Hậu Giang: Đồng bào tôn giáo học và làm theo Bác

 Thượng tọa Thích Thông Hạnh phát quà cho người nghèo ở phường Bình Thạnh
trong dịp Tết Canh Tý năm 2020. Ảnh: tinhuyhaugiang.org.vn

Triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, các cấp ủy đảng tỉnh Hậu Giang đã chú trọng xây dựng các mô hình mới, cách làm sáng tạo, có hiệu quả trong đồng bào tôn giáo làm gương cho bà con làm theo.

Nhắc đến việc học và làm theo gương Bác ở tỉnh Hậu Giang, không thể không nói tới tấm gương của Thượng tọa Thích Thông Hạnh, Trụ trì chùa Long An, thị xã Long Mỹ. Là một trong những người đi đầu trong việc tuyên truyền Chỉ thị 05 đến các tăng ni, phật tử và bà con, Thượng tọa đã đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào các buổi giảng đạo cho tăng, ni, phật tử; xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” tại chùa để phục vụ cho tăng, ni, phật tử nghiên cứu, học tập về Bác. Bằng uy tín và đức độ của mình, Thượng tọa đã vận động nhân dân đóng góp hơn 8 tỷ đồng hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống...

Việc học và làm theo Bác được các cấp ủy tỉnh Hậu Giang tuyên truyền, vận động đến cả những chức sắc ở những đồng bào tôn giáo khác nhau. Hiểu và ủng hộ chủ trương của các cấp ủy, chính quyền tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (do ông Trần Văn Tín làm Trưởng ban) đã vận động nhân dân thi đua sống tốt đời, đẹp đạo, tự nguyện đóng góp hơn 10 tỷ đồng xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn, hỗ trợ cho người nghèo ổn định cuộc sống, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường...

Thiết thực học tập, làm theo Bác, năm qua, Đảng ủy thị trấn Mái Dầm còn triển khai mô hình “Phật giáo Hòa Hảo đồng hành công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”. Với mô hình này, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể thực hiện nhiều giải pháp giúp hộ dân ấp Phú Bình vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2019, mô hình giúp cho 15 hộ nghèo của ấp thoát nghèo bằng nhiều hình thức. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết thêm: “Thực hiện mô hình, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo hỗ trợ nhiều phương tiện làm ăn cho hộ nghèo theo nhu cầu như: máy gặt, máy tưới, máy hàn… Song song đó, các đoàn thể còn tạo điều kiện để các hộ này tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế. Nhờ kết hợp hỗ trợ nhiều mặt nên hộ nghèo có thêm điều kiện, động lực vươn lên thoát nghèo bền vững”. Từ hiệu quả mô hình “Phật giáo Hòa Hảo đồng hành công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”, năm 2020, dự kiến địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng sang 2 ấp khác.

Hay tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo bền vững” với sự tham gia của Hội đồng giáo xứ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và họ đạo giáo dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân cùng Đảng và Nhà nước tham gia tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương; vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ nhà ở, cây trồng, vật nuôi, tiếp cận các nguồn vốn vay,…. cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong 2 năm thực hiện mô hình tại Ấp 3, Ấp 4 xã Vĩnh Thuận Tây, Hội đồng giáo xứ họ đạo nhà thờ Xavier và Vịnh Chèo đã vận động, hỗ trợ xây dựng được 11 căn nhà tình thương cho 05 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo (mỗi căn trị giá 35 triệu đồng); hỗ trợ 22 con bò cho 11 hộ nghèo (trị giá 220 triệu đồng), đề xuất và hỗ trợ cho 12 hộ dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng chính sách với số tiền 340 triệu đồng. Đồng thời, chính quyền, ngành chuyên môn các cấp hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện để công tác hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên đạt kết quả tốt nhất. Với cách làm hiệu quả, mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo bền vững” đã giúp 34 hộ thoát nghèo, 25 hộ thoát cận nghèo (Ấp 4 có 26 hộ thoát nghèo, 15 hộ thoát cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 4,01%); Ấp 3 (thoát nghèo 08 hộ, thoát cận nghèo 10 hộ, tỷ lệ hộ nghèo của ấp còn 2,48%).

Ni trưởng Thích nữ Chí Liên chuẩn bị tập để hỗ trợ học sinh nghèo
vào đầu năm học mới tới đây. Ảnh: baohaugiang.com.vn

Nhận định về kết quả đạt được, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Những kết quả đạt được tuy còn khá khiêm tốn, nhưng đây là tiền đề, là nền tảng cho tuyên truyền, vận động bà con có đạo học tập và làm theo Bác. Quá trình thực hiện chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như: Có nơi, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở cơ sở còn thiếu chủ động, còn lúng túng trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình mới, cách làm sáng tạo và hiệu quả trong đồng bào các tôn giáo; có nơi còn trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên...

Để đồng bào tôn giáo tin và ủng hộ chủ trương, chính sách cũng như những cuộc vận động của chính quyền, các cấp ủy tỉnh Hậu Giang chú trọng thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ở những nội dung mới, toàn diện và sâu sắc; tìm những nội dung quan trọng, giải pháp căn cơ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ đó, Chỉ thị số 05 tạo luồng sinh khí mới thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc học tập và làm theo Bác, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Đảng bộ xác định phải phát huy vai trò của các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở; phải lấy sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu các cấp để tạo niềm tin trong đồng bào các tôn giáo. Tiếp đó, các cấp ủy chủ trương đẩy mạnh và thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo… để tạo niềm tin của bà con về những chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta; huy động, vận động cán bộ làm trước để nhân dân tin tưởng làm theo; qua đó tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa trong đồng bào các tôn giáo và toàn xã hội.

Đặc biệt, các cấp ủy đã phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ các đoàn thể chính trị - xã hội, những người phụ trách các cơ sở thờ tự, những người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động các tăng ni, phật tử, bà con có đạo tham gia học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể và hành động thiết thực, theo phương châm “mỗi cơ sở thờ tự làm việc một việc có ích cho cộng đồng”, “mỗi người làm một việc thiện” vừa đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa phù hợp với giáo lý của các tôn giáo.

Chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc trong đồng bào các tôn giáo thông qua các buổi đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể ở địa phương với đồng bào các tôn giáo trên địa bàn; tìm, phát hiện những gương tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo qua các phong trào thi đua để nhân rộng và phát huy …/.

DT

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website