Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và việc vận dụng trong giai đoạn hiện nay


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương gặp mặt các đại biểu điển hình tiên tiến toàn quốc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh giai đoạn 2009 - 2019 tại trụ sở Trung ương Đảng, tháng 12-2019. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải tích cực, chủ động và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự kế thừa kinh nghiệm trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó được hình thành và phát triển qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, góp phần hoàn thành công cuộc giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Ngay sau khi miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng cho toàn dân tộc phải đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng; thực hiện nhiệm vụ và phương châm hành động: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng(1); đồng thời, Người căn dặn: “Phải động viên, giáo dục toàn Đảng, toàn dân đoàn kết chặt chẽ. Các cấp, các ngành và các cán bộ, đảng viên ta cần phải thực hiện đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước để đoàn kết và động viên được mọi người phấn khởi và hăng hái tham gia chống Mỹ, cứu nước”(2). Những lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giúp cho nền quốc phòng của nước ta luôn vững mạnh, sức chiến đấu ngày càng nâng cao, luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Theo Người, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao tiềm lực và sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tăng cường khả năng tự vệ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng cho đường lối chiến lược, sách lược và phương thức chỉ đạo phong trào cách mạng nước ta cũng như xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Người chỉ rõ: ““Nền có vững nhà mới chắc; gốc có mạnh, cây mới tốt”. Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta, cho nên chúng ta phải làm cho nó thật vững, thật mạnh”(3); ngày 19-9-1954, nói chuyện với các cán bộ đại diện cho Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng, Người cũng ân cần căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước(4). Người không chỉ khái quát cao tính cấp thiết, tầm quan trọng của việc phát huy tính tích cực, chủ động của việc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, mà còn chỉ ra sự cần thiết xây dựng nền quốc phòng toàn dân từ sớm, từ xa vì mục tiêu tự vệ chính nghĩa, chính đáng, hòa bình, hội nhập và thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường xây dựng thế trận quốc phòng vững chắc

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập, tự do, là điều kiện tiên quyết để phát triển quan hệ, vị thế ngoại giao; phải được xây đắp bằng ý chí tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh. Tự lực, tự cường, tự chủ là phẩm chất cao quý của dân tộc Việt Nam, với tinh thần đầy lòng tự trọng, ý chí, khát vọng vươn lên và chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Người đặc biệt chú trọng đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, được tổ chức với ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); là xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân. Mỗi người dân: “Phải nắm vững tay cày tay súng, đẩy mạnh quốc phòng, trật tự trị an, củng cố tốt dân quântự vệ, luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”(5)Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946) chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(6). Người đã chỉ rõ, việc tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của mọi người dân, tất cả thành phần và lực lượng trong xã hội. Công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, bất kỳ ai là công dân Việt Nam yêu nước đều phải tham gia kháng chiến. “Cậu bé chăm chỉ học hành trong nhà trường cũng là kháng chiến. Anh dân cày cày cuốc ngoài đồng ruộng, anh thợ cặm cụi trong nhà máy, chị bán hàng buôn bán ngược xuôi, ông già xách giỏ đi câu cũng là kháng chiến. Các công chức, các nhà văn, nhà báo mải miết trước bàn giấy, cạnh tủ sách cũng là kháng chiến. Các y sinh, khán hộ lăn lộn bên giường bệnh cũng là kháng chiến. Các nhà giàu có đem hết tài lực mở mang xưởng thợ, khai thác ruộng đất cũng là kháng chiến. Đó là toàn dân kháng chiến”(7). Mỗi công dân đều phải có trách nhiệm tham gia kháng chiến, kể cả “Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”(8).

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(9). Người khẳng định: Độc lập của Việt Nam luôn nhờ lực lượng của Việt Nam: “Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà(10); Người căn dặn: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(11). Người luôn coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người xác định phương châm: Tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là quý trọng, ta tuyệt đối không được dựa dẫm ỷ lại vào sự giúp đỡ của bạn bè. Người nhấn mạnh vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(12).

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cũng chính nhờ tinh thần độc lập, tự lực, tự cường mà Đảng ta đã đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, lãnh đạo quân và dân ta ra sức xây dựng quốc phòng toàn dân vững mạnh, đẩy nhanh tiến công địch trên khắp chiến trường miền Nam. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên thế giới nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là do toàn dân, dựa vào dân để phát huy sức mạnh của nhân dân

Tiếp thu truyền thống lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đó là, mỗi khi kẻ thù xâm lược thì “tận dân vi binh” trăm họ là binh, toàn dân là lính; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào; lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo. Khi giặc tan thì khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc làm thượng sách để giữ nước, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(13); Người răn dạy: “Nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai”(14). Đồng thời, Người khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(15).

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở: “Để ngăn chặn âm mưu của kẻ địch, thì cán bộ, bộ đội và nhân dân ta cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác(16); “Phải củng cố lực lượng quốc phòng, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hoạt động khiêu khích và phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng”(17). Theo Người, nền quốc phòng của nước nhà là phải do toàn dân xây dựng và dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ lao động trí óc. Đặc biệt, trong xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, chú trọng tại các địa bàn có vị trí chiến lược, như miền núi, hải đảo. Người nói: “Miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động. Cố nhiên đây là trách nhiệm chính của bộ đội, của công an biên phòng, của dân quân. Nhưng toàn Đảng, toàn dân đều có trách nhiệm giúp sức vào việc đó”(18). Đó là tư tưởng chủ đạo về xây dựng nền quốc phòng toàn dân - nền quốc phòng do toàn dân tham gia, toàn dân thực hiện quốc phòng.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên cơ sở luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác đề phòng, quyết không chủ quan, khinh địch. Đặc biệt trong điều kiện đất nước hòa bình càng phải nêu cao tinh thần, ý thức cách mạng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân để đất nước sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược khi chúng liều lĩnh gây chiến tranh xâm lược.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự lực cánh sinh, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Địch bắn phá ở đâu, chúng không nói cho ta biết trước, cho nên bất cứ ở đâu, bất kỳ lúc nào, chúng ta cũng phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại mọi âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”(19). Tăng cường đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, Người dạy rằng: “Càng đánh thắng, quân và dân ta càng phải nâng cao chí căm thù và tinh thần cảnh giác cách mạng, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, quyết giành thêm nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”(20). Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người thường xuyên nhắc nhở: “Nếu ta chuẩn bị tốt thì khi có việc xảy ra, sẽ tránh được thiệt hại, cán bộ và nhân dân không dao động, hoang mang. Việc chuẩn bị phải tích cực, nhưng phải có kế hoạch, có giải thích, đừng làm cho quần chúng hoảng hốt...”(21).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước; có vị trí, vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam. Do đó, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân; đồng thời, nắm chắc nội hàm tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có như vậy, mới vận dụng tư tưởng của Người vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân; vào xây dựng chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Tình quân dân (Ảnh: Ngô Chí Thành). Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân trong giai đoạn hiện nay

Nhận thức sâu sắc giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh của tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc, chứa đựng những yếu tố biến động khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết, phát triển vẫn là xu thế, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng với hình thái đa dạng. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước cơ hội và thách thức đan xen, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải làm thế nào để giữ vững được quốc phòng - an ninh, nhưng vẫn tranh thủ được tình hình quốc tế thuận lợi để phát triển.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(22). Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có nhiều phát triển mới và nội dung rộng lớn so với trước. Đặc biệt, phải “luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(23). Yêu cầu mới đối với quốc phòng là xây dựng nguồn sức mạnh to lớn để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ ngày càng hiện đại, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng. Sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học - kỹ thuật..., sức mạnh của sự kết hợp con người, vũ khí, sức mạnh trong nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố giữ vai trò quyết định là yếu tố bên trong, sức mạnh trong nước, yếu tố con người.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân...”(24), bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Đây là quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt, thể hiện tư duy đột phá của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong giai đoạn hiện nay, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Yêu cầu đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta chú trọng xây dựng tiềm lực kinh tế, xây dựng lực lượng ba thứ quân làm nòng cốt. Đồng thời, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ động dự báo các tình huống chiến lược, tư duy mới, linh hoạt về đối tác, đối tượng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Chú trọng tham mưu, xử lý linh hoạt, mềm dẻo, có hiệu quả quan hệ quốc tế; các giải pháp ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; các vấn đề biên giới, biển, đảo, nhất là Biển Đông(25).

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy thể hiện được sự chủ động xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ...”(26); “Chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến”(27).

Tiếp tục, kế thừa, phát triển nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ sớm từ xa, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24-11-2023, về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Chiến lược đã khẳng định các vấn đề có tính nguyên tắc, như: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; sức mạnh tổng hợp quốc gia; khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; chuẩn bị đất nước sẵn sàng đối phó với các tình huống xung đột và chiến tranh. Đồng thời, xác định những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn, bao gồm: về nhân tố nhân dân trong chiến lược; về lợi ích quốc gia - dân tộc; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; về sức mạnh tổng hợp quốc gia; kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và thực hiện chính sách bốn không.

Hiện nay và trong những năm tới, để đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, tích cực, chủ động xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, toàn diện đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng đất nước, tăng cường quốc phòng toàn dân vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(28).

Thứ hai, tích cực, chủ động phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong xây dựng tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của các lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh và lực lượng của thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, coi “nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân là giải pháp nền tảng đặc biệt quan trọng; là vấn đề then chốt, quyết định sinh mệnh và sự sống còn của Đảng, Nhà nước và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(29). Hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội phải gắn với quốc phòng để tạo thế trận quốc phòng toàn dân liên hoàn, chắc chắn; gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Chú trọng xây dựng thế trận phòng thủ ở các địa bàn chiến lược quan trọng.

Thứ tư, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là quân đội nhân dân theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân có trình độ và sức chiến đấu đủ cao. Trong đó, bộ đội chủ lực, chính quy bảo đảm số lượng thường trực hợp lý, chất lượng cao; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, tổ chức, quản lý và huấn luyện tốt, xây dựng kế hoạch sẵn sàng động viên thường trực, chủ động. Dân quân tự vệ được tổ chức rộng khắp từ các thành phần kinh tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp và các cơ sở làng, xã, phường.

Thứ năm, tổ chức tốt sự phối hợp với tất cả lực lượng, nâng cao cảnh giác ngăn ngừa, đối phó, xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra; chủ động hội nhập môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tạo thế có lợi cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc“Tiếp tục ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống; đẩy mạnh hợp tác quốc phòng đa phương, chủ động tham gia và đóng góp sáng kiến vào các cơ chế hợp tác quốc phòng của ASEAN; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”(30). Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thế và lực mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trong giai đoạn phát triển mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực vừa có cơ hội thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần quán triệt, vận dụng linh hoạt, chủ động, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân./.

---------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 226
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 693
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 10, tr. 144
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 9, tr. 59
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 493
(6), (7) Giải thích: y sinh - thầy thuốc, bác sỹ; khán hộ - y tá. Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 4, tr. 534, 96 - 97
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 35
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 7, tr. 445
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 27 - 28
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 7, tr. 445
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 2, tr. 320
(13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 4, tr. 3, 23, 89
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 12, tr. 389
(17), (18), (19), (20), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 285, 167, 693, 554, 693
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156
(23) Nguyễn Phú Trọng: “Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phát huy kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện thật tốt các Nghị quyết của Hội nghị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị thật tốt đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 1024, 10-2023, tr. 13 - 14
(24) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Sđd, t. I, tr. 157
(25) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 175
(26), (27) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Sđd, t. I, tr. 156 - 157, 117
(28) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.5, tr. 179
(29) Xem: Phạm Minh Tuấn: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay”, in trong Tạp chí Cộng sản Chuyên đề: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới, số 9, 2023, tr. 49
(30) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mớiSđd, tr. 125

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website