Ngày ấy, Bác về thăm...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường ngày 25/1/1961. Ảnh tư liệu

Kỳ 1: “Bí mật” sau bức ảnh Bác Hồ về thăm Lạc Trung

Ánh nắng chiều dịu soi chiếu qua những hàng cây khẽ khàng như để giấc ngủ của Người êm đềm, chúng tôi cũng nhẹ nhàng và bồi hồi khi bước vào khu Nhà tưởng niệm Bác tại thôn Lạc Trung. Đón chúng tôi là những bước chân điềm đạm của người đàn ông 74 tuổi - Nguyễn Văn Chúng, người luôn canh giữ cho "tượng đài linh hồn" Bác mãi sáng soi.

Thắp nén tâm hương, tưởng nhớ và tri ân công đức của Bác trong ngôi nhà nhỏ tràn đầy kỷ niệm và dấu chân Người, chúng tôi bỗng thấy ấm áp vô cùng. Và càng gần hơn là ông Chúng, như mới hôm qua, ông đã được gặp Người, được ngắm từ dáng vóc tới khuôn mặt hiền từ, mái tóc điểm bạc và nghe Người nói từng lời với bà con Lạc Trung…

Ông Chúng hướng ánh mắt ra phía ngoài sân - lúc này ánh nắng hư hao như đưa ông về miền ký ức ngày được gặp Bác, ông nói: “Phía trước mặt - khoảng sân rộng kia là nơi Bác đã ngồi, lúc ấy Bác ngồi xuống đất - không cần ghế một cách gần gũi. Người đội mũ cát màu trắng, mặc chiếc áo bông xám - đến giờ tôi vẫn không thể tin một vị lãnh tụ của cả dân tộc mà lại rất đỗi giản dị đến vậy. Bác ngồi đó trò chuyện thân tình với người dân nơi đây, mỗi câu nói của Bác là một bài học sâu sắc vô cùng…”.

Dừng một lát, ông Chúng chỉ tay vào bức ảnh được treo trang trọng trên tường - bức ảnh Bác Hồ về thăm thôn Lạc Trung ngày 25, tháng 1, năm 1961. Trong ảnh, Bác ngồi giữa sân - quần áo chạm bụi đất, mắt nhìn trìu mến và gần gũi với tất cả mọi người; xung quanh là các cán bộ xã, người già, trẻ em… đều dõi nhìn, lắng nghe Bác. Bức ảnh như là cảnh một gia đình, người cha đang trò chuyện cùng các con của mình một cách từ tốn và yêu thương.

Ông Chúng tiếp lời: “Khi ấy tôi mới 11 tuổi, nghe thầy giáo nói có Bác Hồ về thăm - với chất giọng khí thế, âm vang như biết có điều quan trọng, tôi chạy ra nhìn thấy Bác Hồ... Bác rất giản dị - so lúc đó với bây giờ, người dân đã thay đổi rất nhiều. Bình Dương nổi bật với phong trào trồng cây, đặc biệt là Hợp tác xã Lạc Trung.

Giếng nước của gia đình ông Phan Tuất được Bác Hồ về thăm ngày 25/1/1961 (khi Bác về Lạc Trung) vẫn còn vẹn nguyên. Ảnh: Thu Thủy

Khi về thăm, Bác đã nói đến câu chuyện này đầu tiên. Bác nói - “muốn làm nhà phải có gỗ, muốn có gỗ phải trồng cây, dân trồng cây nào phải chăm sóc tốt cây đó, người người, nhà nhà trồng cây để nay mai trồng cây xanh tốt Bác về thăm lần thứ hai”.

“Ngồi một lát, cán bộ nói đưa Bác đi thăm cây, nhưng Bác nói Bác muốn đi thăm giếng một hộ gia đình, lúc ấy Bác nhấn mạnh - không phải giếng của xóm ngõ, mà là giếng hộ gia đình… Ngang con đường xanh mướt, Bác vào thăm gia đình ông Phan Tuất - tôi lúc đó cũng chạy theo, Bác đi nhanh lắm, dáng Bác dứt khoát, mạnh mẽ. Chiếc giếng của gia đình này nước rất trong, có cả nhà tắm mới được xây xong, Bác khen rất tốt.

Thăm giếng xong, một cán bộ chạy ra dẫn đường và nói - Thưa Bác đi đường nào tiếp? Bác bảo, cho Bác thăm chỗ vệ sinh của một gia đình… Vào tới một hộ, có cây tre bắc ngang, Bác nói với ông Bí thư xã - “chú ngồi đây Bác nhờ, chú ngồi thử cho Bác xem, chú ngồi còn bị ngã, huống chi các cụ già, trẻ em. Như thế này, khi Bác về thì xong rồi”. Bác phê bình thẳng thắn cán bộ xã và thực tế đó được sửa đổi ngay sau sự kiện Bác về thăm.

Tôi còn nhớ, khi Bác ngồi ở khu Hợp tác xã Lạc Trung - Bác hỏi Bí thư xã - “chú cho Bác biết, dân hiện nay có được cơm no, áo ấm không? ông Bí thư nói - “Dạ dân hiện nay được cơm no, áo ấm ạ”. Nhưng một cụ ngồi gần đó (bà là mẹ của Bí thư xã) đứng lên - “Thưa Bác, hiện nay dân còn đói rách lắm, cán bộ nói thế không đúng”. Bác liền quay sang Bí thư - “Chú nói thế không đúng rồi, chú nói vậy Bác về nói với Trung ương cũng không đúng. Bây giờ làm gì có cơm no, mặc ấm, cơm nhường cho đồng bào miền Nam, phải đánh thắng giặc Mỹ ta mới được ăn no, mặc ấm”.

… Ngày ấy cũng như bây giờ, cảm xúc rưng rưng vẫn hiện hữu trong tim ông Chúng. Đằng sau bức ảnh đen trắng bình dị ngày ấy là những câu chuyện kể và mở ra những bí mật vô cùng xúc động về Bác, Bác quan tâm về cuộc sống hằng ngày, cơm ăn, nước uống tới chuyện sinh hoạt - từ những chi tiết nhỏ nhất, Bác trăn trở để làm sao cho dân no ấm, cuộc sống vươn lên… Bác không quản ngại tới những nơi xa xôi…, Bác không chỉ nghe cán bộ nói, không chỉ xem những bản báo cáo thành tích trên giấy mà đi tới tận nơi với dân, sống cùng dân, trải nghiệm khó khăn cùng dân để thay đổi cuộc sống mỗi người, mỗi nhà… được tốt hơn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website