Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Ông Phạm Tuấn Ninh thường đến thăm và tặng quà bà Trần Thị Tấm,
hộ hoàn cảnh khó khăn ở thôn 10, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng

Vượt qua cảnh nghèo

Năm 1972, khi mới tuổi mười chín đôi mươi, ông Phạm Tuấn Ninh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc hăng hái lên đường nhập ngũ. Năm 1977, ông Ninh phục viên trở về quê hương. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1978, ông cùng cha mẹ rời quê Thái Bình vào mảnh đất Long Hưng thuộc tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, trên mảnh đất mới, ông luôn chịu khó lao động phát triển kinh tế từ vườn rẫy, từng bước ổn định cuộc sống.

Năm 1979, ông lập gia đình và đến nay có 4 người con. Ngày ấy, vợ chồng ông làm đủ việc từ trồng trọt, chăn nuôi đến buôn bán. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, vợ chồng ông tích góp mua được 15 ha đất sản xuất. Trên diện tích này, ông trồng các loại cây công nghiệp chủ lực như điều, cao su. Chăm sóc đúng cách nên vườn cây cho năng suất cao, trung bình mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.

Không những làm nông nghiệp, ông còn “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh. Năm 2003, ông bàn với gia đình đầu tư hơn 500 triệu đồng mở xưởng chẻ hạt điều trên diện tích 0,3 sào. Để kinh doanh hiệu quả, ông đầu tư các loại máy móc hiện đại, đặc biệt là 2 máy chẻ hạt điều tự động. đến nay, mỗi năm xưởng điều mang lại doanh thu cho gia đình trên 500 triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Chị Mai Thị Thu ở thôn 3, xã Long Hưng cho biết: Nhờ có xưởng điều của gia đình chú Ninh mà tôi có công việc ổn định để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học.

“Đỡ đầu” người khó

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ninh còn có tấm lòng nhân hậu. Ông thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Gia đình bà Trần Thị Tấm ở thôn 10, xã Long Hưng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Tấm có con gái đã lập gia đình và ra ở riêng, hoàn cảnh cũng khó khăn nên không giúp đỡ được gì cho mẹ. Bà Tấm đang ở một mình trong căn nhà cấp 4, sức khỏe yếu do bị bướu tuyến giáp và ung thư vú nay đã di căn. Để giúp bà Tấm, ông Ninh thường đến thăm và tặng gia đình phần quà gồm các nhu yếu phẩm như: Gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm. Ngoài ra, ông còn trực tiếp kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ 10 triệu đồng để bà Tấm có tiền điều trị bệnh.

Cảm thương hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thôn 3, xã Long Hưng, ông Ninh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Gia đình chị Lan không có đất sản xuất, chị bị khuyết tật chân từ nhỏ nên gặp nhiều khó khăn khi đi lại. Chồng chị Lan do bị bệnh hiểm nghèo nên mất cách đây hơn 1 năm. Để trang trải cuộc sống, ngoài số tiền trợ cấp hằng tháng dành cho người khuyết tật, chị Lan còn nhận hạt điều về cạo vỏ lụa. Ông Ninh đã vận động các mạnh thường quân mỗi tháng hỗ trợ gia đình 1 triệu đồng, giúp chị Lan từng bước vươn lên.

Ngoài ra, ông Ninh còn là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Vòng tay nhân ái Bù Nho, huyện Phú Riềng. Ông trực tiếp hỗ trợ kinh phí và vận động các mạnh thường quân đóng góp kinh phí cùng với câu lạc bộ tham gia các chương trình “Chắp cánh ước mơ”, “Chia sẻ nỗi đau”, “Khát vọng sống” nhằm tiếp bước cho học sinh nghèo đến trường và chăm lo đời sống những hộ không may mắn trong cuộc sống. Ghi nhận việc làm của ông Ninh, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Long Hưng và UBND huyện Phú Riềng đã trao tặng ông nhiều giấy khen như: Nông dân sản xuất giỏi; điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 và tri ân tấm lòng vàng vì đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm lo tết vì người nghèo năm 2020.

Thùy Hương

Theo https://baobinhphuoc.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website