Về Đá Chông, nhớ Bác...

 

Những tảng đá hình nhọn như mũi chông tại Khu di tích Đá Chông.
Những tảng đá hình nhọn như mũi chông tại Khu di tích Đá Chông.

Cách thị xã Sơn Tây khoảng 25 km, Khu di tích lịch sử Đá Chông nằm trên dãy núi Tản Viên huyền thoại. Con đường đưa chúng tôi lên núi Đá Chông vừa đẹp, vừa gần gũi bởi khi bước chân vào Khu di tích là một không gian thoáng đãng nhờ vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của cây trái. Mùa này, tiếng ve kêu gọi hè hòa vào những chùm phượng vĩ đã bung nở, rung rinh những trái bưởi cùng hương thơm lan tỏa của hoa rừng đã làm cho cảnh và người như thêm gần gũi, khung cảnh bình yên đến dung dị.

Con đường từ dưới chân núi lên Khu di tích là một con đường nhỏ được trải toàn bằng sỏi và đá cuội. Hai bên đường là cây rừng cổ thụ đã vài trăm năm tuổi cùng với hoa lá đang rực xanh dưới nắng hè gay gắt. Mỗi khi có đoàn người lên thăm Khu di tích, tiếng bước chân trên làn đá sỏi lại vang lên lạo xạo, làm cho không gian tĩnh lặng trở nên vang động đến lạ thường.

Khi được nghe cô hướng dẫn viên của Khu di tích kể về con đường đi lên đỉnh Đá Chông, chúng tôi mới biết đó không phải là con đường mới làm mà nó là lối đi khi còn ở Đá Chông. Đây là ý tưởng của Bác Hồ với nhiều tác dụng khác nhau. Theo Bác, việc đi trên đá sỏi, đá cuội như thế, bàn chân sẽ được “luyện tập” và như thế, đó là một cách tập thể dục hữu hiệu mà Bác đã nói với các chiến sỹ hồi đó. Hơn nữa, khi đi trên đường trải toàn sỏi giữa khu rừng rậm và im ắng, tiếng bước chân người lạo xạo trên đá sỏi sẽ giúp cho cảnh vệ phát hiện ra đang có người đến để cảnh giác.

Nơi từng bảo quản thi hài Bác Hồ tại Đá Chông.

Lên đỉnh đồi Đá Chông, ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ bình dị và trang nghiêm giữa trung tâm đồi, xung quanh rợp bóng mát của những cây cổ thụ xanh tốt. Ngôi nhà ấy, theo cán bộ hướng dẫn viên, cũng là nơi mà trước đây, Bác đã có 9 lần về làm việc. Đứng trên đỉnh đồi Đá Chông, phóng tầm mắt ra xa, mới thấy hết sự hùng vĩ, vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của địa thế nơi đây. Nhìn ra phía xa xa, dòng sông Đà cuộn chảy, giao thông thuận lợi. Vì thế, từ những năm 1960 đến năm 1969, Bác Hồ đã chọn nơi đây để cùng Bộ Chính trị họp bàn những kế hoạch quan trọng. Người cũng dùng ngôi nhà xây theo kết cấu nhà sàn để tiếp hai đoàn khách quốc tế. Đó là vào ngày 13/3/1961 tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và ngày 23/2/1962, tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc man Ti tốp. Dường như tất cả sự bài trí và thiết kế đều rất khoa học, bình dị và ấm áp đến gần gũi.

Phía trước nhà lưu niệm, đặt một ban thờ lộ thiên, phía trên có ba tảng đá màu trắng xám hình nhọn tựa như chông như mác. Chính vì thế, ngọn núi này được gọi bằng cái tên Đá Chông. Xung quanh nhà lưu niệm, nét hoang sơ, tĩnh lặng của cảnh núi rừng vẫn còn đây. Căn hầm tránh bom được làm ngay cạnh ngôi nhà. Chưa một lần nào Bác và các đồng chí phải vào đó, giờ đã rêu phong và như gợi lại trong chúng tôi về những tháng ngày căng thẳng và ác liệt của đất nước. Những cây cổ thụ tỏa bóng râm mát xuống mái hầm và khắp không gian. Rễ cây mọc lan ra khắp nơi như những dấu mốc đo thời gian lịch sử.

Du khách về thăm Đá Chông lắng nghe thông tin từ cán bộ Khu di tích.
Du khách về thăm Đá Chông lắng nghe thông tin từ cán bộ Khu di tích.

Đá Chông, sinh thời Bác Hồ, là nơi Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị thường về đây để họp bàn công việc. Khi Bác đi xa, nơi đây đã từng có một thời gian ru giấc ngủ vĩnh hằng của Người.

Bước chân chúng tôi chậm hơn, tâm trạng lặng đi khi đứng trước gian phòng phía bên trái nhà lưu niệm. Đó là căn phòng đã từng bảo quản thi hài Bác. Lời lời giới thiệu của cán bộ Khu di tích chậm rãi, xúc động và bồi hồi khi nhắc lại sự kiện ngày 2-9-1969, khi Bác Hồ qua đời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ Đá Chông và xây dựng thêm công trình như: Ngôi nhà kính, Hầm ngầm... để phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.

Tại Khu di tích này, vẫn còn lưu giữ ba chiếc xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe Zin 157 biển số 470-189, xe Páp biển số 31-162. Đó là những chiếc xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác Hồ 6 lần tới Đá Chông và các địa điểm khác.

Đá Chông từ khi Bác đi xa, là một địa chỉ đỏ thiêng liêng để mỗi người dân Việt Nam hướng về. Đá Chông ngày ngày đón những đoàn người thành kính về viếng Bác. Nơi đây từng in dấu chân Bác, nơi đây rừng xanh ru giấc ngủ bình yên và vĩnh hằng của Người. Từng tán cây, mỗi lối đi vẫn còn đâu đây hơi ấm của Người, vẫn vang vọng những lời dạy của Người.

Về thăm Đá Chông, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tin tưởng vào tương lai và sự trường tồn của đất nước./.

Bài, ảnh: Nậm Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website