Nỗi nhớ Bác từ thành phố mang tên Người

 Bến cảng Nhà Rồng (quận 4, thành phố Hồ Chí Minh), nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Tìm lại dấu Bác xưa

Trong một sáng nắng vàng, bà Trần Ngọc Ái, 66 tuổi, cựu giảng viên Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cùng chúng tôi đứng nghiêm cẩn trước tượng đài Bác Hồ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngay trước cửa UBND thành phố. Là người sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng tại Bạc Liêu, rồi gắn bó với Sài Gòn - Gia Định trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), cô nữ sinh sư phạm Trần Ngọc Ái hòa mình vào dòng người trên phố, hạnh phúc chào đón đoàn quân chiến thắng, về giải phóng miền Nam. “Tôi đã được cha cho xem ảnh Bác Hồ từ khi còn nhỏ. Tôi được mọi người kể cho nghe nhiều chuyện về Bác khi còn đi học. Tôi luôn nhớ những câu chuyện xúc động ấy”, bà Ái tâm sự.

Vì thế từ lâu, bà Trần Ngọc Ái tập trung nghiên cứu, tìm kiếm, tập hợp những tư liệu, câu chuyện về Bác Hồ với Sài Gòn - Gia Định như một niềm đam mê cá nhân. “Bác Hồ đã ở một căn nhà tại quận 5 trong gần 10 tháng, trước lúc rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Giờ, căn nhà ấy vẫn còn. Chúng ta cùng đến nhé!”, bà Ái đề xuất.

Chiếc xe chở chúng tôi đến đường Châu Văn Liêm rộng rãi, tìm ngôi nhà số 5 bình dị. Đó là một ngôi nhà 2 tầng, xây dựng trên khoảnh đất chừng 35m2, với mái ngói cổ. Trước cửa nhà có gắn tấm biển đá hoa cương, ghi rõ: “Di tích lịch sử Quốc gia, nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở, trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Dưới tầng 1, ngay chính giữa gian ngoài, là ban thờ với bức tượng Bác. Bên trên là dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Hai bên là hai vế câu nói nổi tiếng của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Đây là chi nhánh của Công ty Liên Thành, vốn do chí sĩ Phan Chu Trinh thành lập tại Phan Thiết và Sài Gòn từ năm 1906. Liên Thành cũng là chủ sở hữu và là nhà sáng lập Trường Dục Thanh ở Phan Thiết (Bình Thuận ngày nay), nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng dạy học. Được sự giúp đỡ của những chí sĩ yêu nước, Người đã từ Phan Thiết vào Sài Gòn, ở căn nhà này từ tháng 9-1910 đến ngày 4-6-1911, được Công sứ Pháp đổi tên trên giấy thông hành là Nguyễn Văn Ba.

Hằng ngày, Người vừa dạy học vừa đi làm ở Trường Thợ máy (Éscole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động. Ngày 4-6-1911, chàng thanh niên Văn Ba rời căn nhà là chi nhánh Công ty Liên Thành tại quận 5. Ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Treville, Người rời Bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước.

“Gọi là Bến Nhà Rồng, vì trên nóc tòa nhà được xây dựng năm 1863 tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Bến Nghé, có đôi rồng lớn bằng đất nung, tráng men xanh”, bà Ái kể, “giờ đây, tòa nhà là Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ những hình ảnh, tài liệu về cuộc đời của Bác và tình cảm người dân miền Nam dành cho Người”.

Từ lâu, Sài Gòn mong được mang tên Người

“Chúng ta đều biết, ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI đã thông qua nghị quyết, đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng trước đó khá lâu, người dân thành phố đã mong mỏi, đề xuất được mang tên Người”, bà Ái kể tiếp câu chuyện, khi chúng tôi quay về Bến Nhà Rồng.

Những câu chuyện của bà Ái dẫn chúng tôi ngược dòng thời gian về ngày 27-8-1946, tờ Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, đã đăng trang trọng ngay trên trang nhất số báo 329 bài viết mang tên “Thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh”. Bà Ái cho chúng tôi xem tấm ảnh tư liệu, chụp trang nhất số báo đó. Màu giấy cũ theo tháng năm, nhưng những dòng chữ vẫn sắc nét, đọc rõ: “Hà Nội, ngày 25-8-1946, nhân Ngày kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng, Phòng Nam Bộ trung ương, đường Gia Định đã có một buổi họp mặt thân thiện giữa những người Việt miền Nam”.

Trong buổi họp đó, bác sĩ Nghiệp đã kể về công đức của Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vị đại anh hùng của dân chúng Việt Nam. Để kết luận, sau khi kể một vài thí dụ ở những nước lớn hay lấy tên những vị anh hùng để đặt cho một thành phố lớn, bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Toàn thể mọi người tán thành đề nghị của bác sĩ Nghiệp và đồng ký vào bản quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ lúc bấy giờ.

Với giọng kể trầm bổng của một cô giáo dạy Văn, bà Trần Ngọc Sương tiếp câu chuyện mà chúng tôi đang chăm chú nghe: “Sau đó, còn nhiều lần nữa, trên nhiều tài liệu khác, cái tên thành phố Hồ Chí Minh được nhắc đến, như một ý nguyện của người dân miền Nam hướng về Bác, mong ngày nước nhà thống nhất”. Năm 1954, trong bài thơ Ta đi tới trong tập thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô thành phố/ Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng…”.

Ngày 5-5-1975, Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra đầu tiên có đăng thông báo về việc thành lập Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định do Thượng tướng, Chủ tịch Trần Văn Trà ký. Thông báo có đoạn nêu rõ: “Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam ta nhằm đập tan ngụy quyền tay sai đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Thành phố Sài Gòn, thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã hoàn toàn giải phóng”.

Bà Trần Ngọc Ái kể tiếp: Ước nguyện của nhân dân Nam Bộ là vậy, nhưng tất cả phải đợi đến ngày 2-7-1976, khi kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI thông qua nghị quyết đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức được mang tên thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết ghi rõ: “Xét rằng nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người; Xét rằng, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội, quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.

Tạm biệt bà Trần Ngọc Ái, chúng tôi ra về khi khắp phố phường đã bừng ánh điện lung linh. Trong 45 năm qua kể từ khi đất nước thống nhất, những thế hệ người dân thành phố mang tên Bác đã đoàn kết, chung tay xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như di nguyện của Người.

Phạm Gia

Theo http://www.hanoimoi.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website