Bác Hồ thǎm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. Ảnh tư liệu
Việt Nam là một quốc gia, dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Là người Việt Nam, có lẽ không ai không nhớ câu châm ngôn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Các thế hệ học sinh và nhà giáo chúng ta đều thấm nhuần truyền thống đó. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn-hóa”(1). Thầy giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước lĩnh hội kiến thức, cho nên thời nào cũng vậy, vai trò của thầy giáo là đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp trồng người.
Từ thuở xa xưa, cha ông ta đã coi việc học như quốc kế sinh tồn, hưng thịnh của đất nước. Người thầy giáo, cô giáo từ xưa đến nay đã là một biểu tượng của tri thức, trí tuệ, tài năng và là nhân tố quyết định sự phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. Truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” từ mạch nguồn như một lẽ tất yếu đã là nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng thành tích học tập, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò dành cho người thầy và còn được đúc kết thành tục ngữ, thành ngữ lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… để tỏ sự trân trọng, lòng thành kính của xã hội dành cho nhà giáo. Vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày 20/11 không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Đảng và Nhà nước ta cũng thường xuyên hết lòng chăm lo đến ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đảng và Nhà nước ta đặt giáo dục và người thầy ở vị trí cao nhất: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Và xem đầu tư cho giáo dục trở thành đầu tư cơ bản quan trọng nhất cho sự phát triển toàn diện của đất nước.
Trong bài phát nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10-1964), Người căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”(2). Vị thế của người thầy vô cùng quan trọng và thiêng liêng, cho nên Người nhắc nhở mọi người cần có quan niệm đúng về nghề dạy học, về vị thế của người thầy trong xã hội: “Ai có ý kiến không đúng về người thầy giáo thì phải sửa chữa”(3). Lời Bác dạy đã cho chúng ta hiểu thêm về vai trò của người thầy giáo đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của nhà giáo là một yếu tố đặc biệt quan trọng để mỗi giảng viên không ngừng vươn lên tự hoàn thiện bản thân mình, xứng đáng với trọng trách cao cả của người thầy. Để xứng đáng với vai trò người kỹ sư “trồng người”, người thầy phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phẩm chất nghề nghiệp, trình độ năng lực, tri thức và kĩ năng sư phạm. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21-2-1956, Người căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”(4). Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có vai trò của đội ngũ nhà giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Trong nhiều kỳ đại hội, Đảng ta luôn xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là một nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định:“Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”(5).
Ngày nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo với quy mô, chất lượng ngày càng tăng, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của cả gia đình và nhà trường. Trong đó khâu đột phá mang tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo đó là đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ giáo viên luôn luôn gắn liền với việc nâng cao chất lượng của từng thầy, cô giáo và cũng chỉ có từng giáo viên tự phấn đấu vươn lên hoàn thiện mình, vượt qua chính mình thì mới có những tập thể sư phạm giỏi, đáp ứng yêu cầu nền giáo dục, đào tạo mới hiện nay.
Điều đó đặt ra cho mỗi nhà giáo, phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng; tác phong chính quy mẫu mực của người thầy giáo; xây dựng động cơ đúng, trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học tập, nghiên cứu để mở rộng hiểu biết của mình về cả kiến thức chuyên ngành, liên ngành, khoa học xã hội cũng như văn học, lịch sử, văn hoá đặc biệt là những tri thức mới về khoa học sư phạm hiện đại, kỹ năng giảng dạy theo phương pháp tích cực, có phương pháp sư phạm tốt bao giờ cũng có kết quả giảng dạy cao. Và khẳng định được vị thế của người thầy trong sự nghiệp trồng người.
Trong điều kiện mới, mỗi thầy, cô giáo cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dạy giỏi, học thực chất, đánh giá thực chất, kỷ luật nghiêm, chính quy, mẫu mực, an toàn tuyệt đối”. Mỗi giáo viên cần chú trọng đổi mới phương pháp, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Biết kết hợp chặt chẽ giữa dạy-học với rèn luyện, dạy chữ, dạy nghề với dạy làm người. Tích cực giúp đỡ, dạy bảo học sinh với tinh thần và trách nhiệm thật cao, đảm bảo cho người học khi ra trường có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ quản lý, chỉ huy khá và giỏi.
Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục - đào tạo phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước những đòi hỏi mới, hơn bao giời hết, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam cần thấm nhuần sâu sắc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người thầy giáo trong sự nghiệp trồng người./.
-----------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.345.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.402.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.403.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.273-274.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr.117.
Đại tá Trần Nam Chuân