Kỷ niệm từ những lần được gặp Bác Hồ

Gặp Bác Hồ trong những ngày thường đã đặc biệt, được gặp Người trong dịp Tết đến xuân sang thì còn gì vinh dự bằng. Ở Quảng Ninh, có nhiều người vinh dự gặp Bác Hồ vào Tết Ất Tỵ 1965. Năm đó, để biểu dương thành tích của quân và dân Quảng Ninh trong chiến đấu và sản xuất sau 1 năm hợp nhất, Bác Hồ đã về ăn Tết với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Bà Trần Thanh Nhàn (hiện ở số nhà 107, Lê Thánh Tông, TP Hạ Long) lúc đó là học sinh lớp 7C, Trường Cấp 2 Hòn Gai (nay là Trường THCS Lê Văn Tám) là một trong số 12 đội viên Đội Thiếu niên danh dự của TX Hòn Gai, được vinh dự tặng hoa Bác.

 

Bác Hồ tươi cười đón nhận bó hoa tươi thắm từ học sinh Nguyễn Thị Phương Lan vào ngày mồng một Tết Ất Tỵ (1965). Ảnh do Nhà Truyền thống Uông Bí cung cấp.

Bà Nhàn nhớ lại, năm ấy bà vừa đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ về nên được chọn vào Đội Thiếu niên danh dự. "Tôi vinh hạnh là được ôm bó hoa lên tặng Bác. Lúc đó, tôi mặc áo sơ mi trắng đồng phục để đón Bác. Bác hỏi ngay, cháu có rét không? Tôi thưa không ạ! Bác gật đầu, rồi Người ra sân khấu nói chuyện với đồng bào" - Bà Nhàn xúc động nhớ lại.

Kỷ niệm về Bác Hồ, sự quan tâm ân cần của Người là những lời động viên nhắc nhở bà Nhàn ra sức học tập, phấn đấu để rồi trở thành một cán bộ y tế dự phòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bà luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với sự quan tâm của Bác Hồ.

Một học sinh khác cũng được gặp và tặng hoa Bác Hồ trong dịp Tết Ất Tỵ là bà Nguyễn Thị Phương Lan. 56 năm đã trôi qua nhưng đến tận bây giờ, bà Nguyễn Thị Phương Lan vẫn còn nguyên cảm giác rưng rưng xúc động khi kể lại câu chuyện được gặp và tặng hoa Bác Hồ. Bà Lan sinh năm 1952, ở phường Trưng Vương (Uông Bí). Năm 1963, bà là đại diện học sinh Uông Bí đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh. 2 năm sau thì bà được trực tiếp gặp Bác Hồ.

Bà Lan kể lại: "Hôm ấy là mùng 1 Tết Nguyên đán, tôi đang là học sinh lớp 4 và 6 bạn thiếu niên xuất sắc nhất được chọn từ các trường học trên địa bàn thị xã Uông Bí được triệu tập để chào đón đoàn đại biểu cấp cao. Trong đó, tôi được giao nhiệm vụ tặng hoa cho một vị lãnh đạo cao cấp nhất trong đoàn. Lúc đó, chúng tôi không biết là ai".

Theo lời kể của bà Lan, buổi sáng sớm, 7 học sinh được triệu tập sớm về sân bãi khu chuyên gia Liên Xô ở (nay là trụ sở Công ty Than Uông Bí). "Khi Bác Hồ đến, chúng tôi và 3 thiếu nhi Liên Xô cùng bước lên chúc mừng đoàn. Tôi vui mừng và vinh dự được ôm bó hoa tươi thắm lên tặng Bác. Một tay Bác đỡ bó hoa, một tay Bác xoa mái tóc tôi. Bác khen: Cháu ngoan lắm! Ánh mắt Bác vô cùng trìu mến. Ánh mắt ấy khiến tôi xúc động vô cùng. Không sao tả xiết niềm vui lúc bấy giờ… Sau đó, Bác chia quà cho chúng tôi. Rồi Bác quay xuống chúc Tết đồng bào. Giọng nói của Người trầm ấm, gần gũi thân thương vô cùng” - bà Lan xúc động nhớ lại. Đến tận bây giờ lời nói trầm ấm của Bác Hồ vẫn còn vang vọng trong tâm trí bà Lan. Hơn nửa thế kỷ nay bà Lan đã làm thơ về những cảm xúc khi được gặp Bác Hồ.

 

Bác Hồ với thiếu nhi Ngọc Vừng năm 1962. Ảnh tư liệu do ông Nguyễn Cảnh Loan (TP Hạ Long) cung cấp.

Không chỉ được gặp Bác mà còn được Người căn dặn uốn nắn trong công việc, đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, hiện ở thôn Đông Hợp, xã Đông Xá (Vân Đồn). Ngày 13/11/1962, khi Bác Hồ về thăm xã đảo Ngọc Vừng, bà Xuân khi ấy là giáo viên dạy lớp mẫu giáo trên đảo. Bà Xuân kể: Khi Bác bảo tôi bắt nhịp cho các em học sinh hát, tôi cho các em hát bài “Em là thiếu niên tiền phong”. Do luống cuống bắt nhịp các em hát chưa chuẩn, lúc đó, Bác ân cần dắt tay tôi và bảo: “Cháu phải bắt nhịp như Bác thế này”.

Rồi Bác bắt nhịp cho thiếu nhi hát bài Kết đoàn. Mọi người ai nấy đều cười vang và hát rất vui. Tôi không nghĩ rằng một vị lãnh tụ dân tộc lại có thể gần dân như thế. Bác hoàn toàn không có sự xa cách mà như thể là chúng tôi được đón một người thân thiết trở về

Bà Xuân xúc động thấy lại hình ảnh của mình thời trẻ.

Đối với một số người Quảng Ninh chỉ cần gặp Bác một lần là đã không thể nào quên. Đằng này có người lại được gặp Bác nhiều lần trong đời như ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh thì quả thực vinh dự càng gấp bội. Trong đời hoạt động cách mạng của mình, ông Nguyễn Ngọc Đàm đã vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên.

Mùa xuân 1946, ông Đàm được cấp trên điều từ Bắc Giang ra khu mỏ Hồng Gai hoạt động ở vùng hậu địch. Ông Đàm thỉnh thoảng có về khu dự hội nghị hoặc báo cáo tình hình, cũng được trông thấy Bác ở hội nghị, nhưng chưa lần nào được gặp Bác nên rất mong ước được trực tiếp gặp Người. Năm 1954, hoà bình lập lại, khu mỏ Hồng Gai nằm trong phạm vi khu tập kết 300 ngày do Hiệp nghị Giơ-ne-vơ quy định. Lúc này, ông Đàm là quyền Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Đặc khu Hồng Gai nhận được bức điện của Văn phòng Trung ương Đảng, gọi lên Hà Nội báo cáo trực tiếp với Bác.

Bà Trần Thanh Nhàn xem lại những bức ảnh về Bác Hồ tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Ông Đàm kể: Đầu xuân năm 1955, năm đó rét. Tôi từ căn cứ đạp xe ra đi. Khoảng hơn 5 giờ chiều, tôi đến Phủ Chủ tịch. Đồng chí Phạm Văn Đồng bắt tay tôi giới thiệu với Bác. Bác bảo báo cáo luôn tình hình dưới mỏ. Nghe báo cáo xong, Bác khen ngợi tinh thần đấu tranh của anh chị em công nhân mỏ và cho một số chỉ thị. Bác căn dặn: Phải bảo vệ tất cả tài sản của mỏ, không để cho địch mang đi, để đến khi ta về tiếp quản có thể sản xuất được ngay. Đấy là lần đầu tiên được ngồi bên Bác, báo cáo với Bác và nghe Người chỉ thị. Thời gian khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng sao nó nhanh thế.

Lần thứ hai ông Đàm được gặp Bác Hồ là vào tháng 10/1957, khi Bác về thăm Hồng Quảng. Hôm đó, ông Đàm nhận lệnh sang Bãi Cháy tiếp khách, không rõ khách là ai nên ăn mặc sơ sài. Đến khi gặp Bác Hồ, Bác nói vừa vui, vừa nghiêm: Chú là Chủ tịch tỉnh mà đón Chủ tịch nước chỉ mặc quần áo sơ mi thôi à! Sao không có áo khoác ngoài?

Học sinh Trần Thanh Nhàn, lớp 7C, Trường Cấp 2 Hòn Gai (nay là Trường THCS Lê Văn Tám) tặng hoa Bác Hồ. Ảnh từ phim tài liệu "Bác Hồ với Vùng mỏ".

Ông Đàm nhớ lại: Lần ấy tôi được Bác giáo dục một bài học sâu sắc về lễ nghi đón khách, vý thức tôn trọng khách và cũng là tôn trọng mình. Tôi vô cùng ân hận về thiếu sót của mình, nhưng cũng lại thấy được một cách cụ thể nhất sự thương yêu cán bộ của Bác, từ việc nhỏ đến việc lớn, tất thảy Bác đều quan tâm, săn sóc, bảo ban cặn kẽ như người Cha hiền từ, rộng lượng.

Lần thứ ba, ông Đàm gặp Bác Hồ vào mùa hè năm 1959. Ông Đàm và ông Trần Đường, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính TX Hồng Gai, sang Bãi Cháy (nơi Bác nghỉ) để tiễn Bác về Hà Nội. Đến nơi gặp Bác thì được ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác từ trong nhà đi ra, đưa cho một tập báo “Vùng mỏ” trong đó có chữ Bác ghi bằng chì đỏ. Ông Đàm kể: Tôi giở từng trang báo ra xem, chỗ nào cần chú ý Bác đều đánh dấu chì đỏ. Hàng ngày Bác có bao nhiêu công việc phải lo, Bác bận rộn suốt ngày, thế mà Bác vẫn dành thì giờ đọc báo các nơi, chỉ ra những điều cần chú ý mà tờ báo đã phản ánh, việc làm của Bác chẳng những giáo dục thiết thực chúng tôi về việc đọc báo Đảng, mà còn nêu một bài học về sự quan tâm đến bất cứ công việc gì dù to, dù nhỏ của địa phương.

Nhìn anh Trần Đường thắt ca-vát, Bác bảo: Sao chú không mặc như chú Đàm mà mặc sang thế! Anh Trần Đường mạnh dạn thưa lại vì thấy ở Liên Xô, bạn bè cũng thắt ca-vát, nên tưởng ta cũng có thể dùng được. Nghe xong, Bác bảo: Ta hiện nay chưa bằng Liên Xô, Bác không cấm các chú ăn mặc, nhưng hiện nay dân ta còn nghèo, không nên làm cái gì có ý cách biệt dân. Ta chỉ nên dùng khi tiếp khách nước ngoài…

Giữa năm 1960 đó Bác Hồ xuống mỏ. Ông Đàm đưa Bác đi thăm đảo Tuần Châu. Ông Đàm kể: Đến Tuần Châu, tôi đưa Bác đi một số nơi ở ven đồi, không dám đưa Bác lên núi sợ Bác mệt. Nhưng Bác bảo, đã ra đến đây thì phải lên núi cao mà nhìn mới thấy hết cái đẹp của đất nước. Bác leo núi còn khoẻ. Lên đến đỉnh núi, Bác chỉ tay ra phía Vịnh Hạ Long nói: Bác đi đã nhiều nơi, nhưng không có cảnh ở đâu đẹp bằng ở đây. Theo tay Bác chỉ, tôi nhìn ra xa phía Vịnh Hạ Long chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Tổ quốc. Có lẽ cũng chỉ lần ấy, trong đời tôi ở Khu mỏ này mới thấy hết cái đẹp của Vịnh Hạ Long, mặc dầu rằng tôi có dịp đi Vịnh nhiều lần. Nhưng lại càng đẹp hơn, to lớn hơn và hùng vĩ hơn, khi nhìn Bác như một ông tiên đứng trên núi cao lộng gió hoà với cảnh sắc thiên nhiên của Tổ quốc. Thật là những giây phút hiếm có trong đời!

Bà Nguyễn Phương Lan luôn nâng niu những kỷ niệm về Bác Hồ trong suốt cuộc đời mình.

Bác dạy tiếp: Các chú phải trồng cây và xây ở đây một cái nhà khách cho Chính phủ. Sau này các vị nguyên thủ các quốc gia có sang thăm ta, Bác sẽ đưa đến đây tham quan, nghỉ ngơi hoặc hội đàm ngay trên Vịnh Hạ Long này, ký kết trên Vịnh Hạ Long.

Lần thứ năm ông Đàm được gặp Bác và tiếp khách cùng Người là vào năm 1961, Bác đưa một đồng chí ở Trung Quốc trước đây đã tích cực giúp cách mạng Việt Nam xuống thăm mỏ. Tôi được Bác cho mời sang cùng tiếp khách với Bác.

Trong một bữa cơm thân mật, Bác nâng cốc chúc sức khoẻ mọi người. Tôi cũng nâng cốc làm theo Bác, nhưng rồi lại để xuống bàn. Thấy thế Bác nói: Chú này không uống được rượu. Các chú ở khách sạn lấy vang trắng cho chú ấy uống. Đồng chí đại sứ Hà Vỹ thưa với Bác là tôi cũng uống được rượu. Bác nhìn mặt tôi rồi nói luôn: Trông mặt này không uống được rượu, chưa uống mặt đã đỏ như Quan Công. Thôi cứ lấy vang trắng cho chú ấy uống!

Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, kể lại những lần được gặp Bác Hồ.

Thật ra thì tôi cũng uống được rượu, tuy không nhiều. Nhưng được ngồi tiếp khách cùng Bác tôi không dám uống. Bác biết tôi giý nên nói tránh đi, vì Bác cũng hiểu nỗi băn khoăn của những người theo Bác, nhất là trong buổi tiếp khách trang trọng.

Đầu năm 1965, Bác về vui Tết với đồng bào Quảng Ninh. Đây là lần thứ sáu ông Đàm được gặp Bác và cũng không ngờ rằng Bác về thăm lần ấy lại là lần cuối cùng. Lúc này, ông Đàm đang làm Bí thư Đảng uỷ mỏ Hồng Gai sang nhà khách ở Bãi Cháy chúc tết Bác. Bác bảo sao không cho cháu bé sang chơi với Bác. Ông Đàm xúc động nhớ lại: "Tự nhiên lòng tôi rộn lên. Tôi cảm động đến rơm rớm nước mắt và thật là tiếc vô cùng".

Ông Nguyễn Ngọc Đàm chia sẻ: "Tôi liên hệ đời tôi, từ một người thợ được Đảng và Bác giáo dục dạy dỗ, ngày càng trưởng thành, may mắn công tác ở một khu công nghiệp giàu tài nguyên nên Bác thường về thăm và cho nhiều chỉ thị khiến cho công tác của mình có thêm thuận lợi".

Vinh dự đến 6 lần trực tiếp gặp Bác nhưng ông Đàm không còn giữ được một cái ảnh nào chụp riêng với Bác. Chỉ có một cái ảnh tập thể chụp chung với rất nhiều người. Nhưng còn một hình ảnh quan trọng hơn như chia sẻ của ông: Tôi vẫn cứ nghĩ rằng Bác còn đây. Bác vẫn dạy dỗ những điều cần phải làm cho cách mạng, cho dân, cho nước và những điều để rèn luyện bản thân. Và tôi nghĩ, đó là nguồn hạnh phúc nhất của con người được sống và hoạt động trong thời đại Hồ Chí Minh.

Phạm Học (Thực hiện)

Theo https://baoquangninh.com.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website