“Vì dân” theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân dân Hà Nội mít tinh tại Nhà Hát Lớn trong tuần lễ cứu đói, tháng 11/1945. Ảnh tư liệu

Sống vì dân, chết cũng vì dân

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Người khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Sau khi giành được chính quyền ngày 2/9/1945, trước nạn đói khủng khiếp do sự bóc lột tàn bạo của thực dân, nỗi đau đáu lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm sao cho dân có cơm ăn, áo mặc. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đã nêu lên nhiệm vụ trước mắt của Chính phủ: “Phải làm cho dân có ăn, phải làm cho dân có mặc, phải làm cho dân có chỗ ở, phải làm cho dân được học hành”.

Nhưng chống đói bằng cách nào khi gạo không có, lũ lụt khắp nơi, ruộng vườn tan hoang? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp sáng kiến các chuyên gia trong Chính phủ nhằm chống nạn đói. Sau khi bàn bạc, Chính phủ đề ra hai biện pháp cứu đói khẩn cấp: Nhường cơm sẻ áo và tăng gia sản xuất.

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáng kiến: toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói. Ngay lập tức, Người tiên phong thực hiện trước: “…tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(1). Tuy việc làm không dễ dàng trong hoàn cảnh đất nước cùng nghèo khó, nhưng nhận thấy ý nghĩa tốt đẹp trong hành động đó, toàn dân tích cực thực hiện trong tâm thế “lá lành đùm lá rách”. Bằng những việc làm và hành động nhỏ như vậy, số gạo tiết kiệm được đem phát chẩn giúp hàng vạn người thoát khỏi nạn đói, và đến cuối tháng 9-1945, nạn đói gần như đã chấm dứt.

Nhưng để giải quyết nạn nói, không thể chỉ dựa vào việc xây dựng “hũ gạo cứu đói”, mà phải là tăng gia sản xuất. Cùng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động chiến dịch tăng gia sản xuất. Người đưa ra một khẩu hiệu thật đơn giản, đễ hiểu: “Tăng gia sản xuất/ Tăng gia sản xuất ngay/ Tăng gia sản xuất nữa!”. Từ đó, bằng những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, dần dần, nhân dân đã có đủ lương thực cho sinh hoạt và hỗ trợ cho tiền tuyến chống giặc.

Không chỉ trong những ngày đầu mới lập nước, mà cả về sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những chỉ đạo sát sao, sáng tạo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh như “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, “tự cấp tự túc”, “đồng cam cộng khổ”… Trong mọi phong trào, mọi lời kêu gọi ấy, Người luôn là người tiên phong thực hiện, thể hiện tính nhất quán trong lời nói và hành động, thể hiện mục đích cuộc sống của mình “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Thực hiện tư tưởng “vì dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ đến thăm trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội tại

Việt Bắc nhân dịp sinh nhật của Người, ngày 19/5/1953 - Ảnh: TTXVN

 Toàn bộ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đều nhằm thực hiện mục tiêu Bác đã đặt ra đó là: Đảng phải phát triển kinh tế - văn hóa xã hội để bảo đảm đời sống ngày càng cải thiện cho nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ ràng bằng công cuộc đổi mới xây dựng đất nước của chúng ta. Vượt qua thời kỳ khó khăn khủng hoảng trước năm 1986, chính sách đổi mới năm 1986 đã mang lại những thành tựu quan trọng.

Thực tiễn phát triển đất nước hơn 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, Đảng, Nhà nước đã động viên toàn dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân để xây dựng đất nước. Tư tưởng “vì dân”, và “lấy dân làm gốc” là nguồn gốc quan trọng của đường lối đổi mới. Nhờ đó, kinh tế không ngừng phát triển, đất nước ra khỏi khủng hoảng và tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Khi bắt đầu đổi mới (1986), thu nhập bình quân đầu người một năm khoảng 150 USD, đến năm 2019 đã đạt gần 2.786 USD. Tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 đến cuối năm 2019, giảm xuống còn dưới 4%. Cuối năm 2019, 54% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nước ta từ một nước nghèo trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực, kinh tế đã có những chuyển biến mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách cụ thể, cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất, văn hóa, tinh thần. Phần lớn vùng nông thôn được cải thiện về nhà ở, có điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sạch, tiếp cận công nghệ thông tin. Nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa lớn, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa quy mô lớn. Các thành phố phát triển theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống. Bộ mặt đất nước đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đặc biệt hơn, người dân “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như ước muốn của Bác Hồ.

Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn với kinh tế thế giới và đất nước. Tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều ngành nghề, doanh nghiệp đình đốn, nhiều người mất việc làm. Thực hiện tư tưởng “vì dân” của Bác, Đảng, Chính phủ ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động nghèo vượt qua khó khăn bằng nhưng giải pháp nhanh chóng, cụ thể, quyết liệt. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngay khi tiếp nhận đợt sóng thứ nhất của dịch bệnh, Chính phủ đã đưa quan điểm "chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân" và đã thực hiện gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng, nhanh chóng rà soát để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong đại dịch; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị với DN nhằm khích lệ động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN; Chính phủ thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; điều chỉnh các mức thuế theo hướng có lợi cho người dân và doanh nghiệp…. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp an sinh xã hội tại địa phương, cả trước mắt và lâu dài, để không ai bị bỏ lại phía sau. Đến nay, dịch bệnh vẫn còn, nhưng cùng sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, người dân hầu như đã quen với việc vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Hoàn thành những mục tiêu đó cũng là nhằm hướng tới xây dựng một xã hội “vì dân” như lời Bác căn dặn. Tư tưởng ấy, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, luôn được gìn giữ và phát huy, tạo nên sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào Ðảng, Nhà nước. Điều này càng khẳng định tư tưởng lớn trong Di chúc của Bác Hồ là đúng đắn và nhân văn, đã và đang được Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện và phát triển sáng tạo trong điều kiện mới, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

 

-------------------

(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sdd, tập 4, tr.33.

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website