Nêu cao y đức người thầy thuốc

 Ca phẫu thuật sinh con an toàn tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Lần thứ 2 sinh con, chị Lê Thị Tuyết (TP Hải Dương) tiếp tục lựa chọn Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là nơi đón con yêu chào đời. Không riêng chị Tuyết mà rất nhiều sản phụ đã sinh lần 1, lần 2, có người sinh tới lần thứ 3 vẫn chọn nơi đây. Điều làm nên thương hiệu của Bệnh viện không chỉ là chất lượng chuyên môn cao, sinh nở an toàn “mẹ tròn con vuông” mà còn là sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế với người bệnh.

Với 22 năm kinh nghiệm trong thực hiện đỡ đẻ, nữ hộ sinh trưởng Khoa Sản đẻ, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh Đỗ Thị Phượng, chia sẻ: Chúng tôi luôn đồng hành bên cạnh sản phụ và em bé từ cơn chuyển dạ cho đến lúc chăm sóc hậu sản. Ngoài ra, từ năm 2016, Bệnh viện đã cung cấp thêm phương pháp “da kề da”, tức là trẻ sau khi lọt lòng được tiếp xúc “da kề da” với ngực hay bụng mẹ và được bú sớm trong giờ đầu sau sinh.

  

Chị Lê Thị Tuyết (TP Hải Dương) được nhân viên y tế Bệnh viện Sản Nhi hướng dẫn cho con bú mẹ

Chị Lê Thị Tuyết, cho biết: “Dù đau đớn khi vừa sinh con nhưng được “da kề da” với con, được cho con ăn những giọt sữa đầu tiên, tôi cũng như những người mẹ khác đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Lúc này, nữ hộ sinh chính là người giúp gắn kết mẹ và con. Các chị đã hướng dẫn những thao tác vỗ về để con không khóc và bú mẹ.

Phục vụ và hỗ trợ bệnh nhân bằng những kỹ năng chuyên nghiệp là yêu cầu mà Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đặt ra với đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị, nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” trong ngành Y tế. Điều này đã làm thay đổi phong cách phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện và được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cảm mến.

  

Ông Nguyễn Văn Hồng (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) đang được bác sĩ khám, tư vấn bệnh.

Ngay khi đến làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Nguyễn Văn Hồng (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), đã được những nhân viên tổ công tác xã hội tận tình đo thân nhiệt, chỉ dẫn lấy số thứ tự, hướng dẫn vị trí khoa, phòng khám bệnh. “Cung cách phục vụ ở Bệnh viện giờ khác xưa rất nhiều, nhất là thái độ của y, bác sĩ. Tôi vừa đến sảnh của Bệnh viện đã được nhân viên y tế chào đón bằng nụ cười niềm nở. Thấy tôi bị đau chân, nhân viên đã đưa tôi đến tận phòng khám”, ông Hồng, cho biết.

Tương tự như vậy, tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tiên Yên, nhân viên tổ công tác xã hội ngoài việc tư vấn, hướng dẫn người bệnh lấy số thứ tự để đăng ký khám bệnh, còn đưa người bệnh đến từng khoa, phòng. Bởi, trong số người bệnh đến khám có nhiều người lớn tuổi, là người dân tộc không biết tiếng Kinh nên việc đọc tên các khoa, phòng rất khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Linh, Tổ trưởng Tổ công tác xã hội, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, chia sẻ: Mỗi ngày, chúng tôi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nên tinh thần, thái độ phục vụ của mỗi cá nhân đều là hình ảnh của đơn vị. Điều đầu tiên, chúng tôi cần thực hiện là làm sao đáp ứng được nhu cầu, hài lòng của người bệnh. Những trường hợp bệnh nhập viện điều trị mà không có người nhà chăm sóc, chúng tôi hỗ trợ đưa bệnh nhân đi khám bệnh”.

  

Nhân viên tổ công tác xã hội, TTYT huyện Tiên Yên hướng dẫn người dân lấy số thứ tự khám bệnh

Không chỉ trong những công việc thường nhật, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, mỗi cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh đã nỗ lực hết mình và luôn có mặt trên nhiều hoạt động khác nhau. Chưa bao giờ mà khối y tế dự phòng hoạt động hết công suất ở mọi góc độ, từ khâu kiểm dịch y tế quốc tế ở sân bay Vân Đồn cho đến các khu cách ly tập trung của các địa phương, ở các khu cách ly tập trung trong các cơ sở y tế; từ khâu điều tra người tiếp xúc với người mắc bệnh cho đến công tác làm xét nghiệm lên đến hàng nghìn trường hợp,... Và chưa bao giờ nhân viên y tế thuộc khối khám chữa bệnh đã và tiếp tục sẵn sàng luân phiên đến công tác tại các bệnh viện dã chiến của tỉnh chuyên tiếp nhận và chăm sóc người bệnh nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 cho dù biết rằng luôn có nhiều nguy cơ rình rập đến chính sức khoẻ của mình.

Có thể thấy, các cơ sở y tế trong tỉnh thời gian qua đều chú trọng xây dựng phong cách phục vụ văn minh, thân thiện. Mỗi nhân viên y tế đã ý thức hơn đến việc rèn luyện thái độ ân cần phục vụ người bệnh trong mọi hoàn cảnh.

 

Xạ trị ung thư tại Bệnh viện Bãi Cháy

Khắc ghi lời dạy của Bác, ngành Y tế Quảng Ninh đã kiên trì phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ để đưa sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân lên tầm cao mới. Quảng Ninh đã triển khai được trên 2.100 kỹ thuật chuyên sâu của tuyến trung ương. Nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo trong các lĩnh vực tim mạch, ung bướu, vô sinh hiếm muộn, thần kinh sọ não, chấn thương... nếu trước kia phải chuyển lên tuyến trung ương thì nay đã có thể điều trị ngay tại địa phương. Tỷ lệ chuyển tuyến nhiều năm liên tục giảm, chỉ còn dưới 1%. Kết quả này đã khẳng định được năng lực của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và lòng tin của người bệnh đối với đội ngũ y bác sĩ.

Các chỉ tiêu y tế của Quảng Ninh hiện đều vượt mức đề ra và cao hơn so với bình quân cả nước. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 14,8 (cả nước là 9 bác sĩ); tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 54,6 (cả nước là 29,5); tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 95% (cả nước đạt 90,7%); 100% người nghèo, đối tượng chính sách được khám chữa bệnh bằng BHYT; trên 97% dân số được khởi tạo hồ sơ sức khỏe. Tuổi thọ bình quân của người dân Quảng Ninh đạt 75 tuổi (cả nước đạt 73,7 tuổi).

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong thời gian qua, tinh thần “Lương y như từ mẫu” đã được các cơ sở y tế chú trọng xây dựng và đã có sự lan tỏa sâu rộng. Qua đó, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh, người nhà bệnh nhân hàng năm đối với các bệnh viện, trung tâm y tế đều đạt trên 90%, một số đơn vị đạt sự hài lòng trên 95%”./.

Nguyễn Hoa

Theo http://baoquangninh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website