về, không ở dưới sông. Tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy cao độ được truyền thống đoàn kết Lương - Giáo, tạo được niềm tin thực sự vào chủ trương, đường lối, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân đối với đồng bào giáo dân sinh sống trên sông lên bờ, làm nhà, có cuộc sống ổn định.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website