“Tuổi già nhưng chí không già”
Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi. (Ảnh tư liệu)

Ngay từ khi mới về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi trong xã hội. Hồ Chí Minh coi người cao tuổi là lực lượng quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” tháng 6/1941, mở đầu, Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề...” [1] .

Trong tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của người cao tuổi, nhưng bên cạnh đó, Người cũng mong muốn những người cao tuổi phát huy hết trách nhiệm của mình, bởi người cao tuổi có kinh nghiệm, có uy tín và sự đức độ. Người viết “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào đầu bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão” [2] .

Khẳng định vai trò của các bậc cao niên, trong bài “Càng già càng giỏi” đăng trên báo Nhân dân, số 4218, ngày 22/10/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc, mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ cứu nước. Các cụ thường tuỳ điều kiện mà tổ chức đội Bạch Đầu quân để làm những công việc như: khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; giữ gìn trật tự, trị an trong làng xóm; giúp đỡ dân quân, tăng gia sản xuất; trồng cây gây rừng; cổ động bà con đặt hũ gạo chống Mỹ, cứu nước…” [3] .

Chỉ ít ngày sau khi đất nước vừa giành được độc lập, ngày 21/9/1945, trong thư gửi các cụ phụ lão đăng trên báo Cứu quốc, số 48, lấy danh dự của một người già nói chuyện với các vị phụ lão, Hồ Chí Minh không tán thành quan niệm “lão giả an chi” (người già nên ở yên), người viết “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng… Trong hoàn cảnh hiện tại, khi nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều bước khó khăn”. Để củng cố quyền tự do độc lập đó, Người mong muốn “bất kỳ già trẻ đều phải ra gánh vác một vai”. Người viết “Con cháu ta, thanh niên sức khoẻ thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ”. Người kêu gọi: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà” [4] .

Ngày 9/12/1961, trong buổi nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trách nhiệm của người cao tuổi là phải yêu quý, dìu dắt, bồi dưỡng lớp trẻ”. Người căn dặn: “Các đồng chí già là rất quý, là tấm gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Không những thế, Người còn cho rằng, người cao tuổi phải tự mình học tập thường xuyên, phải nâng cao dân trí bởi “Công việc ngày càng nhiều, càng mới…, đảng viên già phải cố gắng mà học”, để “chẳng những làm kiểu mẫu, siêng năng cho con cháu mà còn tỏ rõ ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam” [5] .

Với người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, động viên, khuyến khích. Dù là Chủ tịch nước và khi tuổi cũng đã cao, nhưng trong thư gửi cụ Phùng Lục phụ lão cứu quốc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (trước đây), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiêm tốn đứng vai của một người trẻ tuổi để viết: “Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà… Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ, trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc. Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng” [6] . Một vị Chủ tịch nước viết thư cho một công dân bình thường nhưng có tuổi thọ cao mà xưng hô “cháu” như vậy quả là nét đặc trưng của văn hóa ứng xử Á Đông, văn hóa Việt Nam, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Nói về việc khuyến khích, động viên người cao tuổi tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Các cấp đảng bộ và mặt trận các địa phương nên ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển đội Bạch Đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước” [7] .

Tựu chung lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn đánh giá cao vai trò của các cụ phụ lão và Người luôn luôn phát huy tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Ngày nay, tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, động viên, chăm sóc người cao tuổi, giúp các cụ sống vui, sống khoẻ, sống có ích. Bên cạnh đó, Người cao tuổi Việt Nam cũng luôn ra sức thực hiện tốt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những phong trào thi đua thiết thực “Tuổi cao - gương sáng”. Đó cũng chính là một trong nhiều hình thức để phát huy những giá trị văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt lời căn dặn của Người:

“Tuổi già nhưng chí không già

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh” [8] .

------------------------------

 

[1],[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập , Nxb Chính trị quốc gia, H2011, tập 3, trang 232.

 

[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập , sđd, tập 14, trang 635.

 

[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập , sđd, tập 4, trang 23.

 

[5] Hồ Chí Minh - toàn tập, sđd, tập 13, trang 272 - 273.

 

[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập , sđd, tập 5, trang 521.

 

[7] Hồ Chí Minh - Toàn tập , sđd, tập 14, trang 636.

 

[8] Hồ Chí Minh - Toàn tập , sđd, tập 13, trang 338.

 

Ban Tư liệu - Văn kiện (Sưu tầm và giới thiệu)


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website