Hồi ức của người cảnh vệ năm xưa về những lần gặp Bác Hồ

 Ông Trần Hỷ kể lại những lần được gặp Bác Hồ với con trai và cán bộ văn hóa xã Bình Sơn.

Tháng 4-1963, lúc đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Sơn (thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ), ông Hỷ nhận lệnh lên đường nhập ngũ, sau đó công tác tại Trung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an). Đơn vị của ông có nhiệm vụ vũ trang bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các mục tiêu trọng yếu của Đảng, Nhà nước.

Đơn vị nằm giữa trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử, trên phố Ngọc Hà (trụ sở Bệnh viện Sĩ quan Quân đội Pháp cũ). Địa điểm này gần nơi ở của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương, Chính phủ trên đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, rất thuận tiện cho công tác bảo vệ lâu dài.

Sau 5 tháng huấn luyện, ông Hỷ được điều chuyển về Đại đội 4, nhiệm vụ là cơ động tham gia bảo vệ các cuộc mít tinh, đưa đón khách nước ngoài, các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, các điểm chốt Bác đến làm việc...

Năm nay 87 tuổi, tóc đã bạc, tai đã lãng song trí nhớ của ông Hỷ còn rất minh mẫn. Mọi chuyện cách đây gần 60 năm nhưng với ông như mới xảy ra hôm qua. Rót chén nước trà nóng hổi mời chúng tôi, ông đưa tay vuốt chòm râu bạc trắng, dõi ánh mắt xa xăm hồi tưởng về lần đầu gặp Bác, năm 1965.

Ông kể: Ngày 21/12/1965, Trung đoàn chúng tôi tổ chức Đại hội Thi đua với khoảng 100 người do đơn vị cơ sở bình chọn về dự. Tôi là một trong những chiến sĩ có mặt hôm đó. Trong khi mọi người đang nghe Chính ủy Trung đoàn Lê Liêm báo cáo tổng kết thì có tin Bác đến chúc mừng. Bác đi bộ từ phía sau lễ đài Ba Đình, qua vườn tăng gia của đơn vị vào hội trường. Cùng đi với Bác còn có đồng chí Vũ Kỳ và anh Tăng Tiến Soái bảo vệ Bác. Lúc ấy, tôi nhớ, cả hội trường phấn khích đứng dậy reo to: Bác đến! Bác bước vào và vẫy tay ra hiệu mọi người ngồi xuống. Tôi ngồi hàng ghế thứ ba, trong niềm vui hân hoan, mắt không rời khỏi Bác. Sau những giây phút cảm động, đồng chí Chính ủy Trung đoàn Lê Liêm báo cáo về tình hình cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn với Bác. Nghe xong, Bác phát biểu khen ngợi Trung đoàn và nói: “Bác đến thăm và rất phấn khởi thấy các chú tiến bộ. Bác có quà tặng các chú. Nhưng ít quá, ít mới quý”.

Món quà Bác tặng là chính tay gắn Huy hiệu cho 5 cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc nhất của đơn vị là: Đại đội trưởng Phùng Văn Thương, Trung đội trưởng Trần Văn Nhỏ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Lập, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Nam và giáo viên văn hóa Nguyễn Văn Tuyên.

Bác còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn phải đề cao cảnh giác vì đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc, chắc chắn sẽ tấn công Hà Nội. "Các chú phải nhớ thực hiện khẩu hiệu: Lúc có địch coi như không có địch. Khi không có địch coi như có địch (nghĩa là khi có địch phải bình tĩnh, không được rối trí để đối phó chúng. Khi không có địch vẫn phải đề cao cảnh giác, không được coi thường). Kết thúc buổi nói chuyện, Bác hỏi to: “Các chú có thực hiện được không”? Cả hội trường đồng lòng hô to: “Thưa Bác, chúng cháu làm được ạ!”.

Ngừng lời một lúc, ông Hỷ kể tiếp: Lần thứ hai tôi được gặp và nghe Bác nói chuyện là vào tháng 9-1966, Đại đội của tôi nhận nhiệm vụ cơ động bảo vệ Bác lên K9, còn gọi là khu Đá Chông - B1 Sơn Tây. Khoảng 15 giờ hôm đó, khi các cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đang ngồi giải lao trên bãi cỏ, ăn chuối thì Bác đi tới. Thấy Bác, chúng tôi đứng dậy nghiêm trang chào. Bác đến vỗ vai thân tình từng người và hỏi han rất ân cần một chiến sĩ tên Ma Văn Khoát: Chú tên gì, bao nhiêu tuổi, quê ở đâu? Chú nặng bao nhiêu cân? Chú học lớp mấy? Khi nào vào bộ đội? Có hay đọc báo không? Rồi Bác cầm que vạch xuống đất hình bản đồ Việt Nam và hỏi: Chú có biết Sài Gòn ở chỗ nào trên bản đồ này không? Mấy ngày nay quân giải phóng đánh thắng Mỹ Nguỵ ở đâu? Chú có hay đọc báo không?...

Những câu hỏi của Bác rất đỗi thân tình, gần gũi. Bác còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải chăm đọc sách, báo, nghe đài để nắm thông tin trong nước và quốc tế cũng như bổ sung thêm nhiều kiến thức xã hội; chịu khó tập thể dục, rèn luyện thân thể để có sức khỏe phục vụ đất nước... "Anh em chúng tôi nhìn nhau rồi lại nhìn Bác mà trong lòng vô cùng cảm động trước vị lãnh tụ vĩ đại nhưng rất mực gần gũi, giản dị và luôn quan tâm tới cán bộ, chiến sĩ". - Ông Hỷ nói.

Năm 1973, ông Hỷ xuất ngũ, về công tác tại Công ty Than Bắc Thái. Sau đó, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin nghỉ về địa phương. Trở về xã, ông tích cực tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, như: Làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ và Câu lạc bộ Dưỡng sinh kinh lạc thao của xã. Ông cũng nhiệt tình “vác tù và hàng tổng” hàng chục năm ở xóm Xuân Đãng với vai trò Trưởng Ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm. Sống giản dị, trách nhiệm, hết lòng với công việc tập thể, nên ông luôn được mọi người yêu mến, kính trọng.

Ngoài tham gia hoạt động xã hội, nhớ lời dạy của Bác, hằng ngày, ông Hỷ duy trì thói quen đọc sách, báo, nghe đài, xem tin tức thời sự trong nước và địa phương, sáng tác thơ, văn. Con trai ông, anh Trần Văn Khoa, cho biết: Trong tủ nhà tôi có rất nhiều sách, có cuốn đã cũ, màu ngả vàng ố vì thời gian nhưng vẫn được bố tôi giữ gìn cẩn thận, cụ vừa đọc, vừa cho những người yêu thích sách, báo trong xã truyền tay nhau mượn đọc.

Những thành tích, đóng góp của ông trong thời gian làm cảnh vệ được ghi nhận và được Chủ tịch nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Nhưng đối với ông Hỷ, quãng thời gian được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác, gặp Bác và nghe Bác nói chuyện là phần thưởng cao quý nhất. Ông luôn răn dạy các con cháu sống thật thà, chăm chỉ, chịu khó học tập, tu dưỡng đạo đức để trở thành người công dân tốt, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website