Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cán bộ và nhân dân thôn Tiền Phong, xã Nhân Đạo (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã phát huy sức mạnh đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhân dân thôn Tiền Phong thường xuyên quét dọn, giữ gìn vệ sinh khuôn viên Nhà văn hóa thôn, góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thôn Tiền Phong có 170 hộ với 710 khẩu, chi bộ gồm 32 đảng viên. Với đặc thù là thôn thuần nông, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, mật độ dân cư phân bố không tập trung, đồng ruộng xen lẫn đồi gò nên việc canh tác của người dân nơi đây không mấy thuận lợi.
Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, trực tiếp là chi bộ thôn, cùng sự thống nhất hành động giữa Ban Công tác mặt trận với các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, nhân dân thôn Tiền Phong luôn nỗ lực phấn đấu trong các phong trào, nhất là phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế; tích cực giúp đỡ nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và nâng cao chất lượng đời sống.
Ban Công tác mặt trận thôn luôn chủ động tham mưu với chi bộ, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình. Khuyến khích nhân dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; thâm canh, đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh và thực hành tiết kiệm trong tiêu dùng, sản xuất.
Các tổ chức, đoàn thể tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, phát huy tốt vai trò ủy thác, tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên vay vốn đầu tư các mô hình kinh tế. Năm 2024, có 50 hộ hội viên, đoàn viên thuộc các tổ chức, đoàn thể của thôn được xét duyệt vay tổng số tiền 2,5 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế.
Chăn nuôi hiện là lĩnh vực mũi nhọn của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Với giá cả thị trường tương đối ổn định nên các hộ chăn nuôi vẫn duy trì được số lượng đàn lợn thịt và đàn lợn sinh sản.
Trong đó có thể kể đến một số hộ chăn nuôi quy mô lớn, cho thu lãi cao như hộ ông Trần Văn Ninh, hộ anh Nguyễn Văn Kiên, hộ anh Trần Tiến Tuân... duy trì từ 10 - 20 lợn nái thường xuyên, thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, không ít hộ đầu tư chăn nuôi gà thịt tập trung với số lượng lớn theo mô hình gia trại cho hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Trần Huy Hiệu, hộ bà Nguyễn Thị Liễu... thu nhập bình quân từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi gà thịt cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm của gia đình bà Nguyễn Thị Liễu, thôn Tiền Phong. Ảnh: Nguyễn Lượng
Một số hộ đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cho thu nhập cao hằng năm như hộ ông Nguyễn Văn Thêm (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại xe đạp Việt - Tiệp); hộ ông Trần Huy Hiệu sản xuất đồ gỗ nội thất; hộ ông Trần Văn Hạnh sản xuất cơ khí... bình quân thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Đến nay, đời sống vật chất của đại bộ phận người dân đã được cải thiện, cơ sở hạ tầng của thôn Tiền Phong từng bước phát triển đồng bộ. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong chi bộ, Ban Công tác mặt trận cùng các đoàn thể và quần chúng nhân dân trong thôn.
Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 50 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với năm 2023, vượt 11% kế hoạch đề ra). Hiện toàn thôn chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo (gần 0,6% tổng số hộ); số hộ khá giả chiếm hơn 61% và hộ thu nhập trung bình chiếm hơn 38%.
Đời sống vật chất ngày càng ổn định, chính quyền và nhân dân thôn Tiền Phong có thêm điều kiện tập trung thực hiện quy hoạch và chỉnh trang thôn dân cư, góp công, góp của đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn trên địa bàn.
Đến nay, 15/15 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn đã được bê tông và cứng hóa; xây dựng hệ thống rãnh thoát nước thải có nắp đạy nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống đèn chiếu sáng đường làng, ngõ xóm được đầu tư và quản lý bằng tiền đóng góp của các hộ dân trong thôn. Hiện, thôn Tiền Phong đạt 16/19 tiêu chí và đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, chi bộ và Ban Công tác mặt trận thôn tích cực tuyên truyền nhân dân và cán bộ không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 11 của Tỉnh ủy về thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ.
Vận động nhân dân tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, duy trì đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Khích lệ tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người tàn tật, khuyết tật, người cao tuổi neo đơn...
Năm 2024, thôn Tiền Phong đã vận động nhân dân ủng hộ được gần 60 triệu đồng cho các quỹ; mua sắm cơ sở vật chất cho Nhà văn hóa thôn; tổ chức các phong trào hoạt động cho thiếu niên và nhi đồng; quyên góp hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3...
Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, 5 năm liền (2017 - 2022), Chi bộ thôn Tiền Phong đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Việt Sơn
Theo https://baovinhphuc.com.vn