Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta về quyền lực và kiểm soát quyền lực

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Quyền lực là một phạm trù được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Quyền lực là quyền định đoạt và sức mạnh để đảm bảo sự thực hiện”(1). Theo nghĩa chung nhất, quyền lực là sức mạnh để một sự việc phải xảy ra hoặc một hành động phải được thực hiện. Tùy thuộc vào từng lĩnh vực cần được xem xét mà quyền lực có bản chất khác nhau.

Trong xã hội hiện đại, quyền lực không chỉ là quyền lực của từng cá nhân cụ thể, mà trở thành quyền lực của một tập hợp người cố kết lại với nhau trong một bộ máy quản lý trên cơ sở ủy quyền, xuất phát từ tính chất phối hợp của hoạt động mang tính hợp tác của xã hội loài người. Đó là quyền lực lãnh đạo, quản lý, quyền lực do đối tượng quản lý giao cho chủ thể quản lý nhằm phối hợp hành động của nhiều cá nhân hướng đến hoàn thành một mục tiêu chung. Khi một quốc gia đi vào hoạt động ổn định và dựa trên cơ sở kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa phù hợp thì bộ máy quản lý nhà nước cũng định hình dựa trên cơ cấu phân chia quyền lực giữa các chức vụ, chức danh và vị trí việc làm trong bộ máy quản lý nhà nước. Tùy thuộc vào chế độ chính trị và điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, mỗi quốc gia có một bộ máy quản lý nhà nước với sự phân chia quyền lực cụ thể.

Quyền lực của bộ máy quản lý nhà nước được phân chia theo các hệ thống quản lý khác nhau thành một hệ thống các chức vụ, chức danh và vị trí làm việc. Mỗi chức vụ, chức danh, vị trí công tác trong bộ máy quản lý được phân chia một phạm vi quyền lực nhất định và giao cho một cá nhân nhất định đảm nhiệm. Như vậy, quyền lực của bộ máy quản lý trở thành quyền lực của cá nhân. Để ràng buộc các cá nhân trong bộ máy quản lý nhà nước sử dụng đúng quyền lực, sự phân chia quyền lực trong bộ máy quản lý nhà nước phải gắn với những trách nhiệm cụ thể, đồng thời phải thiết lập cơ chế kiểm soát hữu hiệu để người có quyền lực sử dụng quyền lực một cách đúng đắn.

Tuy nhiên, khi pháp luật (cơ sở để xã hội ủy quyền cho nhà nước) có nội dung không phù hợp với yêu cầu của xã hội; khi người dân - người ủy quyền cho bộ máy nhà nước và công chức - không làm chủ cơ chế kiểm soát trở lại bộ máy nhà nước và công chức, thì bộ máy nhà nước và công chức dường như độc lập với người dân, xa lạ với người dân, có sức mạnh (kinh tế, bạo lực, tinh thần) chi phối mạnh mẽ đời sống của từng người dân. Đặc biệt, khi bộ máy nhà nước trở thành tổ chức quan liêu, đứng trên xã hội, tự mình đề ra luật pháp, thực hành và xét xử luật pháp do mình đặt ra, thì chỉ cần tham gia vào bộ máy nhà nước, bất kể bằng cách nào, cơ quan, cá nhân công chức tự nhiên có quyền lực, không phụ thuộc vào ý nguyện của người dân - người ủy quyền quản lý xã hội cho bộ máy nhà nước. Hơn nữa, nếu bộ máy nhà nước đó xa dân, hành xử theo quan điểm độc đoán, chuyên chuyền của giới cầm quyền thì bộ máy đó trở thành công cụ bảo vệ đặc quyền, đặc lợi cho những người tham gia vào bộ máy nhà nước và họ ra sức tìm mọi cách áp đặt ý chí và cơ chế quản lý xã hội có lợi cho họ. Đó là khi quyền lực chính trị trở thành độc quyền, thành sự lũng đoạn của một nhóm lợi ích nào đó và người dân ở vào trạng thái tê liệt, không có cơ chế thu lại quyền lực chính trị đã ủy quyền cho nhóm đó. Chỉ đến khi nào công dân không thể chịu đựng được tình trạng quan liêu và phi dân chủ đó, họ quyết định cung cách lựa chọn và kiểm soát bộ máy quản lý mới, thì tình trạng lũng đoạn đó mới bị phá vỡ để thiết lập lại bộ máy nhà nước với sự giao phó quyền lực và sự kiểm soát trở lại bộ máy nhà nước bằng hệ thống pháp luật mới.

Từ khi xuất hiện quyền lực nhà nước, loài người đã đưa ra nhiều cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị khác nhau. Để tìm hiểu về nguồn gốc và có những giải pháp để sử dụng, kiểm soát quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đúng đắn, cần rà soát lại nhận thức lý luận về phân chia quyền lực và kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị XHCN.

1. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về quyền lực và kiểm soát quyền lực chính trị

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, quyền lực là một mối quan hệ xã hội, trong đó người này hay nhóm người này chi phối hành vi của nhóm người kia theo cách áp đặt ý chí của mình đối với người khác, buộc họ phải phục tùng; đồng thời phân biệt rõ các loại quyền lực: 1) Quyền lực chính trị là quyền lực do chính đảng của giai cấp nắm quyền lực nhà nước đề ra chủ trương, đường lối… phát triển đất nước. Sở dĩ giai cấp này nắm được quyền lực nhà nước vì nó đại biểu cho quan hệ sản xuất thống trị. 2) Quyền lực nhà nước là quyền lực công được các giai cấp trong xã hội chấp nhận dưới hình thức niềm tin tôn giáo hoặc ý thức về luật pháp; quyền lực trong các tổ chức kinh tế, xã hội khi mọi người cần phải hành động chung và phối hợp với nhau. Quyền lực của giai cấp thống trị sẽ mất đi khi xã hội không còn giai cấp đối kháng, nhưng quyền lực trong tổ chức, quản lý xã hội sẽ không mất đi cùng với sự tiêu vong của nhà nước trong xã hội không còn phân chia thành các giai cấp đối kháng. Trong tác phẩm Bàn về quyền uy (1872), Ph.Ăngghen cho rằng, trong xã hội hiện đại, sự phức tạp hóa các quá trình sản xuất tùy thuộc lẫn nhau đã từng bước thay thế cho hoạt động độc lập của cá nhân riêng lẻ. Hoạt động liên hợp là hoạt động tổ chức nhau lại, mà tổ chức thì tất yếu cần đến quyền uy. Một quyền uy nhất định, không kể được tạo ra bằng cách nào và một sự phục tùng nhất định đều là những điều mà trong bất cứ tổ chức xã hội nào cũng phải có.

C.Mác và Ph.Ăngghen quan niệm rằng, bản chất quyền lực nhà nước là sự thống trị giai cấp, Nhà nước ra đời khi xã hội phân chia thành các giai cấp đối kháng. Trong xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng, Nhà nước là bộ máy quyền lực mà giai cấp thống trị sử dụng để buộc giai cấp bị trị phải tuân thủ ý chí của giai cấp thống trị. Ý chí đó bao gồm hai nội dung chính: duy trì quan hệ sản xuất có lợi cho giai cấp thống trị và sử dụng quyền lực nhà nước để xây dựng trật tự xã hội phù hợp với quan hệ sản xuất đó. Và đấu tranh giai cấp chính là đấu tranh giành quyền lực, tức là giành quyền điều hành nhà nước, điều hành quốc gia. Theo C.Mác: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp…, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau”(2); “các phe phái và đảng của giai cấp thống trị, luân phiên nhau giành quyền thống trị, đã coi việc chiếm giữ (khống chế, đoạt được) và lãnh đạo bộ máy chính phủ to lớn ấy là chiến lợi phẩm chủ yếu của kẻ chiến thắng. Trọng tâm hoạt động của nó là tạo ra những đội quân thường trực to lớn, một bầy sâu mọt ăn bám nhà nước và khoản công trái khổng lồ”(3). Các cuộc cách mạng xã hội chính là cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các giai cấp với nhau để cố giữ lấy quyền điều hành nhà nước, điều hành quốc gia cho những giai cấp cũ và sự vùng lên giành lấy quyền điều hành nhà nước, điều hành quốc gia cho những giai cấp mới. Khi đi sâu phân tích về quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước ở các nước tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện những bất hợp lý trong tổ chức xã hội, trong sử dụng quyền lực và kiểm soát quyền lực của xã hội tư bản, từ đó phát hiện và chỉ dẫn những định hướng chiến lược cho các đảng cộng sản trong lãnh đạo quần chúng làm cách mạng xây dựng một xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa, với giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Lập trường không thay đổi của C.Mác và Ph.Ăngghen là: chủ nghĩa tư bản, dựa trên quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bóc lột quảng đại người lao động, dưới sự bảo hộ của nhà nước dân chủ cho thiểu số là giai cấp tư sản, mặc dù đạt được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn rất nhiều các chế độ trước đó, đã không còn là hình thái kinh tế - xã hội tương hợp với thời đại nữa mà đang đi dần vào giai đoạn quá độ lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn - hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa - trong đó người lao động đã được giải phóng khỏi quan hệ sản xuất bóc lột có khả năng tự tổ chức thành chính đảng nắm lấy chính quyền, trước hết là tổ chức một phương thức sản xuất cho phép giải phóng cao độ năng lực sáng tạo của lao động hợp tác, tự do, xây dựng chế độ dân chủ cho quảng đại nhân dân lao động, sau đó, khi lực lượng sản xuất đã phát triển đến độ của cải tuôn ra dào dạt, nhà nước sẽ không còn là cơ quan bạo lực chính trị, mà trở thành cơ quan tự quản của xã hội. Trên con đường quá độ lâu dài đó, Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân phải giành chính quyền và tổ chức chính quyền đó một cách dân chủ, hiệu quả.

Từ kinh nghiệm của Công xã Paris, C.Mác cho rằng, trong xã hội XHCN, những nhân viên của nhà nước vô sản không chỉ được bầu ra, mà còn bị bãi miễn bất cứ lúc nào; lương cho họ không cao hơn lương công nhân; các tổ chức đại biểu cho giai cấp lao động phải thi hành ngay những biện pháp khiến tất cả mọi người lao động đều có thể làm chức năng kiểm sát và giám thị, khiến tất cả mọi người đều tạm thời biến thành “quan liêu” và do đó khiến không một ai có thể biến thành quan liêu được nữa.

C.Mác đã sử dụng khái niệm “tha hóa” để lý giải hiện tượng công chức và bộ máy nhà nước, vốn dĩ là một cơ cấu do xã hội tạo ra vì mục đích làm cho xã hội con người tốt hơn lại trở nên xa lạ với những người tạo ra nó, nuôi dưỡng nó, thậm chí bị nó áp bức(4). Tha hóa lao động là nguyên nhân của hiện tượng tha hóa nhà nước, tha hóa đạo đức công chức. Để khắc phục hiện tượng tha hóa, C.Mác đề nghị cải tạo xã hội theo các nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản, xóa bỏ nhà nước của các giai cấp áp bức, bóc lột, xây dựng nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản. Từ kinh nghiệm của Công xã Paris, C.Mác cho rằng, nên tổ chức xã hội dưới hình thức tự quản, thay quân đội thường trực bằng dân quân, lấy thầy giáo thay cho tăng lữ, tòa án là cơ quan của công xã (dân chủ trực tiếp), người lao động sẽ thông qua bầu cử để chọn ra những đại diện tốt nhất cho mình. Khi đó chức năng của nhà nước sẽ thu gọn vào các chức năng xã hội vì lợi ích chung.

Mặt khác, C.Mác cũng nhấn mạnh, cần phải xóa bỏ các giai cấp không sản xuất, nhà nước phải thực hiện chức năng tổ chức, quản lý mà xã hội giao phó với chi phí hợp lý (tinh gọn bộ máy bằng cách giảm đội quân đội thường trực, công chức hưởng lương như công nhân), công chức không còn những đặc quyền, đặc lợi dưới chính quyền tư sản(5).

Phê phán tình trạng dân chủ giả hiệu của nhà nước tư sản, C.Mác đề xuất mô hình nhà nước mới cho xã hội XHCN là: quyền lực nhà nước là thống nhất và phải thuộc về quần chúng nhân dân lao động. Phân tích mô hình công xã Paris, C.Mác cho rằng: “Công xã không phải là một cơ quan đại nghị mà là cơ quan hành động, vừa lập pháp, vừa hành pháp”(6). Mọi quyền lực đều tập trung vào các công xã và công xã phải được thiết lập ở tất cả các trung tâm công nghiệp lớn, các tỉnh, huyện và tất cả những thôn xóm nhỏ nhất, nghĩa là được tổ chức thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương. Về mặt tổ chức, khác với các chính phủ cũ - nơi có đội quân binh lính thường trực rất lớn với bộ máy quan liêu đồ sộ, C.Mác đồng tình với cách tổ chức ở Công xã Paris, nơi quân đội thường trực được thay thế bằng những đội dân binh, đội ngũ viên chức của tất cả các ngành được bảo đảm công vụ rõ ràng. C.Mác nhấn mạnh nguyên tắc tự quản và công khai trong tổ chức bộ máy nhà nước XHCN. Ông mong muốn: “Toàn thể nước Pháp có thể sẽ được tổ chức thành công xã tự cai quản và tự quản lý lấy mình”(7). Cơ quan tự quản đó là nhà nước của giai cấp công nhân. Cơ chế này đòi hỏi tính tự giác của các viên chức và của các cơ quan của công xã phải rất cao. Cơ quan công xã phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các viên chức: “Công xã không tự cho mình là không bao giờ sai lầm, như tất cả các chính phủ cũ vẫn tự nhận là như thế, Công xã công bố tất cả những báo cáo hội nghị của mình, thông báo tất cả những hoạt động của mình, nói cho công chúng biết tất cả những khuyết điểm của mình”(8).

2. Quan điểm của V.I.Lênin về quyền lực và kiểm soát quyền lực

Kế thừa quan điểm duy vật lịch sử của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, đấu tranh để giải quyết vấn đề quyền lực, mà trước hết là quyền lực nhà nước, chỉ có thể là cuộc đấu tranh chính trị với ý nghĩa là trình độ phát triển cao nhất của đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp ở trình độ đấu tranh chính trị là dấu hiệu chín muồi của cuộc cách mạng xã hội. Vấn đề của mọi cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền nhà nước. Đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh giành lấy quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước về tay giai cấp vô sản. Quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước của giai cấp vô sản là nhà nước và nền dân chủ vô sản (dân chủ cho đông đảo nhân dân lao động).

Nhấn mạnh bản chất giai cấp của nhà nước, V.I.Lênin cho rằng: “Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt, nó là tổ chức bạo lực dùng để trấn áp một giai cấp nào đó”(9). Tuy nhiên, nhà nước chuyên chính vô sản, mặc dù là quyền lực của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, nhưng là quyền lực của số đông, của một xã hội đang tiến đến không còn giai cấp đối kháng nên là nhà nước kiểu mới, dân chủ kiểu mới.

Để giành được chính quyền, Đảng Cộng sản cần: “Đấu tranh chống các thế lực phản động có nghĩa trước hết là tách quần chúng ra khỏi ảnh hưởng tư tưởng của thế lực phản động”(10). Đảng Cộng sản phải làm chủ cả ba hình thức đấu tranh: kinh tế, chính trị (giành lấy chính quyền) và đấu tranh lý luận. Đặc biệt, V.I.Lênin đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, coi đó là những thực thể cấu thành hệ thống chuyên chính vô sản. Ông nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản trong điều kiện đã nắm chính quyền sao cho Đảng Cộng sản đủ năng lực, tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của thời đại. Trước thực tế xuất hiện một số cán bộ lãnh đạo đảng thiếu tri thức, kinh nghiệm, trình độ văn hóa thấp, có thái độ quan liêu, xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn, thậm chí thoái hóa, biến chất bởi tham vọng quyền lực, thói kiêu ngạo cộng sản, vụ lợi cá nhân, nhận hối lộ…, V.I.Lênin đề cao nhiệm vụ chỉnh đốn đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, coi đó là nhiệm vụ có tính then chốt.

Đặc biệt, trong xây dựng thể chế dân chủ mới, dân chủ XHCN, V.I.Lênin cho rằng, sau khi giai cấp vô sản nắm được chính quyền, cuộc đấu tranh của nó vì những mục tiêu dân chủ không những không dừng lại mà còn tiếp tục trong những điều kiện mới với những nội dung, hình thức, chất lượng mới ngày càng đầy đủ và triệt để hơn và vạch rõ: tính chất XHCN của dân chủ vô sản: một là, các cử tri đều là quần chúng lao động; hai là, mọi thủ tục cũ đều phải phá bỏ, nhân dân sẽ xây dựng lại các thủ tục, thời hạn bầu cử và có toàn quyền bãi miễn những người mà họ đã bầu ra; ba là, hình thành một tổ chức quần chúng tốt nhất của đội tiền phong của những người lao động để giúp toàn thể nhân dân có thể làm chủ trong thực tế. Ngoài ra cần xây dựng chế độ tự quản như là một hình thức của chế độ dân chủ vô sản. Từng bước thiết lập một nền tự quản địa phương rộng rãi(11). Ông chủ trương “Phế bỏ chế độ đại nghị (là chế độ tách rời công tác lập pháp và công tác hành pháp); hợp nhất công tác lập pháp và công tác hành pháp của nhà nước lại; hợp nhất công tác quản lý và công tác lập pháp”(12).

V.I.Lênin nhấn mạnh sứ mệnh của giai cấp vô sản là: thông qua nhà nước của mình từng bước tổ chức để toàn thể nhân dân tham gia quản lý nhà nước một cách dân chủ những tư liệu sản xuất đã tước đoạt được của giai cấp tư sản. Người nói, chính quyền Xô viết, “đồng thời với việc mở rộng rất nhiều chế độ dân chủ - lần đầu tiên biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, cho nhân dân lao động, chứ không phải cho bọn nhà giàu…”(13). Sự phát triển của chế độ dân chủ một cách đầy đủ là làm cho toàn thể nhân dân thực sự tham gia một cách bình đẳng vào mọi công việc của nhà nước. Người viết: “Không có chế độ dân chủ thì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được theo hai ý nghĩa sau đây: 1) Giai cấp vô sản không thể hoàn thành được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nếu họ không được chuẩn bị cho cuộc cách mạng đó thông qua cuộc đấu tranh cho chế độ dân chủ. 2) Chủ nghĩa xã hội chiến thắng sẽ không giữ được thắng lợi của mình và sẽ không dẫn được nhân loại đi đến chỗ thủ tiêu nhà nước, nếu không thực hiện đầy đủ chế dộ dân chủ”(14).

Về cơ chế thực hiện dân chủ, V.I.Lênin cho rằng, nội dung dân chủ phải được đảm bảo bằng Hiến pháp, bằng hệ thống pháp luật. Người đề nghị xây dựng luật, xây dựng cơ chế để quần chúng kiểm tra, giám sát cơ quan nhà nước và cán bộ quản lý nhà nước, coi đó là biện pháp hữu hiệu chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Do đó, không phải chỉ tuyên truyền về dân chủ, tuyên bố và ra sắc lệnh về dân chủ, không phải chỉ giao trách nhiệm thực hiện chế độ dân chủ cho những người đại diện nhân dân trong những cơ quan đại biểu là đủ, mà phải xây dựng ngay chế độ dân chủ từ cơ sở, dựa vào ý kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước, không có sự giám sát từ trên, không có quan lại. Người nhấn mạnh: xây dựng và thực hiện quyền lực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là mục tiêu, là động lực của cách mạng XHCN. Cần xác lập và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước nhằm đưa lại nhiều nhất những cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, phát huy tính chủ động, sáng tạo của quần chúng trong xây dựng chế độ mới. Thành công trong lãnh đạo và quản lý là ở chỗ biết sống trong lòng quần chúng, biết tâm trạng quần chúng và giữ được lòng tin tuyệt đối của quần chúng(15).

Bên cạnh đó, V.I.Lênin phát động phong trào cải cách bộ máy quản lý nhà nước.Theo Người, bộ máy vững mạnh phải thích nghi được với mọi sự biến đổi. Muốn chế độ vững mạnh thì bộ máy quản lý nhà nước phải hoàn toàn phục tùng mục tiêu chính trị. Thành phần bộ máy phải bảo đảm được việc đông đảo quần chúng có thể kiểm tra được mọi công việc của nhà nước. V.I.Lênin đưa ra chủ trương công nhân hóa các cục, các cơ quan trung ương, các bộ phận của chính quyền Xô viết nói chung để cho đông đảo quần chúng học được cách quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách bộ máy hành pháp vì: “Bộ máy ấy rất thường không phục vụ chúng ta mà lại chạy ngược lại chúng ta. Muốn cải thiện nó phải có nhiều cố gắng và tài năng. Chống quan liêu đòi hỏi phải nâng cao không ngừng trình độ văn hóa của cán bộ và phải rèn luyện cả đức tính kiên trì”(16). V.I.Lênin đề cao tính thượng tôn pháp luật trong vận hành nhà nước XHCN và tính thống nhất của pháp luật trong toàn quốc, chống lại thói quen tùy tiện, địa phương chủ nghĩa. V.I.Lênin viết: “Chính phủ ta đã đấu tranh không khoan nhượng chống thói chuyên quyền và những hành động vi phạm pháp luật”(17). Theo đó, Người mong muốn: các Xô viết địa phương và cơ quan trực thuộc của nó đề ra được các biện pháp để đấu tranh với thói chuyên quyền và những hành động vi phạm pháp luật. Để đảm bảo tính pháp chế trong hành pháp, ủy viên công tố phải chịu trách nhiệm để các quyết định của Xô viết địa phương không đi ngược lại pháp luật.

Theo V.I.Lênin, quan liêu là “những nhân vật có đặc quyền, thoát ly quần chúng, và đứng trên quần chúng”(18). Nguồn gốc của quan liêu, tham nhũng là tư tưởng tư hữu và tính bảo thủ. Để giải quyết tận gốc quan liêu, tham nhũng phải giải quyết triệt để vấn đề giai cấp và tư hữu, Người viết: “Chừng nào mà bọn tư bản chưa bị tịch thu tài sản, chừng nào mà giai cấp tư sản chưa bị lật đổ, thì ngay những viên chức của giai cấp vô sản cũng không thể tránh khỏi “quan liêu hóa” đến một mức nào đó”(19). V.I.Lênin khẳng định: “Chế độ dân chủ vô sản là chế độ sẽ thi hành ngay lập tức những biện pháp để chặt tận gốc chế độ quan liêu và sẽ có thể thi hành những biện pháp ấy tới cùng, tới chỗ phá hủy toàn bộ chế độ quan liêu, tới chỗ hoàn toàn xây dựng một chế độ dân chủ cho nhân dân”(20). 

Để chống quan liêu, V.I.Lênin chủ trương: “lựa chọn người và kiểm tra sự thực hiện. Đó là vấn đề then chốt”(21). Cán bộ phải học tập và rèn luyện tinh thần, thái độ và phương pháp ứng xử dân chủ với nhân dân cùng với việc học các tri thức khoa học, luật pháp, kỹ thuật quản lý, học buôn bán. Phải đề phòng tình trạng cán bộ thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng đem chức vụ ra dọa nạt dân chúng. V.I.Lênin yêu cầu phải lựa chọn, đào tạo, thử thách cán bộ bằng một sự kiểm tra nghiêm ngặt, nhất là đối với cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra lấy từ đội ngũ công, nông ưu tú nhất. Đặc biệt là khuyến khích đưa người ngoài đảng vào làm trong bộ máy nhà nước(22).  Đồng thời, tăng cường kỷ luật lao động, tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ, xử lý nghiêm những kẻ quan liêu. Phải tạo điều kiện để quần chúng lao động tham gia kiểm tra, kiểm soát. Mọi người đều phải tham gia kiểm tra, kiểm soát. Kiểm tra không mang nghĩa xấu mà mang nghĩa cung cấp thông tin để có quyết định đúng(23). 

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực và kiểm soát quyền lực

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực và kiểm soát quyền lực luôn gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nhà nước XHCN. Ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mô hình nhà nước của Việt Nam là Nhà nước dân chủ. Người viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(24). Dân ở đây, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối thống nhất. Người nhận xét về Quốc hội khóa I: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối”(25). Người còn nhấn mạnh, bản chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân và dặn dò cán bộ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(26). Người còn chỉ rõ cơ chế nhân dân giao quyền cho cơ quan nhà nước thông qua bầu cử theo nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”(27).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền lực chính trị phải gắn với quyền lực kinh tế. Người chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(28).

Trong cơ chế thực hiện quyền lực chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhưng luôn nhắc nhở rằng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(29). Người dặn dò: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(30). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc cá nhân nắm quyền lực nhà nước và coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ. Đối với người có quyền lực, Người luôn nhắc nhở họ rằng, không phải làm cán bộ để “thăng quan phát tài”, để làm “quan cách mạng”, mà để là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người quan niệm “đức” (tức sự trung thành, tận tụy với nhân dân, liêm chính, cần kiệm trong công việc, liên hệ mật thiết với quần chúng…) là cái gốc của cán bộ. Người phê phán cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người “vác mặt quan cách mệnh” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”, “dán trên trán hai chữ cộng sản” để loè dân.

Để chống lại tình trạng lạm dụng quyền lực, tham ô, hống hách, Người yêu cầu các cơ quan nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, “Nhân dân có quyền kiểm soát và bãi miễn những đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”(31).

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng công tác kiểm tra trong xây dựng Đảng. Người cho rằng: khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Người phê bình nhiều cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị mà không quan tâm xem những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Trong công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý những vấn đề như: công tác kiểm tra phải toàn diện: kiểm tra việc và kiểm tra người trong việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiểm tra phải kịp thời, khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ khuyết điểm và những khó khăn để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách vượt qua mọi khó khăn. Kiểm tra phải chính xác, công minh, khách quan. Người cho rằng, kiểm tra không nên chỉ bằng việc căn cứ vào các tờ báo cáo mà phải đi đến tận nơi. Cần phải nêu cao trách nhiệm của cán bộ làm công tác kiểm tra. Cán bộ kiểm tra phải là những người hiểu rõ đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; có đạo đức cách mạng; có ý thức tổ chức và kỷ luật; thật thà tự phê bình và phê bình, gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phải chí công vô tư, không thành kiến, thiên vị.

4. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền lực và kiểm soát quyền lực

Ngay trong giai đoạn hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cao quan điểm quyền lực thuộc về đông đảo nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong Chánh cương vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 02/1930) thông qua đã nêu rõ: nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông. Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo năm 1930 cũng nêu rõ: mục tiêu của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Cơ sở bảo đảm cho cách mạng thắng lợi là dựng lên chính phủ công nông. Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc, đại biểu cho quyền lợi chính đáng và lâu dài cho cả giai cấp vô sản, lãnh đạo tranh đấu để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Như vậy, ngay từ đầu, Đảng ta đã xác định rõ cơ chế thực thi quyền lực là Đảng lãnh đạo, Nhà nước đại diện cho nhân dân lao động giữ quyền quản lý đất nước.

Chính cương Ðảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Đại hội ĐBTQ lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951) thảo luận, thông qua một lần nữa khẳng định: nhiệm vụ căn bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập thống nhất thật sự cho đất nước, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho CNXH. Động lực của cách mạng Việt Nam lúc này là công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc, những thân sĩ yêu nước và tiến bộ, trong đó nền tảng là công nhân, nông dân, trí thức; lực lượng lãnh đạo là giai cấp công nhân. Trong Chính cương này, liên minh công nông được xác định là nền tảng đoàn kết dân tộc, chỗ dựa và sức mạnh của quyền lực nhà nước.

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước ta mới có điều kiện thiết lập từng bước thể chế thực thi quyền lực dân chủ XHCN. Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ VI, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra công thức thể chế hóa đầy đủ quyền lực quản lý xã hội ở nước ta, đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991) được Ðại hội ĐBTQ lần thứ VII của Ðảng (tháng 6/1991) thảo luận và thông qua đã nêu đầy đủ hơn về đường lối chính trị của Việt Nam là xây dựng Nhà nước XHCN, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Cương lĩnh năm 1991 đã nêu lên bản chất cơ chế thực thi quyền lực quản lý xã hội ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thực thi quyền quản lý xã hội, chuyên chính với kẻ thù.

Cương lĩnh năm 1991 cũng đưa ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với tư cách công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. 

Để kiểm soát quyền lực, Cương lĩnh năm 1991 đã đề cao yêu cầu chăm lo xây dựng Ðảng trong sạch, thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ và gắn bó chặt chẽ với nhân dân và nhấn mạnh, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ VII, Đảng ta đã cảnh báo phải phòng và chống nguy cơ sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên.

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ IX của Đảng đã cụ thể hóa hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội: lãnh đạo thông qua việc “đề ra đường lối, chủ trương, các chính sách lớn định hướng cho sự phát triển và kiểm tra việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước”. Để thực thi quyền lực có hiệu quả hơn, phù hợp hơn với kinh tế thị trường, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX chủ trương: “Kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng gắn với cải cách đổi mới tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu Ðảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tăng cường công tác tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đấu tranh chống sự suy thoái, biến chất, tham nhũng, hư hỏng. Ðổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức của Ðảng và hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới đồng bộ công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối công tác; gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng. Ðặc biệt, đề phòng nguy cơ sai lầm về đường lối và thoái hóa, quan liêu, xa rời quần chúng. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XI, nhất là trong thời gian thảo luận sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quan điểm phải kiểm soát quyền lực nhà nước đã được đưa ra một cách quyết liệt hơn. Đại hội ĐBTQ lần thứ XI đã chuẩn bị điều kiện để Đảng có thể giám sát hoạt động quản lý của Nhà nước hữu hiệu hơn. Kết quả của những nỗ lực này là chuyển Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ sang trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban và lập lại Ban Nội chính Trung ương để giúp Đảng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nắm giữ quyền lực.

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”. Như vậy, Đảng một lần nữa khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân không phải chỉ là sự khẳng định đối với một nguyên tắc mà thực sự nhấn mạnh yêu cầu phải lập ra cơ chế thực thi quyền lực kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Nhấn mạnh quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, Đảng ta đã trung thành với luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về Quốc hội phải là cơ quan vừa hành pháp, vừa hành động, bảo đảm cho Quốc hội với tư cách cơ quan quyền lực cao nhất do nhân dân lao động bầu ra, có đủ quyền lực để thực hiện ý chí của nhân dân thông qua các đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra và có thể bị nhân dân trực tiếp bãi miễn khi không làm tròn nghĩa vụ. Do đó, phải cung cấp thông tin đầy đủ, thực thi dân chủ trên nền tảng công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền để nhân dân có lựa chọn đúng.

Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục cụ thể hóa một số nội dung của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đó là:

Thứ nhất, cụ thể hóa nội dung “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân về những quyết định của mình. Đảng đề ra đường lối, chủ trương và triển khai thực hiện đường lối đó qua tuyên truyền, vận động cũng như qua công tác tổ chức cán bộ, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đặc biệt, Đảng coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đảng viên nắm quyền lực trong bộ máy nhà nước.

Thứ hai, nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam không những trên phương diện hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà còn phải cải cách thủ tục hành chính, thực thi công vụ minh bạch, phân định trách nhiệm, quyền hạn của các chức vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng quyền lực, nhất là giám sát quyền lực của cơ quan kiểm tra đảng và nhân dân.

Thứ ba, tăng cường thể chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII xác định: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”; “Thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện”. 

Trước thực tế thực thi quyền lực chưa thật sự công tâm, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII và Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã nhấn mạnh: phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực thi dân chủ một cách thực chất và kiểm tra, giám sát chặt chẽ; xử lý nghiêm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sai phạm; yêu cầu mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, tự quản lý, kiểm soát chính mình trước những tham vọng quyền lực và cám dỗ lợi ích vật chất trước sự tha hóa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.

-----------------------------

(1) Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, H.2003, tr.638.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr.596-597.

(3),(5),(6),(7),(8) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 17, Nxb CTQG, H.1995, tr.713, tr.449, tr.790, tr.723, tr.746.

(4) Mặc dù nội dung phân tích tha hóa lao động của C.Mác gắn với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng có thể thấy, nếu ở đâu tuyệt đối hóa cá nhân và sở hữu tư nhân, biến nó từ phương tiện trở thành mục đích cuối cùng cần bảo vệ của xã hội loài người thì những hậu quả mà C.Mác chỉ ra cũng sẽ xuất hiện.

(9),(13),(20) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.30, tr.109, tr.135.

(10),(15),(21) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.249, tr.608, tr.450.

(11) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 31, Nxb Tiến bộ, Matsxcơva, 1980, tr.525.

(12),(23) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ, Matxcơva,1980, tr.91, tr.220-221.

(14) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 30, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.167.

(16) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.217.

(17) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.588.

(18),(19) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb CTQG, H.2005, tr.141, tr.141-142.

(22) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 13, Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1980, tr.336.

(24) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.698.

(25),(26),(29) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2000, tr.190, tr.56-57, tr.57.

(27) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.232.

(28) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.175.

(30) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2000, tr.489.

(31) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2002, tr.590-591.

 

 PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

;PGS.TS Trần Thị Minh Châu -  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 Theo tcnn.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website