Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhân điển hình mới trong học tập và làm theo Bác

 

Tỉnh ủy Yên Bái vừa tuyên dương mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023).
Tỉnh ủy Yên Bái vừa tuyên dương mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023).

 

Bám sát nội dung, tiêu chí, định hướng xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị đều nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến, từ đó, đưa chỉ tiêu xây dựng mô hình, điển hình gắn với các phong trào thi đua vào nhiệm vụ chính trị hàng năm; nêu cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến. 

 

Một số địa phương, đơn vị đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xây dựng được những mô hình hay, phù hợp với điều kiện thực tế như: Huyện ủy Yên Bình, Huyện ủy Trấn Yên, Huyện ủy Trạm Tấu...


Quá trình triển khai xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến đảm bảo bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, có sự thống nhất, đồng bộ từ quy trình thực hiện, việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu cho đến khâu kiểm tra, đôn đốc, rà soát, lựa chọn, đăng ký, bồi dưỡng, giúp đỡ các tập thể, cá nhân phấn đấu trở thành mô hình, điển hình tiên tiến. 

Các tập thể, cá nhân khi đăng ký xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến đều có ý thức vươn lên, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu không ngừng và đa số là những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc toàn diện, để trở thành những mô hình, điển hình tiên tiến thực sự xứng đáng, thực sự thuyết phục và có tính lan tỏa rộng rãi. 

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có trên 7.800 tập thể, cá nhân (trong đó, có 3.912 tập thể, 3.897 cá nhân) đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2015 - 2020. 

Cụ thể, cấp tỉnh có 556 tập thể, cá nhân (349 tập thể; 207 cá nhân); cấp huyện có 3.600 tập thể, cá nhân (1.727 tập thể; 1.873 cá nhân); cấp cơ sở có 3.794 tập thể, cá nhân (1.884 tập thể; 1.910 cá nhân). Qua rà soát, đánh giá, có 6.944/7.809 tập thể, cá nhân đạt các tiêu chí mô hình, điển hình tiên tiến (đạt 88,9%). 
 
Có thể kể đến các tập thể, cá nhân điển hình như: mô hình thôn người Mông đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của Chi bộ thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên; mô hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc của Đảng bộ xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ; mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của thôn Yên Dũng, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên và Chi bộ thôn Làng Cò, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn… 

Đó là những thầy thuốc với mô hình "Thầy thuốc tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc”; những chiến sĩ công an, bộ đội ngày đêm tận tâm cống hiến vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; những bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố luôn sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân; những thầy, cô giáo là hạt nhân của phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt”, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Rồi thêm những nghệ nhân ngày đêm trăn trở, tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, khôi phục nét văn hóa truyền thống bị mai một, thất truyền; những phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; những người nông dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu; những hộ gia đình dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng sẵn sàng hiến đất đai, ruộng, vườn cùng vật kiến trúc có giá trị để xây dựng nông thôn mới; những công nhân không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; những đồng bào công giáo đoàn kết, gắn bó lương - giáo, sống "tốt đời, đẹp đạo”, tích cực đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh… 

Ghi nhận từ hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo Bác, hơn 2 năm qua, có 461 tập thể, 598 cá nhân được khen thưởng, trong đó có 5 tập thể, 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen…

Thấm nhuần lời dạy của Bác: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”; lấy điển hình để tuyên truyền, giáo dục và nhân lên nhiều điển hình mới là một nội dung quan trọng để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. 

Những mô hình, điển hình tiên tiến sẽ là hạt nhân dẫn dắt, lan tỏa mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, hiệu quả trong toàn Đảng bộ tỉnh và trong xã hội. 

KHẮC GHI LỜI BÁC DẠY: "LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU”

Khắc ghi lời dạy của Bác: "Lương y như từ mẫu”, những năm qua, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã luôn tận tâm, tận tụy với người bệnh, nhất là Tổ công tác xã hội với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trong công tác chăm sóc, giúp đỡ người bệnh nên đã được Huyện ủy Văn Yên tuyên dương, khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tổ công tác xã hội gồm hơn 20 thành viên; trong đó, đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện trực tiếp làm Tổ trưởng. Hoạt động của tổ là hỗ trợ người bệnh, người nhà bệnh nhân và các nhân viên y tế giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám, chữa bệnh. 


Thay mặt nhà tài trợ, thành viên Tổ công tác xã hội, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Đặng Hồng Hường - Phó Giám đốc, Tổ trưởng Tổ công tác xã hội, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên chia sẻ: "Công tác xã hội không đơn thuần chỉ là đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám, chữa bệnh cho người bệnh ngay từ khi vào Khoa khám bệnh hoặc phòng khám bệnh mà còn hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám, chữa bệnh; tổ chức hỏi thăm người bệnh và người nhà người bệnh để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh để có phương án hỗ trợ; giúp đỡ và tìm nguồn tài trợ cho các bệnh nhân nghèo…”. 

Thời gian qua, với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm cao trong công việc, Tổ công tác xã hội đã hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ cho trên 225.400 lượt người bệnh về các thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị gần 111 triệu đồng; quyên góp, tiếp nhận ủng hộ cho bệnh nhân nghèo số tiền 103 triệu đồng; hỗ trợ 7,8 tấn gạo cho bệnh nhân chạy thận; hỗ trợ 14.000 suất ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo. 

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, Tổ và các cán bộ, nhân viên y tế đã quyên góp ủng hộ trên 58 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, vận động Ngân hàng Agribank huyện Văn Yên ủng hộ Quỹ Phòng, chống Covid -19 (năm 2021) được 40 triệu đồng...

Phát huy tinh thần "Tương thân, tương ái”, kể từ khi thành lập đến nay, Tổ thường xuyên thực hiện hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, là người neo đơn thông qua việc cấp phát cháo từ thiện cho người bệnh vào thứ 4 và thứ 6 hàng tuần; kêu gọi, ủng hộ cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải nằm điều trị nội trú dài ngày, mắc bệnh hiểm nghèo hay bệnh nhân không đủ khả năng kinh tế chữa bệnh.

Tổ còn phối hợp với Chi hội Thầy thuốc trẻ, Đoàn thanh niên hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa; tham gia hiến máu nhân đạo, tặng quà tết thiếu nhi (1/6) hàng năm cho trẻ em nghèo. 

Bên cạnh đó, Tổ còn xây dựng tủ đồ từ thiện với phương châm "Ai cần đến lấy, ai thừa đến cho” để hỗ trợ kịp thời cho các bệnh nhân nghèo; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: bóng chuyền, cầu lông cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia thi đấu, vui chơi, nâng cao sức khỏe. 

Những hoạt động này đã góp tạo phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái; góp phần thực hiện hiệu quả Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và đẩy mạnh Phong trào thi đua "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

CHÁY BỎNG VỚI TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT

Là giảng viên dạy giỏi cấp trường nhiều năm liên tiếp; đạt giải Nhất Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2020, giải Khuyến khích Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021..., giảng viên Trần Huyền Trang - Khoa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Yên Bái còn đam mê với sáng tác và tích cực tham gia các hoạt động Đoàn. Mới đây, giảng viên trẻ Trần Huyền Trang vinh dự là 1 trong 5 đại diện của Yên Bái được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII, năm 2023.

Với tình yêu dành cho Nghệ thuật Xòe Thái cũng như đã được tìm hiểu, nghiên cứu kết hợp cùng nhà thơ Khúc Hồng Thiện, giảng viên Trần Huyền Trang đã lên ý tưởng sáng tác ca khúc "Về với hội xòe cùng anh”. 

Đây là ca khúc đạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi sáng tác ca khúc của tỉnh năm 2022. Hiện nay, cô Huyền Trang đang giảng dạy chuyên ngành đàn tam thập lục và các môn học lý thuyết dành cho đối tượng cao đẳng, trung cấp âm nhạc, thanh nhạc chính quy và liên thông tại Khoa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Yên Bái. 


Giảng viên Trần Huyền Trang (ngoài cùng bên trái) trong giờ lên lớp.

Giảng viên Trần Huyền Trang chia sẻ: "Trong công việc chuyên môn, tôi nỗ lực, bằng chính đam mê và tâm huyết yêu âm nhạc từ nhỏ của mình. Tôi nghiêm túc trong công tác chuyên môn, lên lớp đúng giờ, hoàn thành đúng tiến độ. Soạn, giảng bài theo phương pháp đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm. 

Trong các năm học, tôi luôn đạt và vượt định mức giờ giảng được giao, đặc biệt trong công tác tuyển sinh, gọi tư vấn và tham gia biểu diễn cùng các đoàn tuyển sinh theo kế hoạch của nhà trường. Là thành viên ban nhạc và biểu diễn của nhà trường, tôi còn tích cực tham gia dàn dựng, biểu diễn các chương trình phục vụ nhiệm vụ của UBND tỉnh giao phó”. 

Được biết, sáng kiến "Luyện tập, biểu diễn các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị” được Hội đồng Khoa học nhà trường đánh giá tốt, có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Bên cạnh đó, với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, cô giáo trẻ Huyền Trang tham gia chỉ đạo trực tiếp khối nghệ thuật thực hiện các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao, sinh hoạt chủ điểm…; tích cực tham gia Chương trình "Thứ 6 xanh”, "Chủ nhật xanh”. 

Quan tâm, sát sao, thông tin tới sinh viên và tổng hợp hồ sơ cho sinh viên đăng ký danh hiệu sinh viên "5 tốt” cấp trường và cấp tỉnh; hướng dẫn sinh viên hoàn thiện hồ sơ học lớp nhận thức về Đảng và các hồ sơ liên quan đến nội dung khen thưởng cho học sinh, sinh viên. 
 
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện tuổi trẻ của Đoàn trường, cô Trang cùng Ban Chấp hành Đoàn trường đã vận động, kêu gọi ủng hộ Công trình "Thắp sáng đường quê” năm 2021 tại thôn Điệp Quang, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ với 25 bóng điện thắp sáng, tổng chiều dài 1.300 m; phối hợp với Huyện đoàn Trấn Yên hỗ trợ kinh phí chung tay cùng bà con nhân dân thôn 3 - xã Hòa Cuông mở rộng hội trường thôn; thăm hỏi, tặng quà tri ân các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, người có công với cách mạng vào các dịp lễ, tết… 

Đồng chí Đậu Ninh Thuận - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Yên Bái cho biết: "Với niềm đam mê và sự tận tâm trong công tác giảng dạy, cô Huyền Trang là tấm gương sáng cho giảng viên nghệ thuật tại Trường Cao đẳng Yên Bái. Cô Trang không chỉ truyền cảm hứng, tình yêu âm nhạc, nghệ thuật cho học sinh và sinh viên mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng học tập”. Với những ý tưởng, sáng kiến và tình yêu dành cho nghề, giảng viên trẻ Huyền Trang vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng.

NHỮNG HẠT NHÂN Ở CƠ SỞ

■ Bí thư chi bộ gương mẫu ở Làng Già
Ông Hoàng Ngọc Minh ở thôn Làng Già, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đã cùng Ban Chi ủy, trưởng các tổ chức đoàn thể bám sát địa bàn, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, xây dựng và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.


Ông Hoàng Ngọc Minh (bên trái) trao đổi về phát triển kinh tế gia đình với đảng viên trong chi bộ

Ông luôn gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân; tích cực tuyên truyền, vận động bà con vươn lên phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững, đến nay, trong thôn có trên 11 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,06%, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định.

■ Người có uy tín ở bản Tà Chí Lừ
Ông Thào Dủ Sinh tại bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, không chỉ là một thợ rèn giỏi mà còn là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ông và gia đình luôn tuân thủ chặt chẽ các chính sách và quy định của Đảng và Nhà nước, cũng như các hương ước của địa phương. Hơn nữa, ông đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động do địa phương tổ chức. Ông Thào Dủ Sinh đã góp phần quan trọng trong việc duy trì bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông, đặc biệt là trong lĩnh vực rèn dao. 


Lò rèn của ông Thào Dủ Sinh

Ông luôn yêu nghề và kiên nhẫn giữ gìn kỹ thuật rèn để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nhân dân. Bản Tà Chí Lừ có 224 hộ, 60% là hộ nghèo, là người có uy tín trong cộng đồng, ông Sinh đã tích cực vận động nhân dân thay đổi tư duy làm kinh tế, vận động nhân dân đóng góp làm đường, kiên cố kênh mương nội đồng, làm nhà cửa chắc chắn. 

■ Người gương mẫu ở Thủy Văn
Ông Hoàng Trung Cấp ở thôn Thủy Văn, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, được người dân địa phương yêu mến, tin tưởng. Không chỉ là người cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, ông Cấp còn hăng hái, nhiệt tình trong công tác tại địa phương. 


Ông Hoàng Trung Cấp (bên trái) cùng nhân dân thực tế mô hình trồng ngô năng suất cao.

Điển hình như trong việc thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh, kiên cố các tuyến đường nội thôn, ông đã tham gia cùng cấp ủy, các đoàn thể trong thôn vận động người dân hiến trên 4.000 m2 đất, riêng gia đình ông hiến hơn 1.400 m2, cùng với người dân trong thôn tổ chức lao động giải phóng mặt bằng, đổ bê tông các tuyến đường.

■ Xây dựng gia đình kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp ở Nậm Khắt
Năm 2018, anh Thào A Súa ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, trồng cây, trồng hoa, xây hòn non bộ, bếp ăn, cổng nhà, tường rào sắt, xây dựng khu chuồng trại xa nhà ở… trở thành gia đình kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 


Anh Thào A Súa giới thiệu về quán Sa Mộc

Năm 2022, phát huy vị trí đắc địa, nằm cạnh trung tâm xã Nậm Khắt, anh Súa và gia đình mở quán dịch vụ ăn uống và giải khát với tên gọi quán Sa Mộc để phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày cao của khách du lịch và người dân địa phương. Đến nay, đây là địa chỉ tin cậy đối với du khách, nhất là trong giới trẻ. Trung bình lượng khách đến quán của anh Súa đạt 200 lượt/ngày; cho tổng thu nhập đạt từ 20 - 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định tại chỗ cho 3 lao động.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website