Nhân lên những cách làm sáng tạo của các địa phương trong học và làm theo Bác

 

Thước đo đánh giá cán bộ
 
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã làm rõ, minh họa thêm những kết quả, kinh nghiệm và cách làm trong thực hiện Chỉ thị 05 tại các địa phương, đơn vị. Thay mặt Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ngay sau khi Chỉ thị 05 được ban hành, các cấp, các ngành của TP đã triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc.
 
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Cường)
 
Thành ủy Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố với hơn 1.200 đại biểu tham dự, học tập và quán triệt các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) và Chuyên đề toàn khoá "Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
 
Cấp ủy các cấp đều xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05, tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên để tạo sự thống nhất trong nhận thức, trở thành công việc thường xuyên, quan trọng của tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đơn vị; tạo thành ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc học tập và làm theo lời Bác. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 69 về "Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội".
 
Thông qua các hình thức phong phú, thiết thực, sinh động, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, có hệ thống các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt”.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho biết, TP đã yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 với nhiều nội dung cụ thể, trong đó đẩy mạnh việc làm theo, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, những hạn chế, khuyết điểm, nhất là vấn đề về phát ngôn, phát biểu không đúng nơi, đúng lúc, lệch lạc về quan điểm, đường lối và 27 biểu hiện về "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" như NQ TƯ 4 khóa XII đã chỉ rõ, để khắc phục.
 
Hà Nội cũng sẽ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu các ngành, các cấp. “Thành phố sẽ lấy việc thực hiện Chỉ thị 05 làm thước đo đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, là căn cứ quan trọng trong việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ” – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
 
Xác định đột phá nhằm tạo chuyển biến trong thực hiện Chỉ thị 05
 
Theo chia sẻ của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tại Hội nghị, hiện nay, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang tiến hành sinh hoạt chuyên đề, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn và phát hành 54.000 cuốn “Cẩm nang nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” đến tận chi bộ cơ sở để làm tài liệu nghiên cứu, học tập hàng ngày cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
 
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã xác định 3 nội dung đột phá để tập trung chỉ đạo, đó là: Xây dựng hình ảnh người đảng viên Nghệ An mẫu mực, có uy tín trong nhân dân, đổi mới phong cách, tác phong công tác gần dân, sát dân, lắng nghe dân, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhũng nhiễu, tiêu cực; kiên quyết xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trì trệ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”.
 
Cùng với đó, “Đổi mới tư duy, thực sự cầu thị, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực trong thu hút đầu tư” cũng là vấn đề được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An lựa chọn triển khai. Theo đó, năm 2016, toàn tỉnh đã cấp mới 141 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm 35.441 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo nhiều việc làm, nộp ngân sách lớn. Vừa qua, Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư cho 8 dự án và ký kết 15 thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác đầu tư vào Nghệ An với tổng số vốn đăng ký là 22.628 tỷ đồng.
 
Khâu đột phá nhằm giúp đỡ người nghèo vươn lên làm giàu là Nghệ An đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, đa dạng, phong phú. Trong đó, có 110 sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhận giúp đỡ 110 xã, bản ở vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế - xã hội; "hũ gạo tiết kiệm"; "bát cháo tình thương"; khám, chữa bệnh miễn phí; "hiến máu tình nguyện"; "tiết kiệm bản thân để phần người khó"; "Dạy học miễn phí", ... trong dịp Tết Nguyên đán 2017, hưởng ứng lời kêu gọi “Tết vì người nghèo” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có 279 tập thể, cá nhân quyên góp, ủng hộ được gần 44 tỷ đồng để giúp đồng bào nghèo ăn tết.
 
Sau khi học tập, nghiên cứu chuyên đề toàn khóa, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, xây dựng kế hoạch toàn khóa và cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm để thực hiện, đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên xây dựng kế hoạch cá nhân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật cụ thể, thiết thực để thực hiện.
 
Hình ảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Báo Nghệ An)
 
Chọn vấn đề, giải quyết dứt điểm những phát sinh từ cơ sở
 
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Quảng Nam Nguyễn Chín, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Nam xác định, trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị phải sâu sát cơ sở. Các đồng chí ủy viên thường vụ Tỉnh ủy đứng điểm nắm tình hình, chỉ đạo trực tiếp các xã, phường trọng điểm; các ủy viên thường vụ cấp huyện đứng điểm đến thôn, khối phố, chi bộ. Nhờ đó, đã giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh ngay tại cơ sở và rút được những kinh nghiệm quí từ thực tiễn ở cơ sở. Tỉnh ủy cũng đã ban hành các nghị quyết, chương trình đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thực hiện nghiêm túc việc thi tuyển công chức, viên chức đồng thời quyết liệt giảm 10% biên chế...
 
Trong quá trình thực hiện, từ cơ sở đã xuất hiện một số cách làm hay, mô hình hiệu quả. Huyện Phú Ninh xây dựng mô hình: 4 đúng, 4 phải, 3 sát, 3 nhất (4 đúng trong thực thi công vụ: đúng giờ, đúng kế hoạch, đúng chức trách nhiệm vụ, đúng chủ trương chính sách, pháp luật; 4 phải đối với việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân: minh bạch, tận tình, chính xác, đúng hẹn; 3 sát trong phương châm giải quyết công việc: sát dân, sát việc, sát cơ sở; 3 nhất: gương mẫu nhất, hiệu quả nhất, sâu sát cơ sở nhất trong việc thực hiện chức năng, chức trách, nhiệm vụ được giao). Và các mô hình “Chi bộ, cơ quan, đơn vị giúp thôn, khối phố xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, khối phố văn minh đô thị” và “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Huyện Đông Giang cùng với chuyên mục phát thanh hằng tuần, mỗi tháng có một chương trình tiếng Cơ tu về chuyên đề “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để phục vụ cho bà con Người Cơ tu trên địa bàn huyện; chỉ đạo mặt trận và các hội đoàn thể bám sát phong trào “5 không, 3 có, 3 sạch” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới để các hội viên đăng ký làm theo. Huyện Duy Xuyên có mô hình “không rải vàng mã trên đường đi khi có người thân qua đời”; mô hình “phụ nữ không sử dụng túi nilong khi đi chợ”; “Tổ an ninh trên biển - chung tay bảo vệ biển đảo quê hương”. Huyện Nam Trà My có Chương trình “3 kèm 1 giúp dân thoát nghèo”: (3 cán bộ công chức giúp 1 hộ nghèo), bước đầu đạt nhiều kết quả…
 
Bí thư Tỉnh uỷ công khai nội dung đăng ký học tập và làm theo Bác
 
Tham luận tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bến Tre cho biết, triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ Bến Tre đã quán triệt phương châm thực hiện “học đi đôi với làm theo”, “Gương mẫu đi đầu theo cách trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau”, chú trọng nêu gương của người đứng đầu. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất chủ trương công khai các nội dung đăng ký học tập và làm theo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Bí thư các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ. Nội dung đăng ký được thông tin trên các báo, đài của tỉnh; ở các đơn vị, địa phương công khai nội dung đăng ký của bí thư, chủ tịch uỷ ban nhân dân, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên đài truyền thanh địa phương để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân biết và giám sát việc thực hiện.
 
Với việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong học tập và làm theo Bác bước đầu nhận được sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Nêu gương cách làm của lãnh đạo chủ chốt Tỉnh uỷ, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của tỉnh đều viết bản đăng ký dựa theo gồm 3 nội dung: thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thực hiện Nghị quyết TW4 khoá XII và Chỉ thị 05) gửi về chi uỷ hoặc bí thư chi bộ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; trong sinh hoạt chi bộ, đảng bộ và họp cơ quan, đơn vị hàng tháng có tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho tháng tiếp theo.
 
Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể như Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, tỉnh Bến Tre đã phân công lãnh đạo tỉnh theo dõi, hỗ trợ địa bàn theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, xã nắm tới hộ gia đình”, phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, công tác cải cách hành chính công được tập trung cao và đạt kết quả tốt, tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm... đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên và nhân dân./.

 

P.Cường – H.Hòa (ghi)

 


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website