Lào Cai: Học Bác mỗi ngày để thêm yêu nghề, mến trẻ

Những ngày cuối năm, đường lên điểm trường thôn San Lùng, Trường Mầm non Bản Vược đặc sương mù. Vậy nhưng, cứ 5 giờ 30 phút mỗi sáng, 2 cô giáo Ngô Thị Thơm và Đặng Thị Văn lại cùng nhau vượt 10 km từ trung tâm xã lên điểm trường này. San Lùng là thôn vùng xa, còn nhiều khó khăn của xã Bản Vược, với 100% dân tộc Dao sinh sống. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Điểm trường San Lùng hiện có 24 học sinh học ở 1 lớp ghép 3 độ tuổi, trong đó có 2 em thuộc hộ cận nghèo và vài em có hoàn cảnh khó khăn do bố mẹ đi làm xa để các con ở nhà cho ông bà chăm sóc.

 

Cô giáo Ngô Thị Thơm trò chuyện và tuyên truyền kiến thức phòng, tránh dịch bệnh cho người dân.

Vừa tới điểm trường, cô giáo Ngô Thị Thơm đã vội vàng thay đồ để đi đón 1 học sinh đến lớp vì bố mẹ em đi làm xa, ông bà thì ốm, không đưa em đi học được. Trải qua quãng đường trơn trượt, mù sương và phải leo bộ gần 1 km, cô giáo Thơm mới tới được nhà học sinh. Tới nơi, cô thăm hỏi tình hình sức khỏe của ông bà, rồi vội vàng dọn dẹp nhà ở, rửa bát, gấp quần áo cho gia đình học sinh. Sự gần gũi, thân thiện của cô giáo Thơm khiến phụ huynh thêm yêu quý và tin tưởng giao cháu cho cô đưa tới trường học.

Cô giáo Thơm tâm sự: Nhiều năm gắn bó với học sinh ở đây và cũng từng nhiều lần đến tận nhà học sinh đón các em tới lớp, tôi không thấy vất vả hay mệt mỏi. Tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để chăm sóc, yêu thương và dạy dỗ các em nên người, giúp các em hiểu và yêu trường, yêu lớp, vì tương lai tươi sáng hơn.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Anh chị em giáo viên mẫu giáo phải luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo...”, cô giáo Thơm đã lấy tình yêu thương để cảm hóa trẻ, lấy sự kiên trì, nhẫn nại, không ngại khó, ngại khổ để hiểu, cảm thông hoàn cảnh của trẻ, lấy sự hiểu biết để dạy dỗ, khuyên bảo, định hướng tương lai cho trẻ. Đó cũng là cách mà cô giáo Văn cũng như các giáo viên ở Trường Mầm non Bản Vược thực hiện mỗi ngày.

Cô giáo Đặng Thị Văn, người bạn đồng hành cũng là đồng nghiệp của cô giáo Thơm tại điểm trường thôn San Lùng là người có 10 năm công tác ở vùng cao (Trường Mầm non Mường Hum - Bát Xát) cho biết: Tháng 10/2021, tôi được chuyển về công tác tại Trường Mầm non Bản Vược. Mặc dù được Ban Giám hiệu nhà trường sắp xếp công tác tại lớp thuận lợi với lý do tôi vừa từ vùng khó khăn hơn chuyển về, nhưng tôi đã xung phong lên thôn San Lùng vì thấy nhiều đồng nghiệp có con nhỏ hơn, không thuận tiện nếu họ phải dạy ở các điểm trường xa. Tôi coi học sinh như con mình, chỉ mong làm được gì đó cho các cháu nhỏ ở đây.

Với tấm lòng yêu trẻ như con mà sau những giờ giảng dạy trên lớp, các cô giáo còn dạy kỹ năng sống và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các em rèn luyện sự mạnh dạn, hoạt bát… Thương học sinh mùa đông chỉ có manh áo mỏng, chân không tất, không giày, các cô lại quyên góp từ anh em, bạn bè, người thân mang lên điểm trường cho các em. “Chúng tôi không có điều kiện để mua đồ mới, nhưng thấy học sinh mặc không đủ ấm thì rất thương, chỉ muốn tìm được thật nhiều quần áo ấm tặng các em. Mỗi lần thấy các em tươi cười, hớn hở thử đồ các cô đem tới lớp, tôi lại rơm rớm nước mắt”, cô giáo Thơm chia sẻ.

Các cô giáo điểm trường thôn San Lùng sơn sửa lại đồ dùng, đồ chơi cho học sinh.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các cô giáo ở đây vẫn luôn dành mọi thứ tốt nhất có thể cho học sinh của mình. Ngày nào cũng vậy, tranh thủ giờ nghỉ trưa, các cô lại chỉnh trang lớp học, khuôn viên trường, sửa chữa và làm thêm đồ dùng, đồ chơi cho các em. Qua bàn tay các cô, chiếc lốp xe cũ trở thành những bồn hoa lung linh màu sắc; những chiếc ống nhựa bỏ đi trở thành những giỏ treo đựng đồ đẹp mắt; ngựa gỗ, xích đu, cầu trượt thường xuyên được các cô sơn sửa, vệ sinh sạch sẽ. Những việc làm ấy đều bắt nguồn từ lòng yêu nghề, mến trẻ vô bờ của 2 cô giáo.

“Các cô giáo dạy ở điểm trường thôn San Lùng nói riêng và 3 điểm trường khác của Trường Mầm non Bản Vược nói chung đều là những giáo viên tận tụy, tâm huyết, rất yêu nghề, thương trẻ, luôn có những việc làm, hành động ý nghĩa, giúp học sinh có điều kiện tốt nhất để học tập. Nhà trường luôn đánh giá cao và biểu dương, động viên kịp thời các cô giáo tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là khắc ghi lời dạy của Bác dành cho giáo viên mầm non, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người”, cô giáo Hoàng Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Vược khẳng định.

Học và làm theo Bác mỗi ngày, 2 cô giáo Ngô Thị Thơm và Đặng Thị Văn cũng như nhiều giáo viên của các điểm trường vùng cao như những nốt nhạc trong trẻo, vang mãi trong hành trình sống và làm việc vì mục tiêu: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai!

Hoàng Thương

Theo https://baolaocai.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website